Trong những ngày gần đây đồng rúp đang liên tục bị mất giá thê thảm, mức giảm kỷ lục lên tới 50% nếu so với giá trị đồng rúp hồi cuối tháng 6.
Không khó để tưởng tượng ra cảnh đại đa số người dân Nga hoang mang và lo lắng tới mức nào trước việc đồng tiền nước mình sụt giá thảm hại. Giữa nền kinh tế Nga thời loạn lạc, ngành thời trang cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, bức tranh thời trang những ngày đồng rúp bị mất giá có rất nhiều những mảng màu khác nhau.
Người dân lo lắng khi đồng rúp liên tục mất giá
Người giàu đổ xô đi mua hàng hiệu
Theo ghi nhận của trang tin LiveLeak, tại xứ sở Bạch Dương, tình trạng hiện tại tuy có biến động song không quá “thê lương”. Các nhà băng chưa phá sản, trung tâm thương mại, cửa hiệu vẫn hoạt động, chỉ có nhiều nhà hàng đóng cửa và cây ATM thường xuyên hết sạch tiền mặt.
Một trong những điểm nhấn khác khiến người ta phải chú ý là sự tăng trưởng mạnh mẽ bất ngờ của thị trường kinh doanh hàng hiệu đắt đỏ như thời trang cao cấp, siêu xe…
Tại trung tâm thương mại Atrium, các cửa hiệu thời trang nước ngoài như Topshop hay Gucci, lượng khách xếp hàng càng lúc càng được nối dài.
Người giàu chú trọng mua những món đồ giữ giá và có tính tích trữ lầu dài như trang sức đá quý, hàng hiệu, xế sang
Do đồng rúp trượt giá và các thương hiệu xa xỉ chưa thể điều chỉnh giá nên giới thượng lưu ở Nga có xu hướng đổ xô đi mua hàng hiệu trong nước. Mua sắm hàng xa xỉ ngoại nhập trong thời điểm này tuy không có lợi cho nền kinh tế đất nước song lại giúp họ tiết kiệm 30 – 40% so với việc cùng mua loại hàng hiệu đó tại nước nước ngoài (do mức chênh lệch và giá trượt giảm của đồng rúp nếu so với đồng đô la hay euro).
Các mặt hàng hiệu chưa kịp điều chỉnh giá tụt giá nhiều tới mức người dân trung lưu cũng có thể mua được. Chẳng hạn như một chiếc túi LV có giá chỉ còn hơn một nửa so với giá ban đầu.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của trung tâm phân tích Mintel, London (Anh) – thị trường hàng xa xỉ được người Nga ưa chuộng nhất, trong năm qua thu được 10 tỉ bảng doanh thu tiền các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, phụ kiện. Trong đó, tới 10% khoảng 1 tỉ bảng là số tiền mà người Nga chi cho việc mua sắm hàng xa xỉ tại London.
Theo Thetime, khoảng thời gian đồng rúp suy thoái, người số tiền người Nga chi cho hàng hiệu xa xỉ tại Anh giảm 27%. Tuy nhiên con số này được chuyển giao cho việc mua hàng hiệu ngoại nhập ở trong nước. Thetime cũng nhận định “Đồng rúp có vấn đề thì cũng không hề gì đối với các tín đồ thời trang.”
The Time nhận định : “Đồng rúp có vấn đề thì cũng không hề gì đối với các tín đồ thời trang.”
Việc đổ xô đi mua hàng hiệu đắt đỏ cũng là cách mà giới nhà giàu Nga cho rằng là “nhằm bảo vệ túi tiền tiết kiệm của mình” khi đồng rúp ngày càng mất giá.
Không chỉ giới thượng lưu Nga mà khách du lịch nước ngoài cũng bị hấp dẫn bởi cơ hội được mua hàng hiệu giá rẻ.
South South China Morning Post cho biết rất đông dân buôn người Trung Quốc đã kéo đến Nga để xếp hàng mua các mặt hàng xa xỉ phẩm, chủ yếu là mỹ phẩm, hàng hiệu, đồ điện tử cao cấp…. Du học sinh và khách du lịch Trung Quốc tìm cách “vơ vét” thật nhiều hàng hiệu để sau đó đem về bán, ăn số tiền chênh lệch rất lớn.
Một số du học sinh Trung Quốc tại Nga tiết lộ các cửa hàng bán lẻ tại Trung Quốc đã đổ tiền vào tài khoản cho họ để họ có thể mua được càng nhiều hàng hiệu càng tốt. Số khác thì đem bán các sản phẩm mình vừa mua được. Một du học sinh tiết lộ nhờ việc bán đồng hồ cao cấp mà anh kiếm được hàng ngàn đô la mỗi tối.
Trên mạng xã hội xứ Trung, cư dân mạng cũng rục rịch rủ nhau đi mua hàng hiệu ở Nga.
Một người dùng mạng weibo viết: “Tôi nghe nói giờ hàng hiệu ở Nga giá rẻ như bắp cải”.
Người nghèo và trung lưu mua đồ bình dân tích trữ
Một doanh nhân tại Nga nhận xét: “Người dân tiêu xài tới những đồng rúp cuối cùng để mua các mặt hàng trước khi nó tăng giá”. Người dân lo sợ các thương hiệu sẽ điều chỉnh lại giá cả nên thay vì tiết kiệm, họ chen lấn xô đẩy tại các cửa hàng, cửa hiệu để tiêu tiền.
Nếu người giàu ở Nga chi mạnh tiền vào hàng xa xỉ thì người dân nghèo và trung lưu lại tìm tới các siêu thị và khu chợ bình dân. Họ mua đồ tích trữ để mong qua được cơn bão biến động đồng rúp đang ngày càng trở nên phức tạp.
Theo ghi nhận của MailOnline, người dân Nga tranh nhau mua hàng trong tâm trạng “tuyệt vọng, mệt mỏi và lo lắng”.
Người dân Nga tranh thủ tiêu tiền trước khi "đồng rúp không thể mua được bất cứ thứ gì"
Kinh doanh thời trang tại Nga điêu đứng khi đồng rúp trượt giá
Đồng rúp mất giá quá mạnh khiến nhiều thương hiệu chưa chuẩn bị được cách ứng biến kịp thời. Trong lúc các thương hiệu nước ngoài chưa nhanh tay điều chỉnh giá bán thì người dân và khách du lịch đã lao vào mua tới những món đồ cuối cùng. Themoscowtimes nhận xét các thương hiệu thời trang đang mắc kẹt bởi một tảng đá lớn.
Đi tới bất cứ cửa hàng thời trang nào tại Nga vào thời điểm này, bạn cũng sẽ nghe thấy những lời than vãn về việc lợi nhuận sụt giảm. Các mặt hàng hiệu nhập khẩu tuy tăng về doanh thu bán hàng nhưng họ vẫn phải đôi mặt với việc bị suy giảm lợi nhuận, thậm chí có thể lỗ.
10% dao dịch trên thị trường kinh doanh thời trang tại Nga đang bị “đóng băng” trong thời điểm này. Người đại diện BNS Group - công ty quản lý Calvin Klein, Armani Jeans, Michael Kors và Topshop ở Nga cho biết tập đoàn đã ngừng nhận các đơn nhập hàng mới.
Điều mà các nhà bán lẻ thời trang tại Nga khó có thể làm trong thời điểm này đó là tăng giá sản phẩm. Bởi khi các nhãn hàng tăng giá thì nhu cầu mua hàng sẽ ngay lập tức bị sụt giảm cực mạnh. Một số nhãn thời trang đã tăng giá từ hồi đầu tháng 12, khi nhận thấy đồng rúp có dấu hiệu suy yếu, tuy nhiên đi kèm với đó thì doanh số bán hàng cũng theo đó giảm “không phanh”.
Nếu tăng giá, việc kinh doanh sẽ ngay lập tức ì chệ, thậm chí "đóng băng"
Tuy nhiên, các nhãn hàng cũng không có cách nào khác ngoài việc nỗ lực trong sự mệt mỏi để tăng giá. Một giám đốc điều hành chuỗi thời trang may mặc chia sẻ với Moscowtimes về việc họ sẽ cố gắng chỉ điều chỉnh tăng giá từ 10 – 15 % trừ khi siêu lạm phát.
Trong khi đó, các thương hiệu thời trang ngoại nhập có cửa hàng tại Nga cũng đang loay hoay đối phó với tình trạng đồng rúp mất giá. Họ đã phải tìm cớ đóng cửa hàng để điều chỉnh giá nhằm tránh tình trạng thua lỗ do nhập hàng từ nước ngoài về trong tình trạng giá cả chênh lệch quá lớn. Chẳng hạn như các cửa hàng Louis Vuitton đã phải treo biển “đóng cửa vì sự cố kỹ thuật” để thay đổi giá bán.
Một cửa hiệu LV tại Nga
Zara – một trong những “ông lớn” làng thời trang cũng đã đóng cửa các cửa hàng chính của mình tại thủ đô Moscow để hạn chế tình trạng người dân đổ xô tới các cửa hàng mua đồ tích trữ với giá bán cũ.
"Bán được hàng nhưng không vui" là tâm lý chung của những người kinh doanh thời trang tại Nga vào thời điểm này.
Thu Hương (Tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.