Nhà tôi có bốn người, thì có bốn ý thích khác nhau.
Tôi thích giao du bạn bè, vợ tôi lại không thích khách khứa. Cô ấy là nhà giáo, chỉ ưa sự yên tĩnh. Hai cô con gái tính cũng lạ. Đứa lớn nhìn rổ táo, chọn quả to nhất. Đứa bé thì lại khác, chọn quả có màu đẹp dù có bé hơn.
Tưởng gia đình mình đặc biệt, hóa ra thiên hạ đều thế cả. Có nhà, chồng mê bóng đá, vợ thích phim tâm lí xã hội, con mê phim Hàn Quốc (vì mê tóc tai, quần áo của diễn viên chứ không phải mê nội dung phim). Còn bà thì chỉ thích chèo tuồng. Thành thử có một cái ti vi mà người này coi thì ba bốn người kia nhịn. Chỉ sự đồng thuận cho ý thích thôi ở trong một gia đình đã là quá khó khăn, huống chi xã hội.
Tôi hiểu sự đồng thuận luôn là của hiếm chứ không dễ dàng như người ta thường xoa tay vui vẻ với nhau trong hội nghị để sau khi quay lưng thì lại lời nọ ý kia ngay. Các cụ ta ngày xưa thế mà sâu sắc khi bảo rằng chín người mười ý, để nói lên cái phức tạp của cuộc sống.
Nhưng khi đã hiểu cuộc sống vốn phức tạp thế thì người ta không ngạc nhiên khi người khác có ý kiến trái mình. Con người có phải sinh sản vô tính đâu mà giống nhau như đúc khuôn cả từ hình thức đến tư duy. Mà sự khác biệt do nhận thức và ý thích của từng người ấy nó tạo ra sự phong phú trong xã hội, làm động lực cho cuộc sống phát triển, đỡ mắc những sai lầm.
Nên đứng trước đám đông ồn ào dù phức tạp nhưng đó mới là cuộc sống thực, và chẳng ngại gì sự trao đổi chia sẻ. Còn cái đồng thuận, cái trăm phần trăm biểu quyết giơ tay hay bỏ phiếu trong các hội nghị này nọ, tưởng là lạc quan nhưng chính trong nó chứa đầy nghi ngờ, âu lo. Nghi ngờ, âu lo cho chính cả những người giơ tay!
Đỗ Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.