Dòng tiền “chảy” mạnh vào chứng khoán, công ty môi giới sẽ “hốt bạc”?
Dòng tiền “chảy” mạnh vào chứng khoán, công ty môi giới sẽ “hốt bạc”?
Quốc Hải
Thứ ba, ngày 13/10/2020 18:23 PM (GMT+7)
Dòng tiền nhà đầu tư “chảy” mạnh vào thị trường đang giúp các công ty chứng khoán… ăn nên làm ra. Nguyên nhân là khi giá trị giao dịch tăng cũng kéo theo dự nợ margin tại các công ty chứng khoán tăng trưởng, điều này giúp gia tăng lợi nhuận từ phí giao dịch và cả lãi margin…
Một trong những điểm nhấn của thị trường chứng khoán vài tuần qua là thanh khoản tăng mạnh, dòng tiền của nhà đầu tư liên tục đổ vào thị trường qua các phiên giao dịch.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay 13/10, VN-Index dừng ở 929,86 điểm, tăng 0,44%; HNX-Index dừng ở 136,15 điểm, tăng 0,18%; đặc biệt, thanh khoản toàn thị trường phiên hôm nay đạt gần 7.400 tỷ đồng, vẫn đang rất dồi dào.
Lãi suất giảm, tiền "chảy" mạnh vào chứng khoán?
Từ đầu năm tới nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục giảm lãi suất huy động để tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Mới đây nhất, ngay sau khi NHNN công bố quyết định giảm lãi suất điều hành từ 1/10, hàng loạt NHTM tiếp tục giảm lãi suất huy động với mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống, trong đó với kỳ hạn 1 - 2 tháng, thậm chí một số nhà băng chỉ còn đưa ra lãi suất 3,1%/năm (Vietcombank).
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngày càng thấp, các hoạt động kinh doanh khác cũng chưa khởi sắc bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, dòng tiền huy động từ trong dân liên tục giảm.
Theo báo cáo chiến lược quý 4/2020, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, lãi suất huy động hạ có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tăng chậm lại (7 tháng đầu năm tăng 7,85% so với cùng kỳ trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây đều tăng trên 10%). BVSC cho rằng, có khả năng một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi trong vài tuần trở lại đây, dòng tiền liên tục "chảy" mạnh vào thị trường chứng khoán, kèm theo đó là số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản tiếp tục tăng.
Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, trong tháng 9, nhà đầu tư trong nước tiếp tục mở mới 31.418 tài khoản, tăng hơn 3.000 tài khoản so với tháng trước đó. Đưa tổng số lượng tài khoản tính đến hết 30/9 là gần 2,63 triệu tài khoản. Bên cạnh đó, dòng tiền của các nhà đầu tư mới (F0) vẫn còn rất nhiều trên thị trường.
Ngoài ra, trên thực tế, trong quý 3 vừa qua, thanh khoản của thị trường đã cải thiện đáng kể với giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE đạt 4.535 tỷ đồng/phiên, tăng 4,2% so với quý 3 và tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ nửa tháng 8 tới cuối quý 3, thanh khoản thị trường tăng mạnh với những phiên giao dịch 6.000 – 8.000 tỷ đồng/phiên; cá biệt, có phiên đạt thanh khoản tới hơn 11.000 tỷ đồng, hầu hết là khớp lệnh (phiên 10/09).
Thanh khoản bình quân toàn thị trường trong quý 3 từ đó đạt hơn 5.560 tỷ đồng/phiên là mức bình quân quý cao nhất năm 2020. Đây cũng là con số lớn nhất kể từ quý 1/2018 - thời điểm chỉ số Vn-Index xác lập đỉnh lịch sử hơn 1.200 điểm.
Cùng với sự gia tăng số lượng tài khoản, việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường. Bên cạnh đó, sự ra đời của các quỹ ETFs mới như VFMVN Diamond ETF, SSIAM VNFin Lead ETF, SSIAM VN30 ETF… cũng góp phần thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường.
Cổ phiếu ngành chứng khoán đón… "sóng"
Trước những yếu tố tích cực từ thị trường, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán đang bắt đầu nổi "sóng" từ hơn 1 tuần nay, với những kỳ vọng về bức tranh lợi nhuận trong quý 3/2020. Cơ sở của những kỳ vọng này, theo phân tích của một số chuyên gia tài chính, có 2 yếu tố lớn góp phần vào đà tăng giá của nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán là giá trị giao dịch tăng đột biến và lãi suất đang liên tục giảm tạo tiền đề cho dòng tiền đổ vào chứng khoán.
"Hai yếu tố này có thể tác động lớn đến doanh thu môi giới và doanh thu cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán giàu tiềm lực vốn", chuyên gia phân tích đến từ Công ty Chứng khoán SSI, nhận định.
Trên thực tế, hiện mới chỉ có Công ty CP Chứng khoán IB (HNX: VIX) hé lộ bức tranh kinh doanh quý 3/2020. Theo đó, 9 tháng đầu năm, công ty chứng khoán này ước lãi trước thuế đạt trên 240 tỷ đồng. Trước đó, nửa đầu năm, công ty chỉ báo lãi trước thuế gần 58 tỷ đồng; như vậy, ước tính công ty lãi tới 182 tỷ đồng riêng trong quý 3, cao hơn gần 28% lợi nhuận trước thuế cả năm 2019. Nhưng trên thị trường, VIX là công ty chứng khoán có dấu ấn… khá mờ nhạt.
Trong khi đó, theo công bố về thị phần môi giới quý 3/2020 mới đây của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền đảm bảo thì SSI và HSC tiếp tục giữ vững 2 vị trí dẫn đầu trong top thị phần môi giới với thị phần lần lượt 11,82% và 8,43%. Kế đến là VPS với vị trí số 3 về thị phần với 7,12%.
Chứng khoán VNDirect giữ vững vị trí số 4 về thị phần môi giới cổ phiếu trong quý 3/2020 với 7,12%, trong khi VCSC rơi xuống vị trí số 5 với thị phần 6,65%.
Các vị trí tiếp theo trong top 10 thuộc về Chứng khoán MB (MBS) với 5,11% thị phần; Chứng khoán Mirae Asset xếp vị trí số 7 với thị phần 4,49%; Chứng khoán KIS với 3,78% thị phần, giữ vị trí số 8. Hai công ty còn lại là Chứng khoán FPT và Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam với thị phần lần lượt là 3,75% và 3,58%.
Về thị phần môi giới trái phiếu, TCBS tiếp tục không có đối thủ khi giữ vững vị trí số 1 với 63,97%, bỏ xa cái tên xếp thứ 2 là KB Việt Nam với 6,83%.
Với việc chiếm lĩnh thị phần lớn như vậy, kỳ vọng về một kết quả kinh doanh khả quan của các "ông lớn" chứng khoán trên trong quý 3 là hoàn toàn khả quan…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.