Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Là ngân hàng (NH) đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 3/2020, NH TMCP Quốc tế (VIB) gây ấn tượng mạnh với giới đầu tư, khi đạt lợi nhuận trước thuế 1.668 tỷ đồng, tăng 30% so với quý 2/2020 và tăng tới 52% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế 9 tháng năm 2020, tổng doanh thu của VIB đạt 7.854 tỷ đồng, tăng 34%; lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của VIB đạt trên 213 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt trên 151 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm.
Nhiều nhà băng tiếp tục ghi nhận mức lãi nghìn tỷ
Ngoài VIB, nhiều NH khác cũng bước đầu hé lộ kết quả kinh doanh quý 3/2020. Theo ước tính của Trung tâm Phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) vừa đưa ra, lợi nhuận của một loạt các nhà băng trong quý 3/2020 sẽ tăng trưởng mạnh.
Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ước đạt lợi nhuận trước thuế trong quý 3/2020 là 2.370 tỷ đồng, tăng 23% nhờ duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 9% so với đầu năm và chi phí hoạt động giảm do NH đã trích lập một phần chi phí nhân viên của nửa cuối năm vào nửa đầu 2020.
SSI Research cho rằng, chất lượng tài sản của ACB vẫn được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu khoảng 1% theo mục tiêu của NH đề ra. Dù vậy, nợ xấu nhóm 2 ước tính tăng.
Hay tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), có thể ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 25 - 30% trong quý 3/2020, đạt 3.400 - 3.600 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, MB thực hiện 98% kế hoạch năm, ước tăng trưởng tín dụng 10%.
Còn với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán BID), dù trích lập dự phòng có thể ở mức cao do dịch Covid-19, nhưng do trái phiếu VAMC đã được xử lý hết trong quý 1. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý 3/2020 ước tính đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Một nhà băng khác là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank - CTG) được dự báo lợi nhuận trước thuế quý 3 là 3.240 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng ghi nhận tăng trưởng là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - TCB) có lợi nhuận quý 3/2020 ước đạt 3.260 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019, nhờ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt tăng 5,5% và 10% so với đầu năm. Tương tự, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - TPB) được dự báo lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng trong quý 3/2020, tăng 30% so với quý 3/2019.
Còn tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank - HDB) được dự báo lợi nhuận quý 3 tăng 30%, đạt hơn 1.600 tỷ đồng.
Riêng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB), SSI Research dự báo nhà băng này bị giảm lợi nhuận trong quý 3/2020 gần 6% so với cùng kỳ năm trước, còn đạt 972 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2020, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 2.400 tỷ đồng, giảm 3,7% so với 9 tháng năm 2019...
Tuy nhiên, theo trao đổi mới đây với báo chí, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, tính đến 30/9/2020, NH đã hoàn thành được 90% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2020 (Sacombank đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất đạt 2.573 tỷ đồng).
"Sacombank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng từ 11% lên 13,5% để có thêm dư địa cho vay trong mùa kinh doanh cuối năm. Dự kiến lợi nhuận năm nay sẽ vượt 20% chỉ tiêu đề ra, tức bằng với con số đạt được của năm 2019 (3.200 tỷ đồng)", bà Diễm cho hay.
Mục tiêu tăng lợi nhuận chịu nhiều áp lực
Dù các NH đã và đang được dự báo sẽ đạt lợi nhuận khả quan sau 9 tháng, tuy nhiên, theo giới chuyên gia tài chính, áp lực tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng đang "đè nặng" lên các ngân hàng trong những tháng còn lại của năm 2020.
Đánh giá ngành NH trong những tháng còn lại của năm 2020, SSI Research cho rằng sẽ không nhiều khả quan. Cụ thể, một phần thu nhập lãi được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm có thể sẽ được thoái thu do khoản nợ này bị hạ xếp loại nhóm nợ, các NH phải tăng trích dự phòng rủi ro. Ngoài ra, những tác động của việc giảm lãi suất và miễn lãi kéo dài từ nay đến cuối năm sẽ khiến biên độ lợi nhuận (NIM) của các NH thu hẹp.
"Năm 2020, các NHTM Nhà nước chịu nhiều áp lực hơn từ cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ khách hàng giai đoạn đại dịch, còn ngân hàng cổ phần vẫn có dư địa nhất định để cân đối giữa hỗ trợ khách hàng và bảo đảm mức lợi nhuận hợp lý. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm nay của NHTM Nhà nước được dự báo giảm 15,9%, trong khi vẫn tăng 3,3% đối với ngân hàng cổ phần," báo cáo từ SSI cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.