Đột nhập 'trại' huấn luyện các cựu biệt kích Mỹ đang đào tạo người Ukraine chiến đấu với Nga

Minh Nhật (theo The Daily Beast) Thứ ba, ngày 31/05/2022 10:08 AM (GMT+7)
Các cựu biệt kích Mỹ đang có mặt tại Ukraine dạy chiến thuật chiến tranh du kích cho dân thường để đẩy các lùi lực lượng Nga, theo The Daily Beast.
Bình luận 0
Đột nhập 'trại' huấn luyện các cựu biệt kích Mỹ đang đào tạo người Ukraine chiến đấu với Nga - Ảnh 1.

Buổi đào tạo ngoài trời của các học viên Ukraine với các cựu biệt kích Mỹ. Ảnh The Daily Beast

Trung tâm Huấn luyện Tự vệ (SDTC) có trụ sở tại thành phố Lviv - phía tây Ukraine là nơi các cựu lính biệt kích của Mỹ đang huấn luyện chiến thuật chiến tranh du kích cho dân thường nước này chiến đấu với Nga.

Khi nhiều dân thường Ukraine trên khắp đất nước tình nguyện cầm vũ khí bảo vệ quê hương của họ, một số cựu chiến binh Mỹ đã tự mình đến Ukraine để huấn luyện họ. Cựu binh Mỹ Adrian Bonenberger là một trong số đó.

Bonenberger là một trong những huấn luyện viên ban đầu của chương trình SDTC mà anh đã tham gia khởi động từ đầu tháng 3.

Cựu đại úy biệt kích Mỹ từng hai lần được triển khai đến Afghanistan cho biết, các chiến thuật được dạy cho các học viên của SDTC mang phong cách phương Tây, khác hẳn với Nga vì thế, họ có những đơn vị chiến đấu tốt hơn nhiều. "Những đơn vị nơi mọi người yêu quý nhau, phụ thuộc vào nhau và tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của họ", cựu binh Bonenberger cho biết.

Cựu biệt kích Dan Blakeley, người đến Lviv ngay sau cựu binh Bonenberger nói với The Daily Beast rằng khóa học tiêu chuẩn kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Theo Blakeley, sứ mệnh của SDTC bắt nguồn từ việc “dạy các chiến thuật phòng thủ cơ bản, sơ cứu và lãnh đạo" cho các học viên Ukraine.

Đột nhập 'trại' huấn luyện các cựu biệt kích Mỹ đang đào tạo người Ukraine chiến đấu với Nga - Ảnh 2.

Những học viên Ukraine tham gia huấn luyện có người chưa từng cầm súng. Ảnh The Daily Beast

“Tất cả các học viên đều là dân thường tình nguyện, và trong số những người tham gia chương trình, nhiều người chưa bao giờ cầm súng. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu với những điều cơ bản về xử lý vũ khí, thiện xạ, chiến thuật chăm sóc thương vong, diễn tập chiến đấu, giao tiếp bằng lời nói và không bằng lời nói cũng như các kỹ thuật chiến đấu tay đôi và chiến đấu đô thị", cựu biệt kích Blakeley cho biết.

Blakeley hé lộ, kỹ năng chiến đấu "giáp lá cà" sẽ được rèn giũa trong các nhà máy bỏ hoang, trong khi các cánh đồng thì được sử dụng cho các cuộc tập huấn tấn công mục tiêu ngoài trời, và các khu rừng địa phương cung cấp không gian để thực hành các kỹ thuật “ẩn náu, che giấu” vì “đó có thể là môi trường mà học viên sẽ chiến đấu" sau này.

Huấn luyện viên Jeremy Fisher, Cựu sĩ quan Không quân Mỹ hiện đang ở Lviv, nói rằng hiện có “40-50 học viên đang trong các giai đoạn huấn luyện khác nhau".

Fisher cũng cho biết, anh không hối hận khi từ bỏ cuộc sống bình yên ở Mỹ và tự trả mọi chi phí sinh hoạt khi đến Ukraine huấn luyện các học viên chiến đấu.

Các học viên của SDTC cuối cùng có thể gia nhập Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine (TDF) hoặc được biên chế vào quân đội. Nhưng dù gia nhập lực lượng nào thì điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ trực tiếp ra trận và chiến đấu ở tiền tuyến.

Đột nhập 'trại' huấn luyện các cựu biệt kích Mỹ đang đào tạo người Ukraine chiến đấu với Nga - Ảnh 3.

Học viên được huấn luyện trong rừng với các cựu biệt kích Mỹ. Ảnh The Daily Beast

Theo The Daily Beast, chính phủ Mỹ không cho phép các huấn luyện viên người Mỹ đào tạo các thành viên đang phục vụ trong quân đội Ukraine nhưng vì các tình nguyện viên của SDTC là dân thường, nên không có trở ngại pháp lý nào để đào tạo họ. Cựu biệt kích Mỹ Blakeley cũng đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan chính thức nào của chính phủ Mỹ vào chương trình huấn luyện.

Các học viên được The Daily Beast phỏng vấn cũng cho biết, họ vẫn giữ tinh thần chiến đấu cao, bất chấp những thách thức phía trước.

“Mọi người hỗ trợ lẫn nhau và đều nỗ lực vì chiến thắng của chúng tôi (trước Nga)", một học viên tên là Petro cho biết.

"Tôi đã học cách phản ứng trong chiến tranh, cách sử dụng vũ khí, di chuyển chiến thuật, cách lãnh đạo một nhóm, và cách xử trí khi bị pháo kích. Nhưng điều quan trọng nhất đối với tôi là tinh thần. Kiến thức thu được làm giảm sự lo lắng và sợ hãi. Tôi đã biết phải làm gì khi ra trận", Petro, người đã đăng ký nhiều khóa học tại SDTC trong hai tháng qua chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem