Từ vận động của Thủ tướng không đốt vàng mã tràn lan: "Nếu trần sao âm vậy thì cũng cần biết bảo vệ môi trường"

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 02/02/2024 12:45 PM (GMT+7)
Trước vận động của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc người dân không đốt vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, nhiều ý kiến không chỉ bày tỏ đồng tình mà còn cho rằng nếu thực sự có "trần sao âm vậy", người âm có hồn vía tồn tại thì cũng cần biết bảo vệ môi trường.
Bình luận 0

Người dân chia sẻ gì trước vận động của Thủ tướng tránh đốt vàng mã gây lãng phí?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch các tỉnh, thành không để xảy ra tình trạng trục lợi, phản văn hóa. Những hoạt động tín ngưỡng biến tướng, lệch chuẩn, trục lợi phải bị xử lý. Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ, Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo các địa phương kêu gọi người dân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định; tuyên truyền để người dân hiểu về nguồn gốc lễ hội, di tích, nhân vật được thờ phụng, tôn vinh.

Từ vận động của Thủ tướng không đốt vàng mã tràn lan: "Nếu trần sao âm vậy thì cũng cần biết bảo vệ môi trường"- Ảnh 1.

Người dân đốt vàng mã ngày ông Công ông Táo sáng 2/2 tại Khu đô thị HH Linh Đàm, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ghi nhận của PV Dân Việt vào sáng 2/2 (tức 23 tháng Chạp) là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời vẫn còn tình trạng đốt vàng mã. Tuy nhiên, theo ý kiến mọi người thì việc đốt vàng mã đã giảm nhiều hơn so với mọi năm.

Tại khu chung cư HH Linh Đàm, nơi có số dân đông bậc nhất Hà Nội, có nhiều người mang vàng mã xuống đốt. Khu vực đốt luôn cháy dữ dội, cảnh mọi người chờ nhau đến lượt.

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Lê Anh (cư dân sống tại HH Linh Đàm) cho biết, so với mọi năm thì năm nay không quá đông người đốt vàng mã và số lượng không lớn như những năm trước.

Từ vận động của Thủ tướng không đốt vàng mã tràn lan: "Nếu trần sao âm vậy thì cũng cần biết bảo vệ môi trường"- Ảnh 2.

Theo người dân so với mọi năm năm nay lượng đốt vãng mã giảm đi nhiều. Ảnh: Gia Khiêm

"Ở đây dân cư đông, cả toà nhà hơn 900 hộ dân được sắp xếp một lư hoá vàng mã. Có năm phải xếp hàng mãi mới tới lượt vì mọi người đốt quá nhiều tư trang phục ông Công ông Táo, vàng mã… Có lúc lư hoá vàng đầy quá mọi người còn đốt ngay bên dưới vỉa hè chất thành đống. Năm nay các gia đình vẫn giữ tập tục đốt vàng mã nhưng có phần hạn chế hơn, có gia đình chỉ đốt tượng trưng", chị Lê Anh nói.

Trước ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chị Lê Anh hoàn toàn đồng tình. Chị cho rằng đến thời điểm nào đó nhiều gia đình sẽ bỏ được tục đốt vàng mã tràn lan, gây tốn kém.

"Riêng mỗi gia đình tiền đốt vàng mã mỗi năm tính ra cũng rất lớn rồi. Nếu chúng ta hạn chế được việc này và chỉ đốt tượng trưng thì sẽ tránh được lãng phí tiền bạc cũng như tài nguyên", chị Lê Anh chia sẻ.

Từ vận động của Thủ tướng không đốt vàng mã tràn lan: "Nếu trần sao âm vậy thì cũng cần biết bảo vệ môi trường"- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết, mọi năm gia đình ông đốt nhiều vàng mã năm nay ông chỉ đốt một chút tiền vàng rồi mang cá ra hồ thả tiễn ông Công ông Táo về trời. Ảnh: Gia Khiêm

Ông Nguyễn Hữu Thọ, ở chung cư CT5-X2 (khu đô thị Linh Đàm) cho hay, năm nay gia đình ông cũng hạn chế đi rất nhiều việc đốt vàng mã. Mọi năm, gia đình ông Thọ đốt nhiều vàng mã, năm nay ông chỉ đốt một chút tiền vàng rồi mang cá ra hồ thả tiễn ông Công ông Táo về trời.

"Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tôi cho là rất đúng đắn. Việc đốt vàng mã về mặt xã hội là lãng phí, mỗi gia đình là sự lãng phí, bên cạnh đó đốt cũng không an toàn. Dịp nào cũng vậy có không ít gia đình bị cháy nhà do đốt vàng mã, thậm chí có trường hợp tử vong thương tâm do hoá vàng không đúng nơi quy định. Nếu nhu cầu cần thì nhiều nơi sẽ tập trung nhân lực, vật sản xuất hàng mã. Đáng ra nguồn lực ấy tập trung việc khác sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ xu hướng chung dần sẽ ít người đốt vàng mã hơn", ông Thọ cho hay.

Làm sao để các ngày lễ, Tết thực sự là ngày lễ của những tấm lòng thành đối với tổ tiên, không vướng vụi trần?

Trao đổi với PV Dân Việt, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam hoàn toàn ủng hộ trước chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo ông Sơn, cứ mỗi dịp lễ, Tết, Vu lan, ngày rằm, mùng 1… tục đốt vàng mã được xem như một hành vi "nhất thiết phải có" trong mỗi dịp lễ này. Tuy nhiên, đốt vàng mã và câu chuyện "trần sao âm vậy" lại là câu chuyện ngày càng nhận được sự quan tâm của xã hội.

Từ vận động của Thủ tướng không đốt vàng mã tràn lan: "Nếu trần sao âm vậy thì cũng cần biết bảo vệ môi trường"- Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam hoàn toàn ủng hộ trước chỉ đạo của Thủ tướng. Ảnh: NVCC

"Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt. Đốt vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của 'người trần' đối với 'người âm', nhưng chỉ là hình thức tượng trưng. Sử dụng như những đồ dâng cúng, mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đồ thật. 

Gần đây, chúng ta bắt gặp nhiều trên thị trường những mặt hàng vàng mã mà nhiều năm trước đây chưa từng xuất hiện như bikini, giày cao gót, điện thoại, ipad, nhà lầu xe hơi, thậm chí cả ô sin bằng mã..., được sử dụng để "gửi" cho người đã khuất. Sự xuất hiện của những mặt hàng vàng mã biến tướng này suy cho cùng chỉ là sự lệch lạc, biến tướng từ nhận thức coi "trần sao, âm vậy". Thực tế này một phần thể hiện sự phát triển của đời sống kinh tế, mặt khác cũng cho thấy thực trạng vàng mã bị lạm dụng, biến tướng", ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng nêu rõ, tín ngưỡng hay tôn giáo là sự phản ánh của thế giới thực mà con người đang sống. Con người luôn lấy sự tồn tại và nhu cầu của chính mình để xây dựng nên thế giới tâm linh cho họ. Vì vậy, việc người dân lấy nhu cầu của chính mình để xác định nhu cầu cho tổ tiên đã khuất là một điều có thể thể hiểu được.

"Để việc tuyên truyền, khuyến nghị người dân hạn chế sử dụng vàng mã tràn lan đạt hiệu quả, tôi cho rằng cần nhìn nhận lại gốc rễ của tập tục này. Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt, được coi như một phương tiện kết nối giữa người sống và người chết, cõi dương và cõi âm, một cách thức để con người bày tỏ hiếu đễ đối với tổ tiên và thần linh.

Tuy vậy, việc đốt vàng mã cũng có những tác hại nhất định, đặc biệt là việc đốt quá nhiều. Thứ nhất, nó tạo ra một cuộc đua tranh trong xã hội theo nghĩa người nào càng đốt nhiều thì được xem là càng có nhiều lộc; Thứ hai, việc đốt vàng mã tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan; Thứ ba, việc đốt vàng mã quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường ở các khu di tích; dễ gây cháy nổ ở các nơi đốt vàng mã; Thứ tư, việc dùng tiền để mua vàng mã quá nhiều ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi cá nhân và toàn xã hội", ông Sơn phân tích.

Từ vận động của Thủ tướng không đốt vàng mã tràn lan: "Nếu trần sao âm vậy thì cũng cần biết bảo vệ môi trường"- Ảnh 5.

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển. Ảnh: NVCC

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam cũng cho rằng, đây là một tập tục ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên các cơ quan quản lý của ngành văn hóa đều ý thức rằng việc cấm hoàn toàn việc đốt vàng mã là không khả thi. Chính vì vậy, ngoài biện pháp vận động nhân dân hạn chế sử dụng vàng mã, những nỗ lực của ngành là hướng vào việc hạn chế đốt vàng mã cũng như qui định việc đốt vàng mã ở đúng nơi, đúng chỗ.

"Tôi cho rằng với sự vào cuộc quyết liệt của xã hội, việc làm gương của các cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức và tất cả người dân, những thói quen không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay sẽ thay đổi theo hướng tích cực, lành mạnh, để các ngày lễ, Tết thực sự là ngày lễ của những tấm lòng thành đối với tổ tiên, không vướng vụi trần", ông Sơn chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm trên, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng, việc đốt vàng mã là vấn đề tâm linh, thực tế phản ánh đời sống xã hội.

"Việc đốt vàng mã phản ánh đời sống thế tục trên trần gian, việc đó về mặt nhận thức có tính chất duy tâm, tưởng tượng trần sao âm vậy. Quan điểm đó không xấu, đốt một tí không sao đừng lạm dụng việc đốt vàng mã. Nếu chúng ta đã nghĩ trần sao âm vậy thì hiện nay có phong trào bảo vệ môi trường, tiết kiệm tránh lãng phí. Nếu người âm có hồn vía tồn tại cũng phải biết bảo vệ môi trường. Việc đốt vàng mã phải tiêu tốn bao nhiêu gỗ, nứa… làm ra giấy, vàng mã…", ông Đức nói.

Bên cạnh đó, theo ông Đức chưa kể, việc đốt vàng mã gây ra không ít hoả hoạn có người tử vong, ô nhiễm môi trường do khói bụi.

"Những gì ở đời sống hiện thực tuyên truyền vận động bảo vệ môi trường thì chúng ta hãy ý thức. Ngoài ra, thay vì tiêu tốn nhiều tiền mua vàng mã đốt gây lãng phí chúng ta có thể dùng số tiền đó làm từ thiện, mua sách vở cho học sinh khu vực khó khăn, ủng hộ người nghèo khó...", ông Đức chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem