ĐT Thái Lan vẫn còn giấu bài gì khi hạ Malaysia ở bán kết?
ĐT Thái Lan vẫn còn giấu bài gì khi hạ Malaysia ở bán kết?
Trần Oánh
Thứ tư, ngày 11/01/2023 18:10 PM (GMT+7)
Trong 2 trận đấu bán kết với Malaysia, chiến thuật của Thái Lan có 1 điều bất thường, đó là họ rất ít, đến mức gần như không dùng 1 miếng đánh mà họ thực hiện rất thuần thục và nguy hiểm, đó là bật tường trung lộ.
Vài năm gần đây, trật tự bóng đá khu vực Đông Nam Á đã có sự thay đổi. Thái Lan không còn nghiễm nhiên là "ông vua" của khu vực nữa. Việt Nam đã tách ra khỏi nhóm các đội mạnh của khu vực như Malaysia, Indonesi, Singapore để cùng Thái Lan cạnh tranh ngôi vị thống trị bóng đá Đông Nam Á. Giải Vô địch bóng đá Đông Nam Á 2022 đã chọn ra được 2 đội mạnh nhất khu vực vào chơi chung kết, đó là Việt Nam và Thái Lan. Hiện tại, 2 đội bóng này có lối đá khá giống nhau, họ đều muốn kiểm soát bóng, áp đặt thế trận. Chính vì thế cuộc đối đầu giữa 2 thế lực của khu vực này sẽ hứa hẹn những trận đấu hay và kịch tính.
ĐT Thái Lan tham gia giải đấu này thiếu một số vị trí nòng cốt quen thuộc như Chanathip do các vấn đề chấn thương hoặc phong độ, nhưng họ luôn có những sự thay thế chất lượng. Ở 2 trận đấu bán kết tuy gặp đôi chút khó khăn trước Malaysia, nhưng Thái Lan vẫn thể hiện được sức mạnh của mình. Họ tổ chức tấn công rất đa dạng trên cơ sở kiểm soát khu vực giữa sân sau khi đẩy được các tiền vệ của Malaysia lùi về sân nhà. Để tạo ra các cơ hội trước hàng phòng ngự khá năng động của Malaysia, các cầu thủ Thái Lan dùng nhiều những đường chuyền bổng từ khoảng ngang vạch 16m50 vào khu vực trước cầu môn Malaysia để các tiền đạo đánh đầu. Một trong các tình huống đó là pha đánh đầu mở tỷ số trận đấu của tiền đạo Teerasil Dangda.
Miếng đánh kể trên đã gây ra nhiều khó khăn cho hàng hậu vệ Malaysia, nhưng nếu trong trận gặp ĐT Việt Nam, miếng đánh này sẽ không có nhiều sự đe dọa. Hàng hậu vệ của ĐT Việt Nam gồm toàn các cầu thủ cao trên 1m80, kể cả 2 cánh như Văn Hậu và Tấn Tài, với kỹ năng cũng như khả năng phối hợp chống bóng bổng của hàng phòng ngự ĐT Việt Nam vào loại tốt nhất Đông Nam Á. Chắc trong trận chung kết gặp ĐT Việt Nam, HLV Polking của Thái Lan cũng sẽ không khuyến khích học trò sử dụng thường xuyên miếng đánh này.
Trong trận gặp Malaysia, các cầu thủ Thái Lan cũng dùng nhiều đường chuyền sệt từ biên vào, với điểm chuyển bóng tầm gần đường biên ngang hơn 1 chút, bóng căng chéo qua cửa khung thành. Miếng tấn công này cũng thường xuyên gây ra sự nguy hiểm cho cầu môn Malaysia. Và Thái Lan cũng có 1 bàn thắng vào lưới Malaysia từ tình huống như vậy. Có lẽ miếng đánh này sẽ được áp dụng nhiều trong trận gặp ĐT Việt Nam hơn là những đường chuyền bổng vào khu cầu môn. Nếu vậy, ngoài sự chặt chẽ của các trung vệ, thì sự linh hoạt, che chắn của 2 cánh bên ĐT Việt Nam là rất quan trọng, giúp ngăn chặn các đường chuyền ngang, hoặc tối thiểu sẽ hạn chế được các góc chuyền nguy hiểm cho cầu môn của Đặng Văn Lâm. Có vẻ các hậu vệ biên nhanh nhẹn, mạnh mẽ như Văn Hậu và Tấn Tài của chúng ta cũng sẽ đảm nhận được việc này.
Một miếng đánh nữa cũng đem lại bàn thắng cho Thái Lan mà chính các cầu thủ Việt Nam cũng rất hay dùng, đó là đưa bóng xuống đáy biên rồi chuyền ngược ra cho đồng đội dứt điểm. Hẳn HLV Park Hang-seo và các học trò cũng luyện tập nhiều phương án chống trả miếng đánh này. Thái Lan cũng vài lần thực hiện sút xa về phía khung thành Malaysia, nhưng cũng không trúng đích. Với sự chắc chắn, tập trung của Đặng Văn Lâm, có cảm giác tính đe dọa của các cú sút xa của Thái lan cũng sẽ không nhiều.
Qua các trận đấu từ đầu giải, thực lực giữa 2 đội bóng Việt Nam và Thái Lan có vẻ khá cân bằng, mặc dù có cảm giác rằng ĐT Thái Lan vẫn nhỉnh hơn đôi chút. Trong khi ĐT Việt Nam có 1 hàng phòng ngự rất tốt, được thể hiện bằng thực tế trên sân cũng như trên con số thống kê, họ chưa để lọt lưới bàn nào từ đầu giải, thì đội Thái Lan lại nhỉnh hơn về khả năng kiểm soát bóng, tạo áp lực tấn công.
Nhưng qua 2 trận đấu bán kết với Malaysia, trong chiến thuật của Thái Lan có một điều bất thường, đó là họ rất ít, gần như không dùng một miếng đánh mà họ thực hiện rất thuần thục và nguy hiểm, đó là bật tường trung lộ. Trong quá khứ, những quả bật tường này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các hàng phòng ngự, kể cả của ĐT Việt Nam. Chỉ sau 2, 3 nhịp đập, cầu thủ tấn công của Thái Lan đã có bóng ở vị trí có thể dứt điểm nguy hiểm. Với thực lực, khả năng phối hợp, bọc lót của hàng phòng ngự ĐT Việt Nam bây giờ, những miếng đánh từ biên vào như những đường lật bổng hay căng ngang không thực sự tạo ra nhiều đe dọa, kể cả các cú sút xa, vốn là đặc sản của Thái Lan cũng không còn quá đáng sợ nữa. Nhưng những pha phối hợp bật tường thẳng vào trung lộ bởi những cầu thủ tấn công nhanh nhẹn và khéo léo của Thái Lan, khai thác khoảng trống giữa các tiền vệ như Hoàng Đức, Hùng Dũng với các trung vệ thực sự có thể gây ra sự đe dọa nghiêm trọng cho khung thành của Đặng Văn Lâm.
Có thể chỉ là ông HLV Polking thấy việc các cầu thủ Thái Lan thực hiện miếng phối hợp bật tường trung lộ này không hiệu quả bằng các miếng đánh khác khi đối đầu với Malaysia nên ông không khuyến khích các học trò của ông sử dụng. Nhưng nếu khi đối đầu với Malaysia trong một trận có tính chất quyết định như vậy, mà ĐT Thái Lan đủ tự tin, cố tình không dùng miếng bật tường này để giấu bài thì rất đáng ngại cho ĐT Việt Nam. Cho dù chắn chắn, các học trò của HLV Park hang-seo cũng đã quá hiểu Thái Lan và có sự chuẩn bị để chống trả miếng đánh này.
Với thể thức thi đấu chung kết 2 trận lượt đi và lượt về, không những sẽ giúp cho 2 đội bóng có cơ hội sửa chữa những sai lầm ở trận đấu đầu tiên, mà nó còn giúp người xem chứng kiến rõ ràng hơn màn đấu trí giữa 2 HLV, thông qua các điều chỉnh của họ trong từng trận đấu cũng như cách họ điều chỉnh để khắc chế đối phương trong trận lượt về. Tất nhiên toan tính của HLV là một chuyện, quyết định kết cục trận đấu vẫn thuộc về các cầu thủ trên sân. Chúc cho các cầu thủ Việt Nam và HLV Park Hang-seo giành chiến thắng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.