ĐT Việt Nam liệu có cơ hội giành điểm trước ĐT Iraq?
ĐT Việt Nam liệu có cơ hội giành điểm trước ĐT Iraq?
Trần Oánh
Thứ hai, ngày 20/11/2023 07:10 AM (GMT+7)
Xếp trên ĐT Việt Nam khoảng hơn 20 bậc trong BXH FIFA, ĐT Iraq luôn là thử thách khó vượt qua cho ĐT Việt Nam. Đó là trên lý thuyết, còn trên thực tế, việc họ vùi dập ĐT Indonesia với tỷ số 5 – 1 đã làm không ít những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cảm thấy e ngại.
So sánh 2 đội bóng, thấy rõ ràng ĐT Iraq mạnh hơn chúng ta nhiều, họ xếp trên ĐT Việt Nam khoảng hơn 20 bậc trong BXH FIFA, gặp họ lúc nào cũng là thử thách khó vượt qua cho ĐT Việt Nam. Đó là trên lý thuyết, còn trên thực tế, việc họ vùi dập ĐT Indonesia với tỷ số 5 – 1 đã làm cho những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cảm thấy e ngại, nhất là nếu liên hệ với việc U23 Indonesia vừa thắng U23 Việt Nam của HLV Troussier ở trận bán kết SEA Games 32.
Vậy ĐT Việt Nam của HLV Troussier có cơ hội nào khi đối đầu với một ĐT Iraq hùng mạnh?
Đầu tiên, việc U23 Indonesia thắng U23 Việt Nam trong trận bán kết SEA Games 32 không nói lên họ mạnh hơn chúng ta. U23 Việt Nam đá hay hơn trong trận đó. Ai cũng thấy rằng các cầu thủ U23 Indonesia đã xuống sức. Ai cũng có thể nhận thấy nếu dắt đội bạn vào hiệp phụ, chắc chắn các cầu thủ U23 Indonesia sẽ hết hơi, và ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để giải quyết trận đấu trong hiệp phụ. Chắc chắn HLV Troussier cũng nhận ra điều đó. Nhưng dường như ở giai đoạn đó của thời kỳ huấn luyện, ông quan tâm tới ưu tiên xây dựng lối đá cho đội bóng nhiều hơn là thành tích ở 1 giải trẻ.
Trở lại trận thua của ĐT Indonesia trước ĐT Iraq, cơ bản, thế trận thuộc về ĐT Iraq. Họ kiểm soát khu vực giữa sân, bóng thường xuyên ở vùng giữa vạch 16m50 của ĐT Indonesia và vạch giữa sân. Ở hiệp 1, họ dùng nhiều những pha bóng bổng hướng vào khung thành ç Indonesia, 2 bàn thắng đầu tiên đều bắt nguồn trực tiếp từ lỗi phòng ngự của hậu vệ Indonesia. Hiệp 2, đặc biệt là ở nửa cuối, khi các cầu thủ Indonesia xuống sức, các cầu thủ Iraq đi bóng, tổ chức phối hợp nhỏ nhiều hơn trong các cuộc tấn công và ghi thêm 3 bàn nữa.
ĐT Indonesia đã đá thế nào?
Các cầu thủ Indonesia co về phòng ngự và rất khó đưa bóng lên. Họ cố gắng kiểm soát bóng. Nhiều cầu thủ Indonesia có thể hình thể lực và kỹ thuật tốt, nhưng chỉ cầm và đi bóng qua được 1 cầu thủ Iraq rồi lại để mất bóng. Điều dễ nhận thấy là tính liên kết giữa các cầu thủ đội bóng này có vấn đề. Họ đã không thể phối hợp cùng nhau để cầm bóng, thoát pressing.
Kể cả từ những quả phạt góc, thay vì nên sử dụng những pha phối hợp bóng thấp, các cầu thủ Indonesia vẫn miệt mài câu bổng vào khu cầu môn, mặc dù giải pháp này không mấy hiệu quả khi cầu thủ mọi tuyến của Iraq đều có chiều cao tốt. Cách đá này của Indonesia giống hệt như khi họ đá với Việt Nam hay Thái Lan. Có thể do yếu tố mục tiêu chiến lược, lối đá mà HLV Shin Tae-yong xây dựng cho đội bóng này là nhằm giành chiến thắng trước các đối thủ trong khu vực.
Giống như chiến lược bất đối xứng, họ xây dựng lối đá tập trung sử dụng sức mạnh, tốc độ, khả năng va chạm để đối phó với lối chơi kỹ thuật, phối hợp của Thái Lan và Việt Nam. Và họ không đủ động lực để thay đổi lối đá, khi lâu lâu mới phải đối đầu với các đội bóng mạnh ở châu lục, vốn không phải là mục tiêu chinh phục trong chiến lược bóng đá của họ, cho dù trước các đối thủ đó, sức mạnh, tốc độ, khả năng va chạm của họ chẳng là gì và không mấy phát huy hiệu quả. Điều này cũng là một trong những yếu tố tạo nên cái mà người ta gọi là "rơ bóng" trong bóng đá. Nó tạo ra những đối thủ không mạnh nhưng khó chịu. Và việc bắc cầu kết quả thi đấu của Indonesia với Iraq để so sánh với ĐT Việt Nam cũng trở nên không hoàn toàn chính xác.
ĐT Việt Nam phải làm gì để hạn chế sức mạnh của Iraq?
Tất nhiên, đầu tiên sẽ là phải hóa giải được những pha bóng bổng của các cầu thủ Tây Á. Đây là điều mà các đội tuyển của HLV Park Hang-seo đã làm rất tốt. Việc sẵn sàng tung ra các đường phản công cũng làm cho đối phương phải e dè, không dám dồn toàn bộ lực lượng lên chèn ép. Hy vọng trung vệ rất có kinh nghiệm đối mặt với các cầu thủ Tây Á là Quế Ngọc Hải có thể có mặt để chỉ huy hàng phòng ngự, chống đỡ với các pha phối hợp bóng bổng của đối phương.
Với lối chơi kiểm soát bóng, các pha thoát pressing đóng vai trò quyết định trong trận đấu này. Nếu có mặt Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức và với phong độ tốt của Phan Tuấn Tài cùng hàng phòng ngự, các pha thoát pressing sẽ tạo ra các tình huống phản công và cơ hội cho các tiền đạo như Tuấn Hải, Văn Toàn hay Tiến Linh đối mặt thủ môn đối phương. Điều này cũng giúp giảm sức ép tấn công của đội bạn, giúp điều chỉnh nhịp độ trận đấu. Vì ai cũng biết, nếu bạn không cầm bóng trong chân thì bạn chả có gì để điều chỉnh cả. Đây là điều các cầu thủ Indonesia đã không làm được. Tất nhiên, rủi ro cũng rất rõ ràng nếu nỗ lực thoát pressing không thành công và để mất bóng.
Các cầu thủ Iraq kỹ thuật và mạnh mẽ. Họ thích sử dụng kỹ thuật nhưng họ không quá xuất sắc trong các pha phối hợp. Việc họ phối hợp hiệu quả, đặc biệt là đi bóng qua các hậu vệ, tạo ra các tình huống nguy hiểm trước cầu môn Indonesia chủ yếu diễn ra trong hiệp 2, khi các cầu thủ Indonesia đã thấm mệt. Hơn nữa cách phòng ngự của Indonesia cho phép các cầu thủ Iraq khá thoải phối hợp gần khu vực 16m50. Dẫn đến chỉ cần cầu thủ Iraq dùng kỹ thuật cá nhân và tốc độ, đi qua 1 hậu vệ Indonesia thôi đã có thể tạo ra tình huống nguy hiểm rồi.
Gặp ĐT Việt Nam, chắc chắn các cầu thủ Iraq cũng sẽ cố gắng kiểm soát bóng và kiểm soát khu vực giữa sân, và họ sẽ làm được việc đó. Nhưng nếu chúng ta đẩy được khu vực kiểm soát của họ xa hơn ra khỏi khu vực 16m50 so với Indonesia đã làm, chúng ta sẽ có cơ hội hơn trong việc bảo vệ cầu môn trước sức tấn công của đội bạn, cũng như có nhiều cơ hội hơn để tạo ra được các pha phản công hiệu quả.
Như đã nói ở trên, trong bóng đá còn có "rơ bóng" nữa, và không phải đội mạnh luôn thắng. Chúng ta vẫn có thể hy vọng một trận đấu tốt của thày trò HLV Troussier trước Iraq. Nếu các học trò của HLV Troussier giữ không để thủng lưới trong hiệp 1, thì họ sẽ có nhiều cơ hội để giữ lại điểm ở chảo lửa Mỹ Đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.