Dự án cầu Nhật Tân: Tiết kiệm nhờ thay đổi thiết kế?

Thứ sáu, ngày 22/11/2013 20:46 PM (GMT+7)
Đơn vị tư vấn thiết kế dự án cầu Nhật Tân (Tedi) khẳng định việc điều chỉnh nút giao Phú Thượng đã mang lại tiết kiệm lớn. Khẳng định này khiến người dân băn khoăn về khoản tiền ngân sách bị lãng phí nếu không thay đổi thiết kế.
Bình luận 0
Thiếu minh bạch

Mặc dù Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn 2 đầu cầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Kế hoạch - Đầu tư thông qua nhưng quá trình thực hiện dự án, một số cơ quan chuyên môn đã thay đổi thiết kế khiến cho số vốn đầu tư vào dự án tưởng như được giảm. Song, thực chất con số tiết kiệm cụ thể là bao nhiêu, ai là người được hưởng lợi vẫn trong vòng bí ẩn nhưng chi phí phát sinh thêm thì đã phải thực chi.

imgÔng Nguyễn Lê Minh, Giám đốc dự án xây dựng cầu Nhật Tân (Ban quản lý dự án 85).

Sau khi báo Dân Việt có bài viết “Dự án cầu Nhật Tân, Hà Nội: Hàng trăm hộ dân bức xúc vì “nắn phạm vi lấy đất”, Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) đã yêu cầu Tedi báo cáo. Theo văn bản báo cáo của Tedi số 3247/TEDI-BRITEC, Tedi đã đề nghị Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội lập bản vẽ xác định ranh giới nghiên cứu mở nút giao thông hành lang, nghiên cứu cầu dẫn cầu Nhật Tân cho dự án cầu Nhật Tân (phía Tây Hồ) và Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội chấp thuận ngày 21.4.2005.

Theo đó, ranh giới cho phép nghiên cứu nút giao Phú Thượng nằm trong phạm vi khoảng 300m. Phạm vi ranh giới nghiên cứu nút giao xác định tại hồ sơ này được căn cứ phù hợp với các hồ sơ chỉ giới đường đỏ các tuyến đường đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt và các hồ sơ chỉ giới đường đỏ, ranh giới cấp đất đã cung cấp cho các cơ quan tổ chức liên quan.

Nhà dân bị đập nhường chỗ cho chung cư cao cấp.
Nhà dân bị đập nhường chỗ cho chung cư cao cấp.

Đồng thời, Tedi đã khẳng định, nút giao được phê duyệt tại Quyết định 650/QĐ-BGTVT ngày 15.3.2006 có phạm vi chiếm dụng tới hết ranh giới quy hoạch cho phép nghiên cứu nút với bán kính khoảng 300m có ưu điểm là bán kính cong và độ dốc dọc các nhánh nút được cải thiện nên thuận tiện cho khai thác.

Một đơn vị thiết kế hàng đầu của Bộ GTVT mà sử dụng con số thiết kế với ngôn ngữ “khoảng 300m” đã khiến dư luận nhìn thấy ngay sự thiếu minh bạch. Số liệu thiết kế như vậy nhưng Tedi vẫn khẳng định “thuận tiện cho việc khai thác” các nút giao để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tiết kiệm nhờ điều chỉnh thiết kế?

Chỉ vài tháng sau Quyết định 650/QĐ-BGTVT, ngày 8.8.2006, UBND TP Hà Nội gửi Bộ GTVT Công văn số 3453/UBND-XDĐT với một số nội dung yêu cầu thay đổi thiết kế và điều chỉnh phạm vi chiếm đất của dọc tuyến dự án cầu Nhật Tân. Sau đó, Bộ GTVT chỉ đạo Tedi thay đổi thiết kế. Chưa nói đến việc vì sao phải thay đổi thiết kế, thu nhỏ phạm vi dự án, dư luận quan tâm hơn đến năng lực tư vấn thiết kế của Tedi khi ngay lập tức Tedi chấp thuận thay đổi thiết kế.

Cũng tại văn bản số 3247, Tedi cho rằng, theo yêu cầu của Công văn số 3453/UBND-XDĐT của UBND TP Hà Nội, chỉ tính riêng nút giao Phú Thượng, dự án đã giảm phạm vi chiếm đất từ 21,9ha xuống còn 17,5 ha, như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí và giảm tổng mức đầu tư nút giao Phú Thượng.

Tòa nhà chung cư và khách sạn cao cấp của công ty cổ phần giao thông đô thị tại nút giao Phú Thượng.
Tòa nhà chung cư và khách sạn cao cấp của công ty cổ phần giao thông đô thị tại nút giao Phú Thượng.

Người dân cho rằng nếu không điều chỉnh thiết kế nút giao Phú Thượng thì sẽ không có chuyện phải bổ sung, điều chỉnh chỉ giới đường đỏ. Nếu không bổ sung, điều chỉnh chỉ giới đường đỏ thì hơn 150 hộ dân này sẽ không phải rơi vào cảnh bỗng dưng trong diện giải phóng mặt bằng mất nhà, mất đất chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp và các đại gia đang sở hữu các biệt thự hàng chục tỷ đồng trong các khu D1, D3 Vườn Đào.

Trong khi dư luận nghi ngờ về năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế và con số có thể ngân sách đã bị lãng phí, UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT lại đá trách nhiệm cho nhau về sự thay đổi thiết kế này. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội, khẳng định: “Công văn 3453 của Hà Nội gửi Bộ GTVT đề nghị điều chỉnh phạm vi lấy đất của nút giao Phú Thượng là để phù hợp với quy hoạch đã có từ trước.” Ông Thịnh cũng cho rằng, đề nghị điều chỉnh chỉ là ý kiến của Hà Nội còn việc chấp thuận hay như thế nào là do Bộ GTVT quyết định!?

Ngược lại, ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc dự án xây dựng cầu Nhật Tân (Ban quản lý dự án 85), đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư, đẩy trách nhiệm cho Hà Nội: “Giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ của UBND TP Hà Nội. Ban 85 chỉ là đơn vị tiếp nhận mặt bằng sau khi nhận bàn giao từ TP Hà Nội để chuyển giao cho nhà thầu.”(?)
Thắng Quang (Thắng Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem