Dự án nhạc nước 200 tỷ: Chậm trễ do cơ chế phối hợp?

Nguyễn Đại – Thanh Hải Thứ bảy, ngày 23/07/2016 11:18 AM (GMT+7)
Về những “lùm xùm” xung quanh dự án nhạc nước 200 tỷ đồng ở Hải Phòng khiến nguyên Bí thư Thành ủy và một số lãnh đạo đương chức của Hải Phòng bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu xem xét kỷ luật, Dân Việt đã tìm gặp đại diện Công ty TNHH Du lịch Sơn Lâm, đơn vị thực hiện dự án này.
Bình luận 0

Bản thông báo kết luận mới đây của Ủy ban Kiểm tra T.Ư có đề cập tới những sai phạm của lãnh đạo và cựu lãnh đạo TP.Hải Phòng dẫn tới sự lãng phí, chậm trễ trong triển khai dự án nhạc nước trị giá 200 tỷ đồng do Công ty TNHH du lịch Sơn Lâm làm nhà thầu thi công, gây bức xúc trong dư luận thành phố. Từ năm 2014, dự án đã triển khai thi công nhưng rất chậm trễ, đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện và nghiệm thu. Nguồn kinh phí thực hiện dự án hoàn toàn lấy từ ngân sách.

Tuy nhiên, theo đánh giá cảm quan ban đầu, nhiều ý kiến cho rằng dự án khó có thể đảm bảo cả về chất lượng và thẩm mỹ. Nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng một số lãnh đạo đương chức của thành phố này bị đề nghị xem xét kỷ luật vì tham gia vào dự án này.

img

Giàn nhạc nước trông như bè nuôi cá di động.

Vậy Công ty TNHH du lịch Sơn Lâm là ai?

Dân Việt đã tìm kiếm thông tin về Công ty TNHH du lịch Sơn Lâm thì được biết Công ty này được thành lập từ khá lâu, giấy phép kinh doanh được cấp năm 2000, trụ sở ban đầu ở 31 – 33 Ngô Quyền (phường Hàng Bài, Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Thanh Tâm làm giám đốc. Ngành nghề kinh doanh của Công ty là Tổ chức sự kiện, Hội nghị truyền hình, Hội nghị trực tuyến, Xây dựng công trình văn hóa… Tuy nhiên, khi PV Dân Việt tìm tới địa chỉ này thì từ lâu nó đã trở thành trụ sở của một ngân hàng.

img

Nhiều rong rêu đã mọc quanh nhạc nước.

img

Các mối hàn đã vị han gỉ.

img

Dây điện bố trí loằng ngoằng.

Liên hệ qua điện thoại theo số (04) 39349499 để tìm địa chỉ và đặt lịch làm việc với lãnh đạo Công ty tìm hiểu về dự án nhạc nước 200 tỷ đồng, tuy nhiên, PV Dân Việt khá bất ngờ khi người trực điện thoại của Công ty lại tỏ ra rất thận trọng, cảnh giác, dò hỏi rất kỹ PV là ai, hỏi công ty có việc gì, nếu là khách hàng thì định làm và nhất quyết không chịu xác nhận địa chỉ Công ty ở đâu!

“Tại vì thời gian qua có rất nhiều người gọi điện đến công ty làm phiên nên em phải hỏi kỹ như vậy, mong anh thông cảm?”, cô gái trực điện thoại phân trần. Sau một lúc trình bày, cô gái cũng cho biết, trụ sở Công ty được chuyển về tòa nhà Charmvit ở 117 Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, Hà Nội) từ đầu năm 2015. Sáng 22.7, PV đã tìm tới địa chỉ này. Văn phòng Công ty TNHH Du lịch Sơn Lâm nằm trên tầng 19 tòa nhà Charmvit, đường Trần Duy Hưng. Khi phóng viên đến liên hệ, nhân viên công ty cho biết lãnh đạo đều không có mặt ở Công ty.

img

Cầu tre tạm bợ dẫn vào phao nổi.

Trong phòng họp của Công ty có nhiều bằng khen của một số địa phương vì đã tham gia những sự kiện quảng bá du lịch, lễ hội. Trao đổi với PV Dân Việt là một trợ lý Giám đốc của Công ty TNHH Du lịch Sơn Lâm, tuy nhiên yêu cầu không nêu tên. Vị này cho biết đã biết đã nắm được nội dung kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về dự án nhạc nước tại hồ Tam Bạc và đang chờ thông báo của UBND TP.Hải Phòng để triển khai tiếp dự án này.

“Chúng tôi đang và sẽ thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết với UBND TP.Hải Phòng với chất lượng công trình tốt nhất có thể. Sản phẩm cuối cùng sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất. Công ty vẫn sẵn sàng các yếu tố về nhân lực, tài chính, kỹ thuật để triển khai dự án”, vị đại diện Công ty cho hay. Nguyên nhân dự án chậm trễ triển khai, theo giải thích của vị đại diện Công ty Sơn Lâm, là do có vướng mắc về cơ chế phối hợp vì liên quan đến nhiều Sở, ngành tại địa phương. Vị đại diện này sau đó đã chuyển trách nhiệm trả lời về việc vận hành công trình cho ông Nguyễn Xuân Khang, theo giới thiệu là người đại diện của Công ty về dự án nhạc nước tại Hải Phòng.

Dân Việt tiếp tục liên hệ với ông Khang thì được biết, ông là Tổ trưởng tổ quản lý vận hành nhạc nước trăm tỷ. Theo ông Khang trình bày, công trình nhạc nước ở Hải Phòng có một điểm rất khác so với các công trình nhạc nước ở các nơi khác, là thường thì người ta xây hồ nhân tạo để làm nhạc nước, nhưng dự án này tận dụng luôn hồ Tam Bạc sẵn có để đặt các thiết bị vào đó.  

Tuy vậy, sau khi nghiên cứu nước ở hồ Tam Bạc thì thấy nước hồ là nước lợ, có nhiều chất bẩn nên không thể sử dụng nguồn nước hồ để phục vụ cho việc phun nước ở công trình nhạc nước. Nước để cấp cho các bơm phun phải là nước sạch, nếu là nước bẩn các thiết bị sẽ nhanh hỏng, ông Khang giải thích. Vì vậy các chuyên gia của nước ngoài tư vấn phải xây dựng một phao nổi giữa hồ để chứa nước ngọt và nâng đỡ thiết bị cho hệ thống nhạc nước làm việc, ngăn không cho nước bẩn ở hồ tràn vào. “Đó chính là lý do vì sao người dân cho rằng nhìn từ xa, công trình nhạc nước trông giống như lồng bè nuôi cá”, ông Khang trần tình.

Về chất lượng thiết bị, ông Khang cam đoan các thiết bị của hệ thống đều được nhập khẩu từ Mỹ, chỉ có riêng phần phao nổi được lắp ráp và chế tạo ở Việt Nam. Các mối han gỉ chỉ xuất hiện ở phao nổi, còn ở các thiết bị để cho hệ thống nhạc nước hoạt động thì không hề bị gỉ. Thời tiết ở Việt Nam nóng ẩm nên việc han gỉ là việc bình thường, ông Khang nói.

Về chiếc cầu gỗ và đường dây điện loằng ngoằng phản cảm, ông Khang nói chiếc cầu gỗ chỉ là cầu tạm để tiện cho việc bảo trì thiết bị, còn cầu dẫn ra công trình nhạc nước đã được TP.Hải Phòng phê duyệt xây dựng, đường dây điện sẽ được bố trí ngầm xuống dưới không để loằng ngoằng như hiện nay. Nói về phản ánh các bài hát ở công trình nhạc nước được phát đi phát lại, không đổi mới ông Khang cho rằng: Đó là do đã có lập trình, việc thay một bài một bài hát mới vào công trình nhạc nước không hề đơn giản, phải có chuyên gia nước ngoài lập trình. Nhưng thuê chuyên gia nước ngoài thì phải mất kinh phí, nên hiện nay mới tạm thời chỉ phát những bài hát có lập trình trước đó.

Cũng theo ông Khang công trình nhạc nước ở hồ Tam Bạc có cấu tạo phức tạp với 101 máy bơm, 1008 vòi phun, 336 bóng đèn, trong quá trình hoạt động phải điều khiển làm sao đồng bộ giữa nhạc và nước, nên việc vận hành phải có nguồn nhân lực có trình độ cao và am hiểu về nhạc nước. Hiện nay đối với công trình nhạc nước có 10 kịch bản, mỗi một kịch bản có 5,6 bài hát. Theo yêu cầu của TP. Hải Phòng, công trình nhạc nước sẽ hoạt động vào lúc 20 giờ các ngày thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ, mỗi lần hoạt động vào khoảng 1 giờ với 2 kịch bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem