Nếu dự án siêu tăng P. 1000 đi vào sản xuất, nó sẽ là chiếc xe tăng lớn nhất thế giới từng được chế tạo. Ảnh: Warhistoryonline.
Theo Unmuseum, nhằm phục vụ cho dã tâm của giới lãnh đạo Quốc xã, Hitler đã yêu cầu các nhà khoa học Đức phải nghiên cứu và cho ra đời những vũ khí mạnh nhất. Giới khoa học Đức đã phát triển rất nhiều ý tưởng táo bạo làm nền tảng cho các hệ thống vũ khí hiện đại về sau như xe tăng, máy bay siêu thanh, tên lửa đạn đạo.
Một số ý tưởng đã được áp dụng trong chiến tranh, mang lại hiệu quả nhất định như tên lửa đạn đạo V1, V2, xe tăng Tiger... Các xe tăng chiến đấu chủ lực của Đức như Panzer, Tiger đã chứng tỏ được giá trị trên chiến trường. Mặc dù các xe tăng lúc đó của Mỹ như Sherman không thể phá giáp của Tiger từ phía trước, nhưng với khả năng cơ động cao chúng có thể luồn sâu vào đội hình xe tăng Đức và tấn công từ bên hông gây thiệt hại lớn.
Bên cạnh đó, giới tình báo Đức đã phát hiện ra chương trình xe tăng hạng nặng của Liên Xô. Công ty Friedrich Krupp AG (nhà sản xuất vũ khí lớn nhất châu Âu trong thế kỷ 20) đã nghiên cứu chương trình xe tăng Liên Xô. Grotte, Giám đốc của Krupp đã đề xuất lên Hitler dự án siêu tăng nặng tới 1.000 tấn mà ông đặt tên là Landkreuzer P. 1000 Ratte.
Cặp pháo cỡ nòng tới 280 mm cho phép P. 1000 san bằng mọi mục tiêu. Cỗ xe tăng khổng lồ này sẽ giúp Đức Quốc xã thống trị chiến trường mặt đất. Ảnh minh họa: Unmuseum.
Theo bản phác thảo mà Grotte trình lên Hitler vào ngày 23/6/1942, chiếc siêu tăng sẽ có lớp giáp dày từ 150-360 mm. P. 1000 có chiều dài 35 mét, 39 mét tính cả nòng pháo, rộng 14 mét, cao 11 mét, trọng lượng chiến đấu dao động từ 980-1.100 tấn. Để giải quyết vấn đề trọng lượng, P. 1000 sử dụng tới 3 bánh xích mỗi bên với chiều rộng 1,2 m mỗi bánh xích. Tổng chiều rộng bánh xích tới 7,2 m.
Chiều rộng bánh xích lớn sẽ cho phép phân bổ trọng lượng, tăng độ ổn định. Tuy nhiên, do trọng lượng bản thân quá lớn nên không một cây cầu nào chịu được tải trọng của nó. Các nhà thiết kế lập luận rằng, P. 1000 có chiều cao bản thân khá lớn nên có thể vượt qua những con sông lớn có độ sâu khoảng hai mét khá dễ dàng.
Các nhà thiết kế đã trang bị cho P. 1000 hệ thống vũ khí cực mạnh bao gồm: hai pháo SK C/34 cỡ nòng tới 280 mm. Đây là loại pháo hạm lắp trên thiết giáp hạm lớp Scharnhorst, một pháo KwK 44 L/55 128 mm, 8 pháo Flak 38 20 mm và hai súng máy hạng nặng 15 mm. Với dàn vũ khí này, P.1000 có thể được xem là pháo đài bất khả chiến bại.
Truyền động cho cỗ xe tăng khổng lồ này thực sự là một thách thức. Các nhà thiết kế đã đề xuất giải pháp trang bị hai động cơ diesel MAN V12Z32/44 24 xy lanh. Đây là loại động cơ sử dụng cho tàu ngầm U-Boat với công suất lên đến 8.400 mã lực/chiếc. Một giải pháp khác là sử dụng 8 động cơ diesel Daimler-Benz MB 501 20 xy lanh công suất 2.000 mã lực/chiếc. Loại động cơ này được trang bị cho tàu tấn công E-Boat.
Cỗ xe tăng khổng lồ chậm chạp này dễ bị tiêu diệt trong các cuộc không kích. Đó chính là lý do nó bị khai tử ngay khi còn nằm trên giấy. Ảnh minh họa: Unmuseum.
Hai giải pháp động cơ trên sẽ cung cấp tổng lực đẩy khoảng 16.000 mã lực, đảm bảo cho siêu tăng nặng 1.000 tấn có thể di chuyển với tốc độ 40 km/h với dự trữ hành trình khoảng 190 km. Hitler tỏ ra thích thú với đề xuất của Grotte và ra lệnh cho Krupp bắt tay phát triển siêu tăng này trong năm 1942.
Mặc dù ý tưởng thiết kế siêu tăng P. 1000 có vẻ rất khả thi nhưng khi nghiên cứu dự án một cách chi tiết, người ta phát hiện nhiều vấn đề nan giải. Kích thước đồ sộ của P. 1000 khiến nó dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công bằng máy bay.
Các pháo phòng không trên P. 1000 rất khó có thể bảo vệ nó trước các đợt không kích. Cuối năm 1943, Albert Speer, Bộ trưởng Vũ khí của Hitler đã nhận thấy tính phi thực tế của dự án siêu tăng P. 1000 và quyết định hủy bỏ. Siêu tăng Landkreuzer P. 1000 Ratte bị khai tử ngay khi còn nằm trên giấy. P. 1000 là một trong rất nhiều ý tưởng phát triển vũ khí kỳ quái nhằm phục vụ cho dã tâm của giới lãnh đạo Đức Quốc xã.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.