Dự án về bản, dân bản xóa nghèo nhanh

Thừa Xuân Thứ ba, ngày 29/03/2016 07:43 AM (GMT+7)
“Được dự án hướng dẫn kỹ thuật và chăm giống lợn lai, tuy nuôi có khó hơn so với kiểu nuôi cũ, nhưng lợn to nhanh lắm, mới nuôi mấy tháng thôi đã bán được tiền rồi, tôi thấy thích lắm” - chị Lư bày tỏ.
Bình luận 0

Đã nhiều năm nay, vợ chồng chị Giàng Thị Lư ở bản Mo Nhang, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vẫn có thói quen thả  rông lợn lên rừng cho tự kiếm ăn. Để có được một con lợn khoảng 50kg, nhanh cũng phải mất 2 năm, có con còi cọc phải mất 3 năm trời. Với cách chăn nuôi đó, gia đình chị Lư mãi chẳng thoát nổi cảnh nghèo.

imgThỏ con thường xuyên được anh Mùa A Sáy kiểm tra sức khỏe.  Ảnh:Thừa Xuân

Nhưng từ khi Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 triển khai tại bản, chị Lư được tham gia Tiểu dự án chăn nuôi lợn và được hỗ trợ giống cùng các kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc lợn lai. Sau nhiều đợt chăn nuôi quay vòng, năm 2015 chị Lư đã làm chuồng trại và chăn nuôi lợn tại nhà.

“Được dự án hướng dẫn kỹ thuật và chăm giống lợn lai, tuy nuôi có khó hơn so với kiểu nuôi cũ, nhưng lợn to nhanh lắm, mới nuôi mấy tháng thôi đã bán được tiền rồi, tôi thấy thích lắm” - chị Lư bày tỏ.

Với 12 thành viên của 4 thế hệ, gia đình anh Mùa A Sáy ở thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu cũng chẳng khá hơn gia đình chị Lư. Do sống ở giữa lưng chừng núi nên không chỉ thiếu đất sản xuất, nhà Sáy còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, hạn hán. Vì vậy, dù cả nhà quanh năm làm lụng nhưng vẫn chẳng thoát nổi đói nghèo.

Năm 2013, được Dự án giảm nghèo hỗ trợ, anh Sáy đã chọn  nuôi thỏ, giống vật nuôi hoàn toàn xa lạ với bà con người Mông. Tuy nhiên, do được tập huấn  đầy đủ về kỹ thuật nên từ vài con thỏ nuôi ban đầu, nay anh đã mở rộng quy mô lên đến gần 100 đôi. Bình quân cứ 2 - 3 tháng anh xuất bán một lứa, thu về gần 10 triệu, số tiền không nhỏ đối với gia đình.

Qua 5 năm thực hiện Dự án giảm nghèo giai đoạn 2, huyện Trạm Tấu đã được đầu tư xây dựng 28 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, dịch vụ sản xuất..., với tổng số vốn gần 60 tỷ đồng từ Ngân hàng Thế giới (WB) và ngân sách nhà nước; góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện từ gần 75% thời điểm triển khai dự án giai đoạn 2, xuống còn 56% năm 2015. Ông Giàng A Chư - Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu cho biết: “Qua 5 năm thực hiện 100% các hộ nghèo đều được hưởng lợi từ chương trình. Được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và con giống, đời sống của các hộ đã khá lên so với trước đây”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem