Đu dây như Tây Du Ký

Thứ năm, ngày 24/06/2010 11:08 AM (GMT+7)
(NTNN) - Giữa tháng 6-2010, những chiếc cầu bắc qua sông Pô Kô đã được khởi công. Nhưng những chiếc cầu này tồn tại được bao lâu? Câu hỏi trên là nỗi trăn trở với các tỉnh miền núi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.
Bình luận 0
 img
Vượt sông Pô Kô bằng cầu treo tại các xã Đăk Nông, Đăk Ang... huyện Ngọc Hồi, Kon Tum.

Đi mây về gió

Con sông Pô Kô chảy qua các xã Đăk Ang, Đăk Dục, Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã từng có cầu bê tông. Sau khi cơn lũ tháng 9-2009 đi qua, 4 cầu vĩnh cửu nối 2 bờ sông Pô Kô cùng hệ thống 7 cầu treo tại khu vực này bị nước lũ cuốn trôi khiến cuộc sống của người dân tại làng Nông Nội (xã Đăk Nông); làng Kà Nhảy, Chả Nội, thôn 7 (thị trấn Plei Kần); làng Đăk Blái, Đăk Rme và Đăk Yá 2 (xã Đăk Ang)… tách biệt với bên ngoài. Để khắc phục khó khăn, nhiều hộ dân đã góp tiền mua dây cáp nối liền 2 bên bờ sông Pô Kô và treo mình trên ròng rọc để… vượt sông.

Trao đổi với chúng tôi, ông Xiêng Thanh Tý - Chủ tịch UBND xã Đăk Nông cho biết: Ngay sau khi các hộ người Kinh bên xã Đăk Ang tự tạo và đưa vào sử dụng tuyến đường giao thông này như một giải pháp tình thế, nhiều hộ đồng bào Xê Đăng trong xã cũng “học theo” và bắt thêm 2 ròng rọc khác để dễ dàng di chuyển qua sông Pô Kô và thêm 1 tuyến cáp giao thông được kết nối ngay sau lưng trụ sở UBND xã!

Khi những thông tin trên được báo chí đăng tải, UBND huyện Ngọc Hồi đã ban hành các quy định cấm tuyệt đối người già và trẻ nhỏ không được vượt sông Pô Kô bằng đường cáp tự tạo hay bất cứ phương tiện nào không đủ an toàn. Nhưng hiện ngoài 3 điểm nối cáp tại làng Nông Nội, xã Đăk Nông và làng Nông Jon, xã Đăk Ang, hàng chục hộ dân đồng bào Xê Đăng tại các làng Kà Nhảy, Chả Nội 2, thôn 7… thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi vẫn đang sử dụng cách di chuyển này để vượt sông ra bên ngoài.

img
Cận cảnh chiếc cầu treo.

Không thể cấm!

Dù đã có phương án xây cầu qua sông Pô Kô nhưng nhiều người dân vẫn lo lắng bởi khảo sát, xây cầu không chắc chắn thì lũ lại cuốn trôi. Việc đu dây qua sông lại tái diễn...

Ông A Nam Thị, Bí thư Đảng uỷ xã Đăk Ang cho biết, mặc dù di chuyển trên cáp treo rất nguy hiểm nhưng người dân tại đây đều buộc phải chọn cách giao thông kỳ quặc này bởi cả 7 cây cầu treo vượt sông Pô Kô đều bị lũ cuốn trôi. Dòng nước sông Pô Kô chảy rất mạnh nên người dân từ xưa đến nay không ai dám vượt sông bằng xuồng, vì vậy di chuyển bằng cáp treo là cách khả dĩ nhất tại đây.

Nhận định về vấn đề này, ông Châu Ngọc Lân - Phó Bí thư Huyện uỷ huyện Ngọc Hồi cho biết: “Việc đi lại của bà con như vậy là quá nguy hiểm. Từ khi dùng dây cáp đến nay đã có 5 người bị rơi xuống sông. Vì không thể cấm người dân vượt sông trên cáp treo bởi ngoài cách này, họ không còn cách nào khác để vượt sông Pô Kô. UBND huyện Ngọc Hồi đã cử lực lượng thường xuyên kiểm tra trụ đỡ, dây cáp, ròng rọc tại các địa điểm trên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho rằng: Để giải quyết được tình hình này, UBND huyện Ngọc Hồi đang lập dự án đầu tư xây dựng lại hệ thống cầu treo vượt sông Pô Kô phục vụ giao thông cho người dân các xã Đăk Nông, Đăk Ang, thị trấn Plei Kần. Nhưng chúng tôi cần có thêm thời gian, điều kiện tốt hơn bởi Ngọc Hồi là địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống xã hội của tỉnh Kon Tum.

Theo ông A Nam Thị - Bí thư Đảng uỷ xã Đăk Ang, từ cuối năm 2009, để giải quyết tình thế trong vùng lũ bị cô lập, UBND huyện Ngọc Hồi lập dự án xây dựng cầu tạm với kinh phí 300 triệu đồng do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 134 thi công. Tuy nhiên, theo kế hoạch có lẽ phải đến cuối tháng 10-2010 công trình mới hoàn thành phục vụ nhân dân trong vùng.

Thêm một tín hiệu vui nữa, vừa qua, đã có hai đơn vị đứng ra nhận xây dựng những cây cầu bê tông mới cho bà con nơi đây. Tuy nhiên, trong niềm hân hoan đó vẫn có những nỗi niềm lo lắng. Đã có rất nhiều những cây cầu kiên cố vắt qua sông Pô Kô bị nước lũ cuốn trôi chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Bởi thế, người dân ở đây cho rằng, nếu không khảo sát kỹ, xây dựng ở vị trí thuận tiện thì chỉ một cơn lũ nữa đến thì những nỗ lực đó lại đổ hết xuống sông xuống biển.

(còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem