Du học để... làm trang trại

Thứ bảy, ngày 01/09/2012 07:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở ấp Thuận Hòa (xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, Long An), 2 anh em Thuận và Hòa khá nổi tiếng. Không chỉ cao to nhất làng, anh em họ còn là những trí thức trẻ khoái nghiệp nông dân...
Bình luận 0

Học nhiều để làm nông

Người anh là Võ Quang Thuận, kỹ sư nông nghiệp vừa tròn 30 tuổi, cao xuýt xoát 1,9m và nặng có... 114kg. Cậu em Võ Xuân Hòa “khiêm tốn” hơn, cao hơn 1,7m và nặng 110kg, tốt nghiệp đại học ở New Zealand trở về quê theo ông anh nối nghiệp làm nông. Được gọi là trí thức trẻ nhưng khi anh em họ ra đồng, hiếm có nông dân nào làm việc khỏe và dẻo dai bằng.

img
Võ Quang Thuận ở trang trại cây ăn quả tại Đức Huệ (Long An).

Hòa cho biết, 2 anh em mê làm nông dân khi mới học lớp 1, lớp 2. “Cả nhà sống giữa rốn phèn Đồng Tháp Mười, nhìn thấy cha mẹ quanh năm vất vả với ruộng đồng để nuôi anh em tôi ăn học đàng hoàng nên chúng tôi luôn suy nghĩ sẽ cố gắng để sau này nếu vẫn là nông dân sẽ không vất vả như cha mẹ tôi” – Hòa chia sẻ.

Năm 2000, Thuận đậu vào Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh. Ra trường năm 2004, bạn bè rủ Thuận trụ lại thành phố, thậm chí có cả một số lời mời… làm người mẫu (thời sinh viên, Thuận cao 1,87m, nặng chừng 80kg, gương mặt như tài tử Hàn Quốc). Thế nhưng, Thuận vẫn vác ba lô về quê “phụ cha mẹ trồng mía, nuôi cá”.

Anh quan niệm sẽ dùng những kiến thức được học ở trường để làm giàu ngay trên quê hương mình. Còn Hòa (sinh năm 1984), học xong phổ thông đã đi du học ở New Zealand. Đây là quốc gia có cơ sở kinh tế nông - công nghiệp phát triển, ngành chăn nuôi giữ vai trò quan trọng, các mặt hàng nông sản xuất khẩu rất mạnh là các sản phẩm sữa, thịt gia súc, cá, rau quả...

Nhưng Hòa không học nông nghiệp “vì sợ giẫm chân anh” mà chọn ngành tài chính ở Đại học Aucklan. “Anh Thuận lo khâu sản xuất, còn mình tính chuyện bán ra” – Hòa dí dỏm.

Sướng… như nông dân

Gia đình làm kinh tế trang trại quy mô lớn (có đất trồng mía ở Tây Ninh, cao su ở Bình Dương, tôm ở Bạc Liêu và Sóc Trăng, cây ăn trái ở Long An), nên anh em Thuận và Hòa phải di chuyển rất nhiều. Ngoài 2 chiếc xe sang là Mercedes S300 và Audi Q7 để chạy đường trường, anh em họ còn thường xuyên di chuyển bằng 2 chiếc xe bán tải 2 cầu cho những quãng đường lầy lội. Không chỉ biết lái xe hơi, các loại máy cày, máy xới, máy nông cụ phục vụ sản xuất, anh em Hòa đều sử dụng thành thạo.

Năm 2011, Võ Xuân Hòa kết hôn cùng cô Girawan Charoensuk – người Thái Lan. Cô gái này tốt nghiệp thạc sĩ tại New Zealand và đồng ý theo Hòa về “làm dâu đất phèn”. Cuối tháng 8.2012, cô về Thái Lan để nhận bằng thạc sĩ do công chúa Thái trao.

Ngay giữa rốn phèn Đồng Tháp Mười, ở trang trại cây ăn trái rộng 240ha tại huyện Đức Huệ (Long An), anh em Hòa vẫn sành điệu với laptop, Ipad, điện thoại xịn… “Chúng tôi chẳng giải trí gì với mấy món đồ này đâu. Mình là nông dân, sản phẩm làm ra lúc nào cũng phụ thuộc vào thị trường nên anh em tôi phải liên tục cập nhật thông tin thị trường để không bị rơi vào cảnh trúng mùa mất giá. Internet chính là kho tài nguyên vô tận mà anh em chúng tôi cần phải khai thác triệt để nhằm phục vụ cho sản xuất được tốt hơn” – kỹ sư Thuận nói. “Làm nông nghiệp với quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì vẫn sướng hơn cha ông mình ngày xưa gấp trăm lần” - Hòa bảo.

Ông Võ Quan Huy – cha của anh em Thuận – Hòa, nói: “Tôi là nông dân rặc, ngày xưa không được học nhiều nên lớn lên vất vả, nhiều cái phải mày mò tự học. Nay 2 thằng con được học hành bài bản, lại hào hứng quay về giúp tôi làm nông nghiệp nên tôi khỏe hơn trước rất nhiều”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem