Tuy giáo dục Việt Nam còn nhiều vấn đề, nhưng có những dấu hiệu thay đổi gần đây được đánh giá là cởi mở và tích cực hơn trước. Tin mới nhất là số du học sinh (DHS) Việt Nam không được visa chiếm 70%. Visa cho DHS thật sự là một trong những vấn đề cần xem xét trong thời gian tới. TGTT trao đổi với ông Cảnh về câu chuyện này.
Tin mới nhất là số du học sinh (DHS) Việt Nam không được visa chiếm 70%. Visa cho DHS thật sự là một trong những vấn đề cần xem xét trong thời gian tới. TGTT trao đổi với ông Cảnh về câu chuyện này.
Theo ông, có các điểm nhấn trong quan hệ giáo dục Việt – Mỹ như thế nào qua nhiều thời kỳ?
- Một trong những kết nối quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ là phát triển giáo dục giữa hai nước hơn 1/4 thế kỷ qua. Ngay khi hai nước chưa có chính thức quan hệ ngoại giao. Chương trình học bổng Fulbright đã bắt đầu năm 1991, qua trung gian các tổ chức như ĐH Harvard... Trung bình mỗi năm có khoảng 25 sinh viên theo học chương trình thạc sĩ và nghiên cứu. Hiện có nhiều lãnh đạo Việt Nam đã từng được đào tạo qua chương trình này. Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM hàng năm có khoảng 65 sinh viên theo học. Sắp tới chương trình này sẽ trở thành chương trình thạc sĩ đầu tiên của ĐH Fulbright.
Tiếp theo là học bổng Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) ra đời theo đạo luật VEF năm 2000, mỗi năm có khoảng 40 sinh viên Việt Nam nhận học bổng theo học ở 100 trường nghiên cứu hàng đầu của Mỹ các ngành về khoa học ứng dụng và kỹ thuật, phần lớn đào tạo bậc tiến sĩ. Hiện nay đã có khoảng 700 sinh viên phần lớn đã tốt nghiệp và về nước, đang đóng vai trò không nhỏ trong lãnh vực phát triển khoa học và công nghệ. Ngoài ra, còn có các chương trình học bổng khác từ Mỹ như Hubert Humbrey, Ford Foundation...
Cũng nên nói là nhóm Harvard đã đóng góp rất lớn vào việc xây dựng và hình thành phần lớn các chương trình trên.
Theo ông có sự tương đồng nào giữa giáo dục Việt Nam và giáo dục Mỹ ngày nay?
- Giáo dục của Mỹ ảnh hưởng lớn từ Âu châu, đặc biệt là Anh quốc ở giai đoạn đầu, phát triển và vượt trội trong khoảng 100 năm trở lại. Nền giáo dục Mỹ hiện nay được cho là tiên tiến nhất thế giới, do sự linh hoạt, đa dạng, tính nghiên cứu và ứng dụng cao trong môi trường học thuật, tích tụ tinh hoa và văn minh của thế giới, qua việc thu hút nhân tài khắp thế giới đến nghiên cứu và giảng dạy. Hiện nay nước Mỹ có trên 1 triệu DHS khắp thế giới, là nước có lượng DHS lớn nhất thế giới.
Việt Nam có nền giáo dục lâu đời và qua nhiều giai đoạn lịch sử, thời phong kiến sang Tây học (Pháp), sang Nga và Đông Âu, Mỹ... Giáo dục Việt Nam đang tiếp cận với nhiều nước lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, và đây là điểm sáng. Qua con số khoảng 150.000 DHS tại các nước, Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi hệ thống giáo dục trong nước, để đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế của xã hội.
Bản thân giáo dục của Mỹ cũng có những điểm yếu, đặc biệt là cấp tiểu – trung học, nhưng do cấu trúc linh hoạt và tính trách nhiệm, họ thay đổi, khắc phục rất nhanh. Đây cũng là điểm yếu nhất của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay.
Có một vấn đề khá cơ bản, đó là hệ thống giáo dục phải bắt đầu với sự lựa chọn triết lý giáo dục mới giải quyết được cốt lõi của việc đào tạo, ông nghĩ sao?
- Triết lý là “kim chỉ nam” của bất cứ cứ hệ thống giáo dục nào. Nền giáo dục mà triết lý không rõ ràng, thì sẽ rơi vào vùng sáng tối lẫn lộn. Bản thân tôi đã hấp thụ nền giáo dục nhân bản, dân tộc, khai phóng, nên tôi hiểu rất rõ sự quan trọng của nền tảng triết lý giáo dục. Mục tiêu của giáo dục phải hướng tới đào tạo một con người có tư duy, suy nghĩ, phán xét và tính sáng tạo độc lập, song song với việc đào tạo chuyên môn sau cấp trung học cơ sở. Nền giáo dục nào đào tạo rập khuôn, giáo điều là thiếu tự tin vào bản năng phát huy tốt đẹp ở mỗi con người và tính đa năng toàn diện của hệ thống, sẽ dẫn đến thất bại. Đặc biệt là trong thế giới đa dạng, đa năng và hội nhập ngày nay.
Ngoài ra, việc thay đổi giáo dục hiện nay, theo ông có nghĩ là thay đổi từ giáo viên, cha mẹ hay nhà quản lý?
- Khởi đầu phải là triết lý giáo dục, tiếp theo là mục tiêu hướng tới. Tiếng Anh có câu “Cần cả làng để nuôi lớn một đứa trẻ”. Giáo dục không chỉ là công việc của nhà trường, của thầy cô, cha mẹ... mà cả một xã hội lớn, nhỏ. Do đó, muốn thay đổi giáo dục, thì phải thay đổi nhận thức, tính trách nhiệm của từng cá nhân và xã hội.
Theo tôi tư duy “tổng thể” cần phải có bức tranh tổng thể, đánh giá tổng thể và giải pháp tổng thể, mới mong giải quyết hiệu quả bài toán giáo dục hiện nay. Như vậy, nhà quản lý giáo dục, thầy cô, cha mẹ, cha mẹ và môi trường xã hội chung quanh phải có cùng nhận thức, hướng nhìn, tiếng nói trung thực về thực trạng và các vấn đề giáo dục hiện nay. Đây là cốt lõi.
Hiện nay, visa du học Mỹ là nỗi ám ảnh lớn cho gia đình muốn cho con đi du học ở đây, ông có thể chia sẻ thông tin về điều này?
- Hiện nay, con số DHS Việt Nam tại Mỹ trên 25.000, đứng hàng thứ 6 so với các nước. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh du học tự túc bị từ chối visa cũng rất cao. Lý do chính là “yếu tố ở lại Mỹ” khá cao so với các nước khác. Do đó bộ phận visa xem xét kỹ yếu tố học lực, khả năng ngoại ngữ, tài chính gia đình (có khả năng tài trợ trong thời gian học).
Trong lần trao đổi với giới chức visa gần đây, tôi thật sự sốc với tỷ lệ visa du học bị từ chối. Họ nói sẽ xem xét, làm việc kỹ càng hơn và tạo điều kiện cho những trường hợp chứng minh du học chính đáng. Tôi đã đề nghị với lãnh đạo bộ phận visa Mỹ, tổ chức những buổi nói chuyện, hội thảo, phổ biến rộng rãi trên truyền thông về các điều kiện và tiêu chí để được cấp visa du học Mỹ, để gia đình và học sinh chuẩn bị.
Ông Trần Đức Cảnh, từng là thành viên ban cố vấn tuyển sinh ĐH Harvard, uỷ viên hội đồng liên trường ĐH bang Massachusetts, nguyên giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts. Mới đây ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm vào hội đồng Giáo dục quốc gia và phát triển nguồn nhân lực.
|
Hà Trần (thực hiện) (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.