Một nhu cầu thiết yếu phát sinh sau khi các du học sinh đã yên ổn cuộc sống mới nơi xứ người, đó là khao khát được thăm thú khắp đất nước bản xứ và cả các nước trong khu vực. Theo kinh nghiệm của nhiều cựu du học sinh (DHS): “Du lịch ở nước ngoài chẳng phải là xa xỉ nếu bạn biết lên lịch trình và… săn vé giá rẻ”.
Nhiều cách du lịch giá rẻ
Hầu hết du học sinh (DHS) khi được hỏi về kinh nghiệm du lịch ở nước ngoài đều khẳng định chắc nịch: “Chi phí đắt hay rẻ cho một chuyến đi đều tùy thuộc vào bản thân bạn”. Thoạt nghe thì có vẻ vô lý nhưng sự thật là mỗi chuyến đi nếu bạn biết lên lịch trình và săn vé giá rẻ thì sẽ tiết kiệm được từ 50% đến 80% so với chi phí thực tế bạn phải bỏ ra.
|
Những chuyến phượt sẽ rộn ràng hơn nếu du học sinh rủ được nhiều bạn học cùng tham gia. |
Phan Thị Trúc Linh, cựu DHS tại Ý từng đi thăm thú qua bốn nước châu Âu, chia sẻ: “Trước khi muốn đi đâu, bạn phải vẽ hành trình dự kiến đi trên bản đồ sao cho thuận lợi, không đi vòng vèo. Sau đó vào các trang web để tìm kiếm phương tiện dịch chuyển thích hợp.
Nếu đi tàu điện thì vào www.eurail.com; nếu đi máy bay thì vào www.whichbudget.com, www.ryanair.com, www.easyjet.com... Lưu ý là bạn phải xem kỹ giá tiền, thời gian dịch chuyển, thời gian tới nơi… Đây là những điểm rất quan trọng, vì nó liên quan tới chi phí, ăn ở, chỗ ngủ của các bạn ở điểm đến. Ngoài ra, việc tìm hiểu về các dịch vụ giá rẻ hoặc miễn phí ở điểm đến cũng quan trọng giúp bạn tiết kiệm được nhiều chi phí”.
Chẳng hạn, Trúc Linh kể: “Vé tàu ở Ý giữa các thành phố họ cho sử dụng 6 tiếng để đi từ điểm A đến điểm E. Gần đến giờ tàu tới, bạn hãy ghi thời gian và ngày vào, trên hành trình của mình bạn có thể nhảy xuống điểm B, C, D tham quan các điểm du lịch mà bạn đã lên lịch trình từ trước rồi lại lên tàu đi về E được, miễn là trong thời gian như quy định. Như vậy mình có thể đi các kiểu kể cả khứ hồi trong khoảng thời gian đó nhưng nhớ kiểm tra thời hạn của vé tàu nếu không sẽ dễ bị phạt”.
Để “săn” được các chuyến du lịch với giá “sinh viên”, theo nhiều DHS thì tốt nhất là tìm hiểu thông tin qua các trang mạng du lịch, kinh nghiệm của cựu DHS và có kế hoạch chu đáo cho chuyến đi của mình cả về điểm dừng, chỗ ăn, chỗ ở. Bạn Trần Anh Tuấn - cựu DHS Trường ĐH Chester (Anh) cho biết: “Nhiều DHS nghĩ đi máy bay sẽ đắt đỏ hơn tàu điện rất nhiều nên không quan tâm đến phương tiện này. Đây là một sai lầm vì ở Anh có rất nhiều hãng máy bay giá rẻ, trong đó phổ biến nhất là Ryanair với nhiều chuyến bay đến hầu hết các thành phố lớn ở châu Âu”. “Nhờ biết đặc điểm này nên tôi đã có những chuyến du lịch thú vị với giá rất rẻ. Chẳng hạn, có lần đặt vé sớm tôi đã ẵm được cái vé bay từ Manchester đến London chỉ tốn có... 4 bảng Anh” - Tuấn Anh nói.
Với Nguyễn Thúy Trang - cựu DHS tại Pháp, hiện đang làm việc cho một hãng thời trang lớn tại TP.HCM thì chia sẻ: “Nếu bạn đến Paris thì mình ‘bật mí” một số kinh nghiệm mình từng trải khi tham quan các thắng cảnh nổi tiếng ở đây. Chẳng hạn, nếu bạn dự định đến Cung điện Versailles và Bảo tàng Louvre thì nhớ mang theo passport và thẻ cư trú vì tất cả sinh viên học ở Anh hay châu Âu trên ba tháng đều được coi là European Residence (người cư trú tại châu Âu); và bạn chắc chắn sẽ được đi bảo tàng Louvre và cung điện Versailles miễn phí. Hoặc nếu bạn thích đi Bateaux Mousse thì trên trang web của sinh viên du học Pháp (www.daugau.com) thường hay có vé giá rẻ hơn giá mua ở bến”.
Khám phá bản thân, mở rộng tầm nhìn
Bạn Đào Quỳnh Anh - cựu DHS tại ĐH Carnegie Mellon (Úc) chia sẻ về chuyến “phượt” tại kỳ nghỉ hè năm 2011 khi cô đi qua nhiều thành phố của đất nước chuột túi: “Phải rất can đảm và liều lĩnh tôi mới quyết định lang thang ở những thành phố hoàn toàn xa lạ để khám phá cuộc sống những nơi này, nói chuyện với những người lần đầu gặp mặt và tự tạo cho mình cơ hội để sống một ngày thật đặc biệt”.
Quỳnh Anh kể: “Dù là ở tận Tasmania xa xôi, sa mạc cát đỏ Alice Springs hay giữa lòng thành phố tấp nập ở Melbourne…, nhiều lúc tôi dậy sớm cuốc bộ cả chục cây số để leo một ngọn núi, nhảy lên khinh khí cầu thám hiểm một thung lũng lúc mặt trời lên, thậm chí nhịn ăn lang thang cả buổi trên một bãi biển nổi tiếng. Tôi thích gặp gỡ và trò chuyện với người bản xứ ở đây để hiểu họ đang sống như thế nào, họ có ước mơ và dự định gì”.
Còn Trần Minh Hoàng - cựu DHS tại Anh thì chia sẻ về những điều có được khi bạn đi “phượt” qua các thành phố lớn của Anh: “Mặc dù tôi bị mất hộ chiếu và lên nhầm xe buýt nhưng tôi đã có cơ hội khám phá sức mạnh tiềm ẩn của mình và tận hưởng một cảm giác mạnh mẽ khi tự mình phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn bất ngờ”. Cũng theo Hoàng kể: “Dù gặp nhiều khó khăn nhưng khi tôi chia sẻ với những người bản xứ, họ đã sẵn sàng giúp đỡ tôi. Tôi cũng đã được ưu tiên nhiều khi mua vé tham quan ở châu Âu với giá giảm đến khoảng 50%”.
Theo Pháp luật TP.HCM
Vui lòng nhập nội dung bình luận.