Tính từ Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI (2002-2007), số lượng Phó Thủ tướng đầu nhiệm kỳ có 3 người, đó là các ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Vũ Khoan, ông Phạm Gia Khiêm. Vào cuối nhiệm kỳ (năm 2006), ông Nguyễn Tấn Dũng được bầu giữ chức Thủ tướng; Quốc hội cũng phê chuẩn thêm 2 Phó Thủ tướng là ông Trương Vĩnh Trọng và ông Nguyễn Sinh Hùng. Như vậy số lượng Phó Thủ tướng vào cuối nhiệm kỳ là 4 người.
Đến Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007-2011), số lượng Phó Thủ tướng có 5 người, là ông Nguyễn Sinh Hùng (Phó Thủ tướng Thường trực), ông Trương Vĩnh Trọng, ông Phạm Gia Khiêm (kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Hoàng Trung Hải và ông Nguyễn Thiện Nhân.
Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011-2016), số lượng Phó Thủ tướng ở đầu nhiệm kỳ có 4 người, là ông Nguyễn Xuân Phúc (sau giữ chức Thủ tướng), ông Hoàng Trung Hải, ông Nguyễn Thiện Nhân, ông Vũ Văn Ninh.
Đến giữa nhiệm kỳ (cuối năm 2013), Quốc hội đã miễn nhiệm chức Phó Thủ tướng với ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc này ông Nhân đã giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cũng thời gian này, Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm thêm 2 Phó Thủ tướng, là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam. Như vậy, Chính phủ trong thời gian nửa cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có 5 Phó Thủ tướng.
Còn Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021), số lượng Phó Thủ tướng có 5 người, gồm ông Trương Hòa Bình (Phó Thủ tướng thường trực), ông Vương Đình Huệ, ông Phạm Bình Minh, ông Vũ Đức Đam và ông Trịnh Đình Dũng.
Đến thời gian gần cuối nhiệm kỳ (năm 2020), Quốc hội đã miễn nhiệm Phó Thủ tướng với ông Vương Đình Huệ do đã nhận công tác Bí thư Thành ủy Hà Nội (nay ông là Chủ tịch Quốc hội), do vậy Chính phủ còn 4 Phó Thủ tướng.
Vào cuối nhiệm kỳ (tháng 4/2021), Quốc hội đã kiện toàn nhân sự của Chính phủ, trong đó có miễn nhiệm một Phó Thủ tướng (ông Trịnh Đình Dũng) và phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng là ông Lê Minh Khái và Lê Văn Thành, chính vì thế hiện số lượng Phó Thủ tướng đang là 5 người.
Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, chiều 17/7, ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ kiện toàn 50 chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trong đó, khối Chính phủ, Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng nhiệm kỳ mới; phê chuẩn việc bổ nhiệm 4 Phó Thủ tướng, 22 Bộ trưởng, Trưởng ngành. So với hiện nay, Chính phủ sẽ giảm đi một Phó Thủ tướng. Trong 5 Phó Thủ tướng hiện nay sẽ có 4 người được giới thiệu tái cử nhiệm kỳ mới.
Trong diễn biến khác, Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo tờ trình Chính phủ đề nghị Quốc hội giữ ổn định cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ khóa XV gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ.
Báo cáo nêu rõ, trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cũng có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng.
Chính phủ đề nghị trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021- 2026 như khóa XIV.
22 bộ, ngành gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.