Du lịch nông nghiệp ĐBSCL: Mỗi nông dân là một hướng dẫn viên

Chúc Ly - Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 01/10/2018 10:46 AM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia về du lịch và lãnh đạo các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng, trong phát triển du lịch nông nghiệp, vai trò của người nông dân rất quan trọng. Sự hỗ trợ qua lại giữa hướng dẫn viên và nông dân, hộ gia đình sẽ tạo nên một mắt xích quan trọng để níu chân du khách.
Bình luận 0

Số lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh

Sáng nay (1.10), tại tỉnh An Giang, Tổng cục Du lịch phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) T.Ư, UBND tỉnh An Giang và Báo NTNN/Dân Việt tổ chức hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL.

Theo Hiệp hội du lịch ĐBSCL, đến năm 2016, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã hoàn thành việc ký kết các chương trình hợp tác, liên kết du lịch, diện mạo du lịch toàn vùng từng bước khởi sắc. Năm 2016, vùng ĐBSCL đã đón tiếp hơn 28 triệu khách, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước đây. Trong đó có gần 2,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 5 lần so với năm 2008. Đến năm 2017, toàn vùng đã thu hút trên 33 triệu lượt khách.

img

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Chúc Ly

Theo tổ chức du lịch thế giới, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2017, đang trở thành sự lựa chọn hàng đầu của du khách nước ngoài, đây cũng là cơ hội để ĐBSCL thu hút khách đến trong tương lai.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ĐBSCL là vùng nông nghiệp lớn và là một trong 7 vùng du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Nơi đây còn là “vựa lúa”, “vựa tôm” lớn, có cảnh quan sông nước hiền hoà, người dân thân thiện và mến khách. Riêng An Giang là vùng đất đầu nguồn vùng ĐBSCL, có các yếu tố tự nhiên, đa dạng, phù sa màu mỡ.

Theo ông Bình, trong những năm qua, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển, trong đó có ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp.

Mỗi nông dân là một hướng dẫn viên đặc biệt

Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhận định, trong thời gian qua, du lịch nông nghiệp của vùng ĐBSCL chưa được đầu tư đúng mức và khai thác có hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng và đứng trước nhiều thách thức để hướng đến việc phát triển bền vững.

img

Theo các chuyên gia, mỗi nông dân sẽ là một hướng dẫn viên đặc biệt trong du lịch nông nghiệp. Ảnh: Huỳnh Xây

Trong khi đó, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là việc đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực phù hợp để phục vụ du khách tham gia loại hình du lịch nông nghiệp. Bên cạnh các nông dân, hộ gia đình sẽ trở thành hướng dẫn viên, sự hỗ tương qua lại giữa 2 bộ phận này sẽ tạo nên một mắt xích quan trọng để níu chân du khách.

Theo đó, đội ngũ hướng dẫn viên sẽ truyền đạt kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch đến với những người nông dân làm du lịch. Ngược lại, người nông dân sẽ chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm của nhà nông đến với người hướng dẫn viên để mỗi nông dân làm du lịch nông nghiệp là một hướng dẫn viên đặc biệt.

img

Thạc sĩ Phan Đình Huê chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Chúc Ly

Thạc sĩ Phan Đình Huê - chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL cho rằng, khách di tour nông nghiệp chủ yếu là nhóm nhỏ, theo gia đình hoặc bạn bè. Họ chỉ đi tour bằng xe lớn khi dịch vụ tại điểm đến dành cho nhóm nhỏ, chia ra nhiều hộ gia đình hoặc trang trại khác nhau.

“Bên cạnh đó, khách dành nhiều thời gian cho việc tham gia vào các hoạt động, hơn là thụ động nghe hướng dẫn viên thuyết minh như các tour tham quan phong cảnh. Vì vậy sản phẩm lữ hành phải được tổ chức khác biệt với việc chuyển trọng tâm từ hướng dẫn viên trên tuyến thành nhà nông - kiêm hướng dẫn viên tại điểm với dịch vụ riêng biệt cho từng nhóm nhỏ”, ông Huê nêu ý kiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem