Bàn cách gỡ "nút thắt" du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

Huỳnh Xây - Trần Đáng - Chúc Ly Thứ hai, ngày 01/10/2018 08:18 AM (GMT+7)
Sáng nay (1.10), tại TP.Long Xuyên (An Giang), Tổng cục Du lịch phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư và Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2018”.
Bình luận 0

Đến dự hội thảo có ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư; ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Lưu Phan - Phó Tổng biên tập Báo NTNN/Dân Việt cùng 180 đại biểu đại diện cho Sở VHTT&DL, Hiệp hội Du lịch cùng các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ĐBSCL.

img

Nhiều điểm du lịch nông thôn ở ĐBSCL được hình thành.

Trước hội thảo này, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thành công 2 hội thảo về du lịch nông nghiệp.

Cụ thể là hội thảo "Du lịch nông nghiệp tại Hà Nội" vào ngày 30.3 và hội thảo "Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp nông thôn tại Quảng Nam" vào ngày 18.5.

Các hội thảo đã thu hút được đông đảo sự tham gia của nhiều nhà quản lý, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan truyền thông quan tâm đến lĩnh vực du lịch nông nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng, xu hướng phát triển cũng như đưa ra các đề xuất, giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong khai thác du lịch nông nghiệp ĐBSCL.

Hội thảo tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, là nơi giới thiệu các mô hình du lịch nông nghiệp thành công có tính sáng tạo…

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nhưng ĐBSCL vẫn chưa thể khai thác hết “mỏ vàng” nhiều tiềm năng này.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cho biết, du khách quốc tế, đặc biệt là khách từ thị trường Âu - Mỹ rất muốn khám phá vẻ đẹp dân dã của vùng miệt vườn sông nước bằng cách hòa nhập vào đời sống thực tế của người dân địa phương. Còn với du khách trong nước thì thích tổ chức nhóm đi tham quan các địa điểm trong thời gian ngắn.

Hiện nay, ở các địa phương như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ… hình thành nhiều điểm du lịch nông nghiệp. Đến đây, du khách có thể được vào vai người nông phu tự tay hái quả, làm vườn, được nghỉ chân ngay tại nhà dân và xung quanh là những vườn cây trái trĩu quả.

Ngoài ra, khách còn tham quan những làng nghề truyền thống, các lò bánh, lò cốm, hoặc đi thăm chợ nổi Long Xuyên, chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phụng Hiệp…

img

Du khách nước ngoài tham quan rừng tràm Trà Sư (An Giang) mùa nước nổi.

Có doanh nghiệp cho rằng, ĐBSCL có thể học tập Áo để trở thành một trung tâm du lịch nông nghiệp - nông thôn của Việt Nam nhờ lợi thế  là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, khí hậu tốt quanh năm có thể làm du lịch cả 4 mùa.

img

Khách tham quan cá lóc bay - mô hình du lịch nổi tiếng ở TP.Cần Thơ.

Ngoài ra, ĐBSCL gần đô thị lớn là TP.HCM và các tỉnh miền Đông vốn là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam. Giao thông đang được nâng cấp và xây mới, nên có đến hơn 1/2 diện tích ĐBSCL nằm trong bán kính 3 giờ xe ôtô tính từ TP.HCM (quãng thời gian di chuyển đẹp nhất đối với khách du lịch). Đây sẽ là xu hướng du lịch chủ đạo trong tương lai gần đối với vùng đất Chín Rồng.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn hiện nay, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.

Do vậy, để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thôn, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, cần phải đa dạng hoá ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó phát triển du lịch.

Du lịch nông nghiệp là một hướng đi mới, nó có thể góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp, nông thôn, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của người dân nông thôn, vừa góp phần xây dựng nông thôn mới…

Trong năm 2017, ngành du lịch Việt Nam đã đón khoảng 78 triệu lượt khách nội địa, gần 13 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, ĐBSCL đón tiếp trên 30,2 triệu lượt khách nội địa, hơn 2,8 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu đạt trên 17.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem