“Tôi đề nghị, trong khi còn một số nội dung quan trọng có ý kiến trái chiều và chưa thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thì cần tiếp tục lấy ý kiến nhân dân (về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi) để xem xét thông qua sau khi đã thông qua Hiến pháp sửa đổi”.
|
Ảnh minh họa từ internet |
Đó là kiến nghị thẳng thắn của Đại biểu Lê Đình Khanh – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vào ngày thảo luận cuối cùng của kỳ họp lần thứ 5 về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ngày 17.6.2013 (xem bài phát biểu đầy đủ của ĐB Lê Đình Khanh tại đây).
Nhiều vấn đề quan trọng còn bỏ ngỏ
Đại biểu Lê Đình Khanh là người thứ 45 nhấn nút phát biểu trong ngày. Sau ông còn có 17 vị đại biểu nữa nhấn nút đăng ký thảo luận. Nhưng do “đã hết thời gian phát biểu”, nên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – người chủ trì điều khiển nội dung phiên họp này, đề nghị gửi phần phát biểu bằng văn bản cho Đoàn thư ký.
Là đại biểu cuối cùng phát biểu thảo luận trong ngày, ông Lê Đình Khanh không phải là người duy nhất đề nghị thông qua luật này sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi (tức đề nghị hoãn đến kỳ họp cuối năm nay- PV). Trước ông, các đại biểu Huỳnh Thành (đoàn Gia Lai), đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn TP Đà Nẵng) sau khi phân tích góp ý xây dựng cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng có những đề nghị tương tự: “Tôi đề nghị với Quốc hội thông qua Hiến pháp trước, sau đó mới chỉnh sửa và thông qua Luật Đất đai sẽ phù hợp hơn, đúng với ý nguyên của nhân dân” – Đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội trường.
Bên ngoài hành lang kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng: “Thông qua luật vào kỳ này là quá vội vàng”. Trao đổi với phóng viên NTNN, Đại biểu Dương Trung Quốc phân tích: Bài học lớn nhất của Luật Đất đai 2003 là rõ ràng chúng ta biết mà không làm, đã nhìn thấy những hạn chế của nó mà không giải quyết triệt để, khiến cho sự lách luật kéo dài quá lâu. Nếu chúng ta thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, trong khi nhiều vấn đề quan trọng về đất đai vẫn còn bỏ ngỏ trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 6) sẽ là quá vội vàng!
Trong một diễn biến liên quan từ bên ngoài nghị trường, ngày 16.6.2013, một bản kiến nghị hoãn biểu quyết thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do 18 tổ chức khoa học công nghệ, xã hội, nghề nghiệp đã được gửi đến Văn phòng Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội. Những lập luận được nêu lên tại bản kiến nghị này có nhiều luận điểm thuyết phục và được nhiều người chia sẻ.
Theo dõi toàn bộ quá trình đưa Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và Dự thảo Hiến pháp sửa đổi vào xem xét tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012), quy trình lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý của Ban soạn thảo, cũng như nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhiều đại biểu Quốc hội thừa nhận, dự thảo luật đã tiếp thu rất nhiều trí tuệ của nhân dân.
Chất lượng dự luật đã được nâng cao hơn trước khá nhiều. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, dự luật này vẫn còn “ngổn ngang” nhiều vấn đề quan trọng chưa đạt được sự thống nhất cao, thậm chí còn những ý kiến trái ngược nhau giữa các đại biểu Quốc hội.
Đó là vấn đề thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội; vấn đề quyền tài sản; bồi thường tái định cư; đất nông lâm trường; đất cho đồng bào thiểu số; cơ chế cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng phương án bồi thường; cơ chế đặc thù đối với các nhóm đối tượng yếu thế v.v… Chuyện hợp hiến hay không nếu thông qua Luật Đất đai trước khi thông qua Hiến pháp cũng được đặt ra.
Tuy nhiên, các đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái), đại biểu Đỗ Hữu Lâm (Long An)… thì có ý kiến ngược lại về thời điểm thông qua dự thảo luật. Trong bài phát biểu của mình, các đại biểu này đề có phân tích nhiều điểm chưa hoàn thiện của dự luật, nhưng đánh giá cao sự tiếp thu chỉnh lý của Ban soạn thảo và ủng hộ thông qua luật này ngay kỳ họp thứ 5 để sớm giải quyết những vấn đề bức xúc lâu nay trong lĩnh vực đất đai.
Những ý kiến phát biểu đồng thuận hẳn phương án thông qua dự thảo luật Đất đai sửa đổi ngay tại kỳ họp này như đại biểu Ngô Văn Minh cũng chưa phải chiếm đa số áp đảo. Phần lớn trong số 45 đại biểu đăng đàn ngày 17.6 phát biểu góp ý cụ thể cho từng điều luật hoặc vấn đề mà chưa đưa ra quan điểm trực tiếp là đồng thuận hay không với việc thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngay tại kỳ họp thứ 5. Điều này khiến rất nhiều cử tri theo dõi truyền hình trực tiếp vào ngày 17.6 đoán rằng, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn phân vân, bởi có nhiều vấn đề trong dự luật chưa được giải quyết ổn thỏa.
Chính Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi tóm tắt ý kiến khép lại phiên họp này cũng đã ghi nhận: “Về thời điểm thông qua luật, có hai loại ý kiến: Thứ nhất thông qua tại kỳ họp này; thứ hai, thông qua luật sau khi thông qua Hiến pháp, trường hợp này Quốc hội cần ban hành một nghị quyết để kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp sẽ hết hạn vào ngày 15.10 năm 2013”.
Như vậy, với một dự luật quan trọng như luật đất đai, vốn có ảnh hưởng đến tất cả mọi người dân, vẫn còn những khác biệt lớn trong quan điểm và đánh giá của các đại biểu Quốc hội, nên chăng Quốc hội cần phải có một quyết định bình tĩnh và sáng suốt để có thêm thời gian hoàn thiện, giảm bớt những tốn kém xã hội về sau. Việc thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau khi đã thông qua Hiến pháp sửa đổi chính là đảm bảo sự đồng bộ và nguyên tắc xây dựng luật. Điều này sẽ làm gia tăng sự tín nhiệm của nhân dân đối với Cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước.
Ý kiến Đại biểu Quốc hội: Đề nghị thông qua sau Hiến phápĐB Huỳnh Thành (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai )
“Về căn cứ ban hành văn bản, trong thời điểm hiện nay chúng ta đang triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tôi đề nghị, sau khi Hiến pháp được sửa đổi, Quốc hội thông qua và tiếp theo Quốc hội sẽ thông qua Bộ luật Đất đai, nhằm đảm bảo sự đồng bộ và đảm bảo nguyên tắc xây dựng pháp luật, có thời gian cần thiết để hoàn thiện Bộ luật Đất đai đang có nhiều ý kiến khác nhau”.
Không cân nhắc kỹ, hậu quả khó lường
ĐB Lê Đình Khanh - Hải Dương (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội):
“Tôi đề nghị Luật đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến mọi cơ quan, tổ chức và trực tiếp đến đời sống của mọi người dân, nếu dự thảo sửa đổi không cân nhắc kỹ thì hậu quả sẽ khó lường. Vì vậy trong khi còn một số nội dung quan trọng có ý kiến trái chiều và chưa thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thì cần tiếp tục lấy ý kiến nhân dân để xem xét thông qua sau khi đã thông qua Hiến pháp sửa đổi. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội”.
Khắc phục được tồn tại mới thông qua
ĐB Trương Văn Vở - (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai):
“Tôi đề nghị cần cụ thể hóa tối đa các nội dung quan trọng trong dự án luật, mặt khác tôi rất mừng lần này trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có kèm 3 nghị định: Nghị định chi tiết thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị định về công tác thực hiện giá đất, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính.
Tôi thấy 3 nghị định này chưa cụ thể hơn dự án luật. Vì vậy, nó không khắc phục được tồn tại hiện nay là các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu chặt chẽ. Từ đó tôi đề nghị, nếu thời gian từ nay đến ngày 21.6 thông qua được, nếu điều kiện sửa đổi, bổ sung được thì cố gắng tập trung sửa đổi để Quốc hội có thể thông qua tại kỳ họp này”.
Cần chuẩn bị cả phương án 2
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
“Về thời gian thông qua luật, theo tôi có hai phương án: Một là nếu chúng ta tiếp thu, giải trình được toàn bộ những ý kiến đại biểu phát biểu hôm nay chúng ta có thể thông qua được. Nếu không thông qua được chúng ta phải có một nghị quyết kéo dài”.
Ủng hộ thông qua như dự thảo
ĐB Nguyễn Thanh Thủy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, Ủy viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội
Tôi thống nhất dự thảo luật sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ năm và có hiệu lực áp dụng từ ngày 1 tháng 10 năm 2013 như Dự thảo, vì những nội dung cơ bản, quan trọng đã được Ban soạn thảo tiếp thu và chỉnh lý, những hạn chế sẽ sớm được khắc phục, dự thảo nếu được thông qua thì sẽ khắc phục được những hạn chế bất cập của Luật Đất đai năm 2003 trong thời gian vừa qua”.
Hoàng Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.