Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ GDĐT công bố trên trang web của Bộ, bắt đầu lấy ý kiến từ ngày 13/5. Thời gian góp ý là 2 tháng (tính đến 13/7). Trong Dự thảo Luật Nhà giáo trình Chính phủ, Bộ GDĐT lần nữa nhắc lại về chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, đặc biệt là tiền lương giáo viên.
Theo Dự thảo, các chính sách về tiền lương, chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo được quy định tại dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng "tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ".
Đồng thời, giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành Giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn...
Trước vấn đề này, cô Nguyễn Vân Anh, giáo viên mầm non ở Hà Nội ý kiến: "Nếu có thể Luật hóa và duy trì được mức lương tốt cho giáo viên thì đấy là một giải pháp tốt cho xã hội bởi sẽ đảm bảo được số giáo viên cần thiết cho ngành giáo dục, nâng cao được chất lượng đội ngũ giáo viên. Với như mức lương bây giờ, rất khó để thu hút được nguồn nhân lực tốt. Ngay cả khi đã là giáo viên, chỉ cần có cơ hội mới là họ sẵn sàng bỏ nghề. Đặc biệt với giáo viên mầm non.
Tôi hy vọng đây không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu và phải xét đến cả quá trình công tác của giáo viên. Như lần xếp hạng lương trước, các cơ quan cũng phát ngôn là lương sẽ thay đổi đáng kể nhưng đến khi đưa vào thực tiễn thì lương của tôi lại quay lại bậc 1, tương đương với giáo viên mới vào nghề. Điều này làm cho tôi cảm thấy tủi thân vô cùng.
Ngoài ra, theo các thông tin hiện nay chúng tôi nắm được thì mức phụ cấp cao nhất là 30%, vậy có khi nào lương tăng lên nhưng phụ cấp giảm đi thì lại thành giảm không. Vì hiện nay riêng phụ cấp nghề chúng tôi đã được hưởng 35% lương, còn thêm phụ cấp thâm niên. Có những giáo viên đã làm đến 30 năm, phụ cấp thâm niên lên đến 30%. Vậy bãi bỏ thì có thiệt thòi quá không?
Sắp xếp theo vị trí việc làm cũng cần phải cân nhắc, không thể cào bằng tất cả, người có nhiều nỗ lực, được ghi nhận, người có nhiều năm cống hiến cũng không khác mấy so với giáo viên mới vào nghề... rất nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi giáo viên vẫn đang đặt ra mà chưa có câu trả lời thỏa đáng. Đến ngày hôm nay giáo viên vẫn chỉ được biết có thể tháng 7 sẽ có thay đổi lương nhưng thay đổi như thế nào thì chưa có gì công bố. Liệu rằng lương giáo viên được xếp cao nhất có phải lại chỉ là khẩu hiệu không thì phải đợi chính sách của nhà nước ban hành mới biết được".
Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên THPT ở TP.HCM cho hay: "Cá nhân tôi nghĩ, Luật hóa về lương thì có thể lương giáo viên được xếp cao nhất trong tương lai.
Giáo dục là ngành lao động đặc thù, cho nên giáo viên được xếp lương cao nhất sẽ có nhiều người giỏi vào Sư phạm. Cùng với đó, ngành Giáo dục sẽ tuyển được nhiều giáo viên giỏi. Thầy giỏi ắt sẽ có trò giỏi, sẽ góp phần đào tạo được nguồn nhân lực cao cho đất nước.
Ngoài ra, trả lương cao thì giáo viên mới toàn tâm toàn ý với nghề. Hiện nay, nhiều giáo viên phải làm nghề "tay trái" để mưu sinh vì đồng lương không thể nuôi sống bản thân, gia đình. Tuy vậy, xếp lương cao nhưng cũng tránh cào bằng, kiểm soát lạm phát thì việc tăng lương mới có ý nghĩa.
Việc tăng lương là cả một câu chuyện dài vì ngân sách Nhà nước có hạn. Quan điểm của tôi, ngành giáo dục cần quyết liệt tinh giảm biên chế để có tiền tăng lương cho giáo viên. Đừng sợ tinh giản sẽ thiếu giáo viên, vì nhiều người muốn dạy vượt tiết định mức để có thêm thù lao".
Cần Luật hóa chủ trương tiền lương của nhà giáo
Tại cuộc họp của Ban soạn thảo, Tổ biên soạn dự án Luật Nhà giáo mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo cần thể hiện rõ nét hơn nữa quan điểm phát triển, tôn vinh, bảo vệ nhà giáo.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, quá trình xây dựng dự án Luật Nhà giáo phải trả lời được câu hỏi "Nhà giáo sẽ được gì khi có luật này?", "Xây dựng Luật Nhà giáo phải để phát triển lực lượng nhà giáo", Bộ trưởng nói.
Đối với vấn đề đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc của nhà giáo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần thể chế hóa chủ trương "lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp" một cách bền vững.
"Mừng là, trong đề xuất cải cách tiền lương, lĩnh vực giáo dục và y tế được xếp ở mức phụ cấp nghề cao nhất - 30%. Tổng quỹ lương cơ bản của ngành cũng đang ở nhóm cao nhất.
Tuy nhiên, chúng ta cần thể chế hóa để bảo đảm sự bền vững, luật hóa chủ trương tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Về chính sách tiền lương đối với nhà giáo, Dự thảo Luật Nhà giáo quy định: Chính sách tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có). Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách. Nhà giáo công tác ở ngành lĩnh vực mà ngành, lĩnh vực đó có chính sách trùng với chính sách dành cho nhà giáo nhưng ở mức cao hơn thì được hưởng 1 chính sách có mức cao nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.