Nới quyền cho doanh nghiệp
Như NTNN số 150/2014 đã thông tin, Dự thảo mới nhất của nghị định thay thế Nghị định 84 về cơ chế kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng. Theo đó, các DN xăng dầu sẽ được "nới" thêm quyền tăng giá trong phạm vi 3%, khi các yếu tố đầu vào cấu thành giá cơ sở biến đổi tăng 3% so với giá bán lẻ hiện hành (dự thảo trước đó là 2%). Trước đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đã đề xuất cho các DN kinh doanh xăng dầu được tự quyết định điều chỉnh giá khi yếu tố cấu thành giá biến động ở mức 3%. Theo ông Phan Thế Ruệ- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, trường hợp giá cơ sở tăng 3-7%, DN được tăng 3% cộng thêm 60% mức tăng giá trên 3-7%, 40% còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở trăng trên 7% thì Nhà nước sử dụng các biện pháp bình ổn thông qua Quỹ Bình ổn và thuế.
Cho rằng biên độ điều chỉnh ở mức 3% là hợp lý, tại cuộc họp với Hiệp hội Xăng dầu mới đây, ông Nguyễn Thế Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) cũng cho rằng, mỗi lần có biến động, giá chỉ tăng trong khoảng 3%, tương đương tăng 400- 600 đồng/lít sẽ tránh được tình trạng đầu cơ, găm hàng và người dân cũng sẽ dễ chấp nhận hơn.
Nhà nước khó “cầm cương”
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nhận định dự thảo mới này đã đi “đúng hướng” của DN và việc người dân lo ngại giá xăng dầu sẽ tăng mạnh, liên tục là có cơ sở. Bởi theo ông Thắng, ở 2 nấc đầu (3% và 7%), các DN xăng dầu sẽ chỉ cần kê khai giá tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước vài ngày. Ở nấc thứ 3, khi diễn biến giá xăng dầu tăng cao quá 7%, DN cần phải báo cáo lên bộ quản lý trong 5 ngày để xem xét. Nếu quá thời hạn này, bộ không có hồi âm, DN cũng có thể được phép tự tăng giá. “Không có gì để quản việc tăng giá của DN và cũng chả có “cương” nào kìm được sự tăng giá của DN”-ông Thắng phân tích.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã hơn 10 lần điều chỉnh với các mức tăng trên dưới 300 đồng/lít mà người dân đã “hết hơi”. Nếu nghị định được ban hành đúng như dự thảo thì việc giá xăng dầu tăng liên tục với mức gấp đôi hiện nay sẽ khiến người tiêu dùng không thể chịu đựng nổi. “Tôi không biết dự thảo mới bằng cách nào để kiểm soát được tần suất tăng giá của DN xăng dầu?!”- bà Lan lo lắng. Bà Lan cho rằng, dù dự thảo quy định, khoảng cách tối thiểu giữa 2 lần tăng giá là 15 ngày thì 1 tháng DN vẫn có thể tăng giá xăng dầu 2 lần, tối thiểu là 500-600 đồng/lít và không loại trừ mức tăng còn cao hơn theo sự nới rộng tối đa của dự thảo nghị định này cho phép.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng không đồng tình với quan điểm của nhà soạn thảo nghị định này khi cho rằng, quyền của DN được nới rộng hơn là để tăng tính cạnh tranh cao và với mức này, mỗi lần tăng giá xăng dầu sẽ chỉ vào khoảng 500 đồng/lít, vẫn đảm bảo co hẹp lại so với quyền tăng 7% như quy định trong Nghị định 84 hiện nay. Ông Doanh nói thẳng: “Thị trường xăng dầu chưa hình thành cạnh tranh đúng nghĩa nên việc nới rộng quyền cho DN xăng dầu ắt sẽ khiến giá xăng dầu “nhảy” loạn xạ, người dân, DN không có quyền lựa chọn giá khi mua xăng và quyền lợi của người dân sẽ chỉ ở trong tay một vài DN xăng dầu lớn như hiện nay?!”.
Để “dọn đường” cho việc đưa nghị định xăng dầu vào cuộc sống, Bộ Công Thương cũng đã cho hoạt động trang thông tin minh bạch giá xăng dầu (http://minhbach.vecita.gov.vn). Theo Bộ Công Thương, chuyên trang có chức năng cung cấp đầy đủ, kịp thời tới người dân, DN các văn bản liên quan đến việc điều hành giá. Chuyên trang này sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến giá điện, giá xăng dầu như giá bán lẻ, giá cơ sở, giá thế giới, các yếu tố, chi phí hình thành giá. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng, người dân khó có thể giám sát việc tăng giá của DN nếu chỉ dựa trên các thông tin được công bố này, vì người dân không thể biết, giá xăng dầu thực sự được hình thành như thế nào? Chưa kể, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng nếu vẫn còn tình trạng độc quyền và chi phối thị trường như hiện nay thì không thể cải cách giá xăng dầu được. “Sẽ không có giá thị trường nếu như không có cơ cấu thị trường cho ngành xăng dầu” - bà Lan nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bày tỏ, với năng lực hạn chế trong việc kiểm soát nguyên tắc tính giá xăng dầu của DN như hiện nay, nếu Nhà nước tiếp tục để cho họ tự định giá dù biên độ hẹp cũng sẽ rất nguy hại. DN xăng dầu đang thống lĩnh thị trường sẽ làm mọi cách để tính giá có lợi cho DN mà Nhà nước rất khó "cầm cương", còn người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.