Đưa bệnh viện đến gần người dân

Phương Thảo Thứ ba, ngày 22/01/2019 06:17 AM (GMT+7)
Mô hình “Chuỗi phòng khám đa khoa” của các bệnh viện (BV) công lập trên địa bàn TP.HCM vừa được thí điểm thành lập, giúp mang cơ sở y tế đến gần dân hơn và là một trong nhiều giải pháp hữu hiệu góp phần giảm quá tải ở các BV.
Bình luận 0

Giảm tải cho các BV trung tâm

TP.HCM là địa bàn đông dân cư. Vì vậy, lâu nay hầu hết các BV công trên địa bàn đều rơi vào tình trạng quá tải. Trước nhu cầu của người dân trong việc khám chữa bệnh, để giảm tải cho các BV công đặt tại trung tâm thành phố, đồng thời nhằm giúp người dân rút ngắn thời gian đi lại, không phải chờ đợi lâu, Sở Y tế TP.HCM chủ trương xây dựng các phòng khám đa khoa của BV nhưng nằm ở một vị trí xa BV để phục vụ người bệnh quanh khu vực đó.

img

  Bệnh viện Đa khoa quận Tân Phú luôn trong tình trạng quá tải người bệnh. Ảnh: Đỗ Thảo

Thực hiện phân tuyến bệnh nhân và giảm quá tải ở các BV, số liệu của Bộ Y tế ghi nhận năm 2012 và 2018 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân phải nằm ghép giảm từ 58% xuống 16,7% ở tuyến Trung ương; ở tuyến tỉnh từ 47% xuống 11,4%.

Phòng khám Đa khoa Linh Xuân trực thuộc BV Đa khoa quận Thủ Đức đặt tại phường Linh Xuân,  cách BV này khoảng 10km. BV Thủ Đức đã đưa 18 bác sĩ, 15 điều dưỡng, 4 dược sĩ, 3 kỹ thuật viên X-quang, 4 kỹ thuật viên xét nghiệm và một số nhân viên khác (kế toán, hộ lý) luân phiên công tác tại phòng khám. Bước đầu, phòng khám đã tiếp nhận 750 lượt bệnh nhân/ngày.

Kế hoạch trong năm 2019, BV Đa khoa Thủ Đức sẽ có chuỗi 4 phòng khám đa khoa tại các khu dân cư và khu công nghiệp, khu chế xuất, phấn đấu kéo giảm số lượt khám tại BV từ trên 6.000 lượt/ngày xuống còn trên 3.000 lượt/ngày.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang (điều dưỡng) - Trưởng Phòng khám Đa khoa Linh Xuân cho biết, phòng khám đã giúp giảm tải cho BV Đa khoa quận Thủ Đức phần nào và kịp thời cứu chữa cho nhiều bệnh nhân trong khu vực. Nhờ có phòng khám, bệnh nhân được tiếp cận dịch vụ y tế ngay nơi mình sinh sống.

Hay như tại BV Đa khoa quận Tân Phú, trung bình mỗi ngày có trên 3.000 lượt bệnh nhân đến khám, chỉ đứng sau BV Đa khoa quận Thủ Đức và đang trong tình trạng quá tải. Phòng khám đa khoa vệ tinh của BV ra đời đi vào hoạt động thật sự mang lại nhiều ý nghĩ thiết thực, tạo điều kiện cho người dân đến khám chữa bệnh, một giải pháp cốt lõi giải quyết tình trạng quá tải tại BV.

Giảm chi phí cho người bệnh

img

Phòng khám đa khoa vệ tinh tại phường Tây Thạnh của Bệnh viện Quận Tân Phú. Ảnh: Đ.T

Tại huyện Củ Chi, ngày 5.1 Phòng khám Đa khoa Tân Quy ra đời phục vụ nhu cầu người bệnh khu vực Tân Quy (gồm 6 xã: Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Trung An, Hòa Phú, Bình Mỹ, Phú Hòa Đông). Đây là những xã cách khá xa các BV trên địa bàn, lại là địa bàn tập trung đông dân cư và công nhân với Cụm công nghiệp Tân Quy, Khu công nghiệp Trung An, Khu công nghiệp Đông Nam. Bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen chăm sóc sức khỏe định kỳ, khi phát bệnh nặng mới đến cơ sở khám chữa bệnh nên công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Người dân rất cần dịch vụ y tế vừa gần, vừa đảm bảo chất lượng để chăm sóc sức khỏe được tốt hơn.

Để giải quyết khó khăn này, huyện Củ Chi đã đầu tư nâng cấp sửa chữa Trung tâm Y tế dự phòng thành Phòng khám Đa khoa Tân Quy, trực thuộc BV đa khoa huyện, với đầy đủ các phòng khám, máy móc trang thiết bị mới, đủ để đáp ứng tốt nhu cầu khám và điều trị của các chuyên khoa như một BV thu nhỏ.

Đến Phòng khám Đa khoa Tân Quy vào ngày nghỉ cuối tuần, phóng viên vẫn thấy không khí làm việc nơi đây như ngày thường. Chị Lê Thị Mai - công nhân ở Khu công nghiệp Trung An cho hay: Cũng may là phòng khám ở gần, thứ 7 vẫn làm việc nên chị tranh thủ đưa con đi khám vì cháu bị ho dai dẳng, cả mẹ và con không phải nghỉ làm, nghỉ học vào ngày giữa tuần.

Phòng khám có 16 bác sĩ tham gia khám chữa bệnh mỗi ngày và trực cấp cứu 24 giờ/7 ngày. Với tính năng như một BV thu nhỏ, phòng khám đã và đang trở thành cánh tay nối dài của BV Đa khoa Củ Chi, thực hiện tốt chủ trương đưa dịch vụ y tế chất lượng đến gần và tiết kiệm cho người dân. Mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận từ 180 - 200 bệnh nhân.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế cho hay: “Chuỗi phòng khám đa khoa” của các BV công lập đang khẳng định hướng đi đúng của ngành y tế TP.HCM. Trong năm 2019, Sở Y tế thành phố sẽ mở thêm một số phòng khám ở những khu vực đông dân cư, địa bàn rộng, đặc biệt ở những nơi mà BV tuyến huyện đang trong tình trạng quá tải…".

PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Mục tiêu không còn quá tải vào năm 2020
Quá tải BV tuyến trên tại TP.HCM cũng là thực trạng chung của cả nước mà ngành y tế đang nỗ lực giải quyết với nhiều các biện pháp quyết liệt. Cụ thể như: Đề án giảm tải BV; Đề án cải tiến quy trình khám bệnh; Đề án BV vệ tinh; Đề án Bác sĩ Gia đình; Đề án 1816; Chương trình hành động quốc gia nâng cao năng lực quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng y tế cơ sở...
Nhờ đó, quy trình khám bệnh giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước, giảm trung bình 48,5 phút/lượt chữa bệnh. Nếu như năm 2012, tỷ lệ bệnh nhân phải nằm ghép ở BV tuyến T.Ư là 58%, tuyến tỉnh là 47% thì đến năm 2018, tỷ lệ tương ứng giảm còn 16,7% và 11,4%.
Với việc phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới BV vệ tinh, bao gồm 17 BV hạt nhân và 75 BV vệ tinh là các BV tuyến tỉnh, tình trạng chuyển tuyến, vượt tuyến đã giảm. Mục tiêu của ngành y tế là đến năm 2020 không còn tình trạng quá tải BV.

Ông Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế): Đề xuất bác sĩ trẻ “đi nghĩa vụ” ở vùng sâu
Dự án 585 đặt mục tiêu đến 2020, sẽ có khoảng 300 - 500 bác sĩ trẻ sau khi được đào tạo bác sĩ chuyên khoa I sẽ về công tác tại các vùng khó khăn trên cả nước trong 2 năm. Hiện đã có 14 bác sĩ trong dự án đã nhận nhiệm vụ tại các huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn… Đa số các bác sĩ trẻ đã thực hiện được các kỹ thuật chuyên môn tại tuyến huyện, có bạn đã thực hiện được 60-70 kỹ thuật, trong khi trước đây, có một số huyện chỉ làm được 30 - 40 kỹ thuật. Lượt khám, điều trị nội trú tại các bệnh viện huyện nghèo - nơi các em công tác đang tăng lên đáng kể.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đưa ra tiêu chí để các bác sĩ T.Ư về xã công tác và tiếp xúc trực tiếp với người dân. Đặc biệt, Bộ sẽ tổ chức sơ kết từ thực tiễn và có thể sẽ đề xuất xem xét thành luật về trách nhiệm nghĩa vụ xã hội đối với cán bộ y tế, khi đó sẽ không còn là vận động như hiện nay, mà tất cả các bạn trẻ khi vào ngành này, đều phải xác định, sau khi tốt nghiệp bắt buộc phải đi phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa trong một thời gian. 

Diệu Linh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem