Đưa cây màu xuống ruộng lúa, người Khmer thu nhập gấp bốn

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 26/01/2016 06:30 AM (GMT+7)
Thay vì sản xuất độc canh cây lúa, người dân vùng đồng bào Khmer huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) đã chuyển hẳn sang trồng màu hoặc trồng luân canh lúa – màu. Cùng với sự hỗ trợ của các chính sách nhà nước, việc thay đổi tập quán canh tác trên đã giúp người dân tăng thêm thu nhập.
Bình luận 0

Đưa cây màu xuống ruộng lúa

Theo ông Thạch Ri ngụ ở ấp Nô Lực B, xã Nhị Trường, nhờ trồng luân canh 2 vụ bắp (ngô) giống - 1 vụ lúa mà cuộc sống gia đình trở nên khá hơn. Chỉ với 5.000m2 nhưng mỗi vụ, ông thu lợi khoảng 18 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần trồng lúa.

“Trồng lúa nhiều năm liên tiếp cho năng suất thấp nên tôi quyết định trồng luân canh với cây ngô để vừa cải tạo đất, vừa giúp có thêm thu nhập” – ông Ri nói.

img

Người dân xã Thạnh Hòa Sơn sản xuất 2 vụ màu 1 vụ lúa.  Ảnh: Huỳnh Xây

Cũng như ông Ri, bà Thạch Thị Sa Ri (ngụ ấp Tụa, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang) chuyển trên 1ha đất chuyên sản xuất lúa sang luân canh 2 vụ màu - 1 vụ lúa. Bà Ri cho biết, ruộng của bà là vùng gò cao, thường thiếu nước tưới nên phải làm luân canh. Cũng như nhiều người dân trong ấp, bà chủ yếu trồng ngô giống và đậu phộng (lạc) trong mùa khô (vì mùa này trồng lúa cho năng suất rất thấp - PV) và thu lợi nhuận gấp 3 lần so với trồng lúa.

Bà Phạm Thùy Linh - cán bộ nông nghiệp xã Nhị Trường thông tin: Xã có 80% dân cư là người Khmer. Để giúp bà con cải thiện cuộc sống, từ năm 2012 đến nay, xã đã vận động người dân chuyển đổi nhiều đất lúa sang trồng màu hoặc luân canh. Đối với việc sản xuất ngô giống, người dân trong xã được cung cấp hạt giống và được bao tiêu khi thu hoạch.

Tại xã Trường Thọ, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để thích ứng với tình hình thời tiết thường khô hạn, người dân nhiều ấp, đặc biệt là Cóc Xoài, Nô Pộk đã chuyển sang trồng ngô, đậu, dưa hấu… Qua đó, diện tích trồng màu hàng năm của xã đều đạt trên 850ha.

Hỗ trợ bằng nhiều nguồn

 Đến nay, toàn huyện Cầu Ngang đã chuyển đổi trên 364ha đất trồng lúa sang trồng màu, với 1.087 hộ tham gia. Riêng trong năm 2015, tại 2 xã Nhị Trường và Long Sơn có số diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhiều nhất.

Có được kết quả trên là nhờ ngành chức năng địa phương không ngừng chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích nhân dân sử dụng những giống lúa có chất lượng cao.

Theo đó, nhiều chính sách cũng được ưu tiên đầu tư, từ năm 2011 đến nay, trong quy hoạch vùng lúa chất lượng cao của huyện, đã có 12.266 lượt hộ dân được hỗ trợ vốn, với số tiền trên 6,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông nghiệp đạt được hiệu quả cao, nhất là ở các xã có đông đồng bào Khmer, huyện Cầu Ngang đã tập trung đẩy mạnh việc nạo vét và đào mới hệ thống thủy lợi nội đồng, góp phần đảm bảo trong việc chủ động ngăn mặn, chống hạn.

Ông Dương Văn Đởm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cầu Ngang cho biết: Vùng đồng bào Khmer trên địa bàn huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Qua thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đặc biệt là đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã có những tác động tích cực. Việc độc canh sản xuất lúa đã dần được thay thế bằng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cùng với việc sản xuất mang tính tập trung hàng hóa, có tính cạnh tranh cao... đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem