Đưa đảo xa về giữa lòng thành phố

Thứ ba, ngày 20/09/2011 16:07 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với mỗi người dân VN, Trường Sa là địa danh thiêng liêng, ai cũng mong được có lần tới đó. Một dịp may hiếm có vì tại Bảo tàng TP.Cần Thơ đang trưng bày chuyên đề “Hướng về Trường Sa”. Một Trường Sa thu nhỏ đã xuất hiện giữa lòng thành phố.
Bình luận 0

21 hòn đá san hô

Đây là lần đầu tiên Bảo tàng TP.Cần Thơ tổ chức trưng bày chuyên đề “Hướng về Trường Sa” khá quy mô với hơn 200 hình ảnh tư liệu, hiện vật như: Tư liệu văn bản cổ về vấn đề chủ quyền của VN đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa qua các thời kỳ lịch sử; sản vật, tài nguyên biển của quần đảo Trường Sa; hình ảnh về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ ở vùng thềm lục địa phía nam Tổ quốc…

img
21 hòn đá san hô tượng trưng cho các đảo của quần đảo Trường Sa trưng bày tại triển lãm.

Ấn tượng nhất trong đợt trưng bày này là 21 hòn đá san hô được lấy từ các đảo: Trường Sa, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Sơn Ca, An Bang, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn Đông… Trên mỗi hòn đá san hô nặng hơn 50kg này đều có chú thích tên từng hòn đảo và được sắp xếp tạo thành một “quần đảo”, thể hiện sự đoàn kết thống nhất chủ quyền của biển đảo VN.

Được biết, 21 hòn đá này cùng 10 cây bàng vuông là món quà ý nghĩa của Quân chủng Hải quân và quân - dân huyện đảo Trường Sa vừa gửi tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Cần Thơ nhân dịp Quốc khánh 2.9.

Từ khi trưng bày đến nay, lượng khách đến tham quan và tìm hiểu tăng lên mỗi ngày. Không ai muốn bỏ lỡ cơ hội được hiểu thêm về Trường Sa.

Bạn Nguyễn Quý Hùng - sinh viên ngành xây dựng Trường Đại học Cần Thơ, sau khi xem xong “bản đồ tình hình biển đảo”, cho biết: “Từ trước đến nay em chỉ biết Trường Sa qua các phương tiện thông tin đại chúng, bây giờ được nhìn tận mắt, tiếp cận những hiện vật, nhất là việc biết được những hòn đảo nào là của VN, đảo nào các nước khác đang chiếm giữ… Điều đó giúp em hiểu rõ hơn về lịch sử của Trường Sa, nhận thức rõ hơn về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu”.

Lá cờ của đảo Đá Tây

Nằm trang trọng trong một chiếc tủ kính, mặc dù đã sờn bạc do nắng gió Biển Đông, lá cờ Tổ quốc treo ở đảo Đá Tây được nhiều người xem chú ý. Bởi đó là biểu tượng của ý chí quật cường của cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ đất trời nơi đảo xa này. Với các chiến sĩ đang đóng quân trên đảo, lá cờ là một kỷ vật thiêng liêng bởi nhìn thấy nó là nhìn thấy Tổ quốc, quê hương. Lần này lá cờ sờn bạc màu nắng gió ấy cũng trân trọng được gửi về đất liền.

Triển lãm là dịp để người dân, du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về Trường Sa, Hoàng Sa, qua đó nâng cao ý thức chủ quyền, tình yêu quê hương, đất nước và góp sức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Còn rất nhiều hình ảnh, hiện vật được trưng bày như: Sản vật thiên nhiên ở quần đảo Trường Sa, bao gồm các loại ốc, san hô, đá biển, trái bàng vuông để khô… Đặc biệt, nhiều người rất xúc động khi xem những lá thư viết tay và tấm hình cưới - cầu nối tình yêu giữa người lính đảo và đất liền. Đó là kỷ vật tình yêu của vợ chồng trung úy Đỗ Hoài Văn - Phó Chỉ huy Nhà giàn DKI/11 (quê ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ).

Bên cạnh đó, những phản ánh chân thật từ mọi góc cạnh cuộc sống của quân - dân huyện đảo đã được các phóng viên chuyên nghiệp và nghiệp dư thể hiện qua hơn 200 bức ảnh ghi lại các sự kiện về giải phóng Trường Sa, quá trình xây dựng lại đảo từ năm 1975-1988, nhiệm vụ thiêng liêng nhưng đầy gian lao, khắc nghiệt của người lính giữ đảo hôm nay… Những hình ảnh chân thật, dung dị đó đều thuyết phục được đông đảo người xem.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem