Đưa leo núi Bài Thơ ra khỏi danh sách sản phẩm du lịch mới
Đề xuất đưa "trải nghiệm núi Bài Thơ” ra khỏi danh sách sản phẩm du lịch mới của Quảng Ninh
Thanh Tuyền
Thứ tư, ngày 26/07/2023 14:48 PM (GMT+7)
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, có 2 sản phẩm du lịch của TP.Hạ Long có báo cáo đề xuất đưa ra khỏi danh sách các sản phẩm dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023.
Phố đêm du thuyền, trải nghiệm núi Bài Thơ ra khỏi danh sách sản phẩm du lịch mới
Thông tin với PV, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong năm 2023, dự kiến có 38 sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác.
Trong đó, có 28 sản phẩm du lịch đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm và 10 sản phẩm du lịch dự kiến đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch vào 6 tháng cuối năm 2023.
Đối với 28 sản phẩm du lịch đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm, hiện còn 7 sản phẩm chưa đảm bảo tiến độ do còn gặp một số vướng mắc.
Đặc biệt, trong đó có 2/7 sản phẩm có báo cáo đề xuất đưa ra khỏi danh sách các sản phẩm dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023, đó là "văn hóa, lịch sử, trải nghiệm núi Bài Thơ" và "phố đêm du thuyền".
Còn đối với 10 sản phẩm du lịch dự kiến đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch vào 6 tháng cuối năm 2023, có 3 sản phẩm du lịch trên vịnh Bái Tử Long dự kiến sẽ không hoàn thành đưa vào khai thác theo tiến độ vì liên quan đến các quy định của Luật Lâm nghiệp.
Mặt khác, liên quan đến các sản phẩm du lịch khác trên vịnh Hạ Long đang vướng một số nội dung: Quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị vịnh Hạ Long đến 2020 được đề cập tại Quyết định số 1139/QĐ – UBND ngày 27/4/2015 đã hết hiệu lực. Hiện nay, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đang tổ chức xây dựng lại.
Đề xuất đưa trải nghiệm leo núi Bài Thơ ra khỏi danh sách sản phẩm du lịch mới của Quảng Ninh. Ảnh: QMG
Cũng theo Quyết định số 142/2002/QĐ-TTg ngày 21/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020 và Quyết định số 1139/2002/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020 đang hết hiệu lực.
Hiện nay, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đang tổ chức xây dựng Nhiệm vụ Đề cương quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy việc triển khai các sản phẩm du lịch mới cần đảm bảo phù hợp với các lớp quy hoạch được phê duyệt, đây cũng là nội dung còn vướng mắc chưa thể triển khai ngay một số sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển đảo
Trước đó, ngày 21/12/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định phê duyệt tổng thể quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô đúng với các quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh; phù hợp với tổng thể phát triển sản phẩm du lịch chung của tỉnh Quảng Ninh; hướng đến những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản của các giá trị văn hóa truyền thống, tính nguyên sơ, hấp dẫn, độc đáo của các giá trị tự nhiên, tính tiện nghi, hiện đại của giá trị sáng tạo từ khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, các sản phẩm du lịch biển, đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô sẽ có tính kết nối giữa vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long với khu vực biển đảo Vân Đồn, Cô Tô, Cát Bà (Hải Phòng), các vùng phụ cận dọc theo tuyến đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái và khu vực từ huyện Tiên Yên đến thành phố Móng Cái; phát triển sản phẩm du lịch vịnh Bái Tử Long phải thực sự độc đáo, khác biệt đảm bảo tiêu chí "hấp dẫn, sang trọng, mới lạ, sinh thái, bền vững" góp phần giảm tải cho vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; tạo giá trị gia tăng ngày càng cao trong tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, kinh tế du lịch nói riêng.
"Hiện nay, việc phát triển các sản phẩm du lịch biển đảo nói riêng, du lịch nói chung gặp một số khó khăn, trong đó có nội dung về chính sách, quy hoạch... Vì vậy, trong thời tới các sở, ngành sẽ tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn, kiến nghị cấp có thẩm quyền có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển. Mặt khác, tập trung vào công tác đào tạo phát triển nhân lực, công tác quảng bá xúc tiến" - ông Trịnh Đăng Thanh cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.