Sau mấy tiếng rong ruổi xuồng máy giữa mênh mông sóng nước, chúng tôi tới bản Hé 1, xã Mường Chiên. Nơi đây vốn là địa bàn trung tâm của huyện Quỳnh Nhai, cư dân chủ yếu là bà con dân tộc Thái trắng sinh sống với nghề làm nương, ruộng. Sau khi nhường đất cho lòng hồ Thuỷ điện Sơn La, cuộc sống của nông dân nơi đây khó khăn hơn.
|
Nuôi cá bè, cá lồng đang trở thành nghề có thu nhập cao của người dân vùng hồ Thuỷ điện Quỳnh Nhai. |
Có nghề để sống rồi
Ông Hoàng Văn Ứng - ND bản Hé 1 cho biết: Đất ruộng đã ngập hết. Hơn chục ha lúa ở cốt 215 mà chúng tôi cố gắng sản xuất theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp huyện thì vừa qua nước cũng dâng lên ngập hết rồi. Bây giờ bà con hầu như phải độc canh trên nương với lúa, ngô, sắn. Chăn nuôi đại gia súc cũng bị hạn chế bởi đồng cỏ không còn, nên thu nhập giảm nhiều…
Một chiếc xuồng máy khác từ từ rẽ nước hướng vào bến đỗ đầu bản Hé, những người dân ùa xuống. Anh Điêu Chính Hưng - Trưởng bản Hé 1 cho biết: "Đấy là xuồng của cán bộ khuyến nông đưa cá giống về cho bà con đấy. Sau khi tập hợp nhu cầu phát triển cá lồng của bản, huyện, đã tổ chức tập huấn dạy nghề, hướng dẫn bà con đóng lồng, bè và hôm nay họ đưa cá giống về cho chúng tôi. Vậy là có nghề mới để sống rồi".
Anh Quàng Văn Họp - cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn xã Mường Chiên, cho biết thêm: “Hôm nay chúng tôi chỉ đưa về bản 65kg cá trắm cỏ giống để một số hộ nuôi thử nghiệm, sau khi thành công sẽ nhân rộng thành một trong những nghề có thu nhập chính của địa bàn. Lợi thế mặt nước sẽ được khai thác cao hơn để cải thiện đời sống người dân vùng lòng hồ.
Giúp ND làm ăn lớn
Anh Quàng Văn Họp tâm sự: "Tuy làng bản nằm ở gần sông Đà nhưng bà con ở đây chỉ quen làm lúa nước và gieo trồng trên nương nên đánh bắt, nuôi cá lồng là một nghề rất mới, cần được cầm tay, chỉ việc. Bởi thế khi tổ chức đăng ký nhu cầu hỗ trợ nuôi cá lồng, cả bản chỉ có 5 hộ dám tham gia làm điểm".
Chỉ vào mặt nước mênh mông trước cửa nhà, ông Lò Văn Nè, nói: “Theo kinh nghiệm được tập huấn về nuôi trồng thuỷ sản của cán bộ khuyến nông huyện thì nguồn nước mới lên này có rất nhiều vi sinh vật phù du, là nguồn thức ăn quý cho cá lồng phát triển. Vì thế tôi đã nhận nuôi 1 lồng cá với 250 con giống có trọng lượng hơn 0,2kg/con. Từ nay đến Tết Nguyên đán, tôi sẽ có khoảng hơn 2 tạ cá thịt, vậy là sẽ có hơn chục triệu đồng tiền lãi. Sau đợt nuôi cá này, tôi sẽ rút thêm kinh nghiệm để nhân lên khoảng 3-5 lồng cá, lấy nghề nuôi cá làm thu nhập chính của gia đình”.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, tôi sẽ có khoảng hơn 2 tạ cá thịt, vậy là sẽ có hơn chục triệu đồng lãi.
Ông Lò Văn Nè
Sau khi nhận và thả cá giống xuống lồng, theo phong tục truyền thống, các hộ trong bản mang ra chai rượu uống mừng ngày khởi đầu nghề mới được thuận lợi. Tiếng chạm cốc, lời chúc sức khoẻ, chúc "cá hay ăn, chóng lớn", giục nhau "au hảnh" (uống cạn)… chộn rộn dãy nhà sàn.
Chị Điêu Thị Chu - Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện, vui vẻ: “Những năm trước, chúng tôi đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá lồng, bè tại Chiềng Bằng - một xã thuộc huyện Quỳnh Nhai nằm trong vùng ngập lòng hồ Thuỷ điện Sơn La, với 25 hộ tham gia.
Với nguồn nước mới cá lớn rất nhanh; nuôi 6 tháng đạt trọng lượng từ 1kg trở lên mức mà người mua cả con rất thích vì nó hợp túi tiền và khi ăn cũng đỡ lo xương cá nhỏ dễ bị hóc. Với diện tích mặt hồ cả ngàn ha và nhu cầu thực phẩm trên thương trường hiện nay thì nghề nuôi cá lồng rất hữu ích với bà con vùng nước ngập ở Quỳnh Nhai”.
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.