Đua nhau trồng sắn bán lá cho thương lái "bí ẩn"

Thứ năm, ngày 20/12/2012 06:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc dù việc mua bán ngọn và lá sắn đang diễn ra khá “nhộn nhịp”, nhưng nông dân không hề biết nguồn gốc của những thương lái này ở đâu đến và họ mua ngọn, lá sắn để làm gì?
Bình luận 0

Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn ở Hậu Giang đua nhau trồng cây sắn (khoai mì) để lấy ngọn và lá bán cho thương lái. Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc này chưa bao giờ xảy ra nên nông dân cần cảnh giác.

Bỏ củ lấy lá

Vào thời điểm này, chạy dài theo tỉnh lộ 925 qua địa bàn các ấp: Phước Long, Hưng Thạnh và Phước Hưng, thuộc địa bàn xã Đông Phước A (huyện Châu Thành)… đâu đâu cũng thấy nhà vườn trồng cây sắn chờ bán lá, ngọn, những mong thu được tiền triệu cho mình.

img
Các vườn sắn ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã cao mà không có người đến mua ngọn.

Tiếp chuyện chúng tôi bên ruộng sắn xanh mướt, anh Lâm Văn Hiền, ở ấp Phước Long nói: “Cây khoai mì rất dễ trồng, so với nhiều loại cây khác, ít tốn công chăm sóc, thu hoạch lại mau. Trước đây thương lái chỉ mua ngọn và lá với số lượng ít, nhưng sau đó do sức mua mạnh, lại có giá nên bà con ai nấy cũng hăm hở đổ xô trồng loại cây này”. Anh Hiền cũng cho biết thêm: “Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ mất khoảng 2 tháng. Bình quân, mỗi công cho thu hoạch 1,2 – 1,4 tấn, kể cả ngọn non và lá, với giá bán dao động trên dưới 1.500 đồng/kg, mỗi công có thể thu 18-20 triệu đồng”.

Thế nhưng, cũng theo tìm hiểu của NTNN, thời gian đầu khi diện tích sắn còn ít, thương lái rất tích cực đến mua lá, ngọn; còn hiện tại do có thêm nhiều hộ cũng trồng, cánh thương lái đã bắt đầu ép giá trở lại đối với nông dân. Theo phản ánh của người dân, cứ khoảng 10 ngày hoặc nửa tháng, thương lái mới xuất hiện một lần để mua ngọn, lá sắn cho bà con, nhưng chỉ mua có 1 xe. Gần đây, thương lái ít xuất hiện khiến nhiều bà con trồng sắn ở xã Đông Phước A thấp thỏm âu lo như "ngồi trên đống lửa".

Thương lái “bí ẩn”?

Mặc dù việc mua bán ngọn và lá sắn đang diễn ra khá “nhộn nhịp”, nhưng bà con nông dân ở đây không hề biết nguồn gốc của những thương lái này ở đâu đến và họ mua ngọn, lá sắn để làm gì? Sau thời gian đầu “được giá”, đến giờ giá ngọn, lá sắn đã giảm xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg, nhưng cũng chẳng có mấy thương lái đến mua. Một nông dân tên Tuấn ở xã Đông Phước A nói: “Trước kia, khi ít người trồng sản lượng ít, thương lái tìm đến tận nhà để đặt cọc mua với giá cao, nay cung vượt cầu, tụi tui chờ hoài mà không thấy họ đến mua. Càng để lâu cây khoai mì càng già, nếu không bán được, chỉ còn nước mà chặt bỏ…”.

Trao đổi với NTNN về hiện tượng trên, ông Trần Văn Đức – cán bộ khuyến nông xã Đông Phước A thừa nhận, đúng là phong trào trồng sắn bán lá và ngọn đã xuất hiện tại địa phương vài năm trở lại đây. “Địa phương đã khuyến cáo bà con không nên tăng diện tích khi sản lượng quá nhiều, không tiêu thụ kịp sẽ rơi vào cảnh rớt giá. Do đây là phong trào tự phát, người dân thấy bán có lợi nhuận, nên đổ xô trồng làm cho địa phương rất khó quản lý” - ông Đức cho biết thêm.

Hiện tại, diện tích trồng sắn trên địa bàn xã lên đến gần 10ha. Khi được hỏi về việc, thương lái thu mua ngọn sắn để làm gì, ông Đức nói chỉ biết rằng những thương lái thu mua là người ở huyện Châu Thành và họ nói mua về để làm chất phụ gia nhằm vào mục đích chế biến thức ăn. Khi chúng tôi đề cập xin số điện thoại của thương lái này để tìm hiểu việc chế biến thu mua lá khoai mì thì ông Đức nói rằng mình đã… mất số!

Trong khi đó, ông Trần Quang Hành – Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành chỉ nói: “Do người dân trồng tự phát, nên không có đầu ra là điều tất nhiên!”.

Có thể gây xói mòn đất

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Như Hải - Trưởng phòng Cây lương thực (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cho biết: “Việc nông dân trồng sắn để lấy ngọn, lá bán cho thương lái chưa bao giờ xuất hiện ở trong nước. Nếu có, đây chỉ là hiện tượng xảy ra trên diện nhỏ ở các địa phương khi nông dân chạy theo lợi nhuận trước mắt”.
Theo ông Hải, sắn chủ yếu được bà con trồng ở vùng núi, trung du, cao nguyên với mục đích làm lương thực, thức ăn chăn nuôi hoặc làm nguyên liệu sản xuất xăng Ethanol. Ở một số vùng có hiện tượng nông dân lấy lá sắn để làm dưa muối ăn trong gia đình. Do đó, nông dân cần cảnh giác với những mánh khóe của các thương lái ở trong nước hoặc nước ngoài.
Về góc độ khoa học, ông Hải cho biết, khi thu hoạch lá non, quá trình quang hợp của sắn sẽ giảm dẫn đến hậu quả là sắn không xuống củ được hoặc nếu xuống củ thì năng suất sẽ giảm nhiều. Được biết, trong quy hoạch phát triển các vùng trồng sắn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Hậu Giang không phải được quy hoạch trồng sắn, bởi trồng sắn quá mức sẽ gây xói mòn, rửa trôi đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem