Đức sẽ tiên phong từ bỏ điện hạt nhân

Thứ ba, ngày 31/05/2011 07:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ trưởng Môi trường Đức Norbert Roettgen ngày 30.5 tuyên bố, tới năm 2022 Đức sẽ ngừng hoạt động tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở nước này.
Bình luận 0

Điều này đồng nghĩa với việc Đức trở thành nước công nghiệp lớn đầu tiên trên thế giới từ bỏ điện hạt nhân.

Lường trước mối nguy khủng khiếp

Tại cuộc họp kéo dài từ đêm 29.5 đến sáng 30.5, lộ trình “khai tử” điện hạt nhân của Đức được vạch ra rõ ràng: Hiện tại, 7 lò phản ứng cũ nhất đã được lệnh ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, nhà máy hạt nhân Kruemmel cũng không được phép hoạt động trở lại.

Sáu nhà máy hạt nhân nữa sẽ ngừng hoạt động vào năm 2021. Cuối cùng, 3 nhà máy hạt nhân mới nhất được xây dựng sẽ bị "khai tử" vào năm 2022. Bộ trưởng Rottgen khẳng định: "Đây là một quyết định nhất quán, dứt khoát và rõ ràng".

img
Người dân biểu tình phản đối điện hạt nhân ở Đức giờ đã có thể yên tâm trước quyết định này.

Đức là một trong những nước đầu tiên nhìn thấy những mối nguy hiểm khủng khiếp và phản đối các chương trình phát triển năng lượng hạt nhân. Những quan chức làm trong ngành năng lượng của Đức cho rằng, việc đóng cửa các nhà máy hạt nhân sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hạ tầng cơ sở ngành công nghiệp nước này. Tuy nhiên, bất chấp những tranh cãi, Chính phủ Đức vẫn quyết tâm xử lý mạnh tay và cho đóng cửa các nhà máy.

Hiện tại, cả châu Âu đang xem lại các dự án điện hạt nhân và Đức là nước tiên phong để Anh, Thụy Sĩ và Phần Lan có quyết tâm đi đến những quyết định tương tự.

“Ngả mũ” trước dân

Trên thực tế, để có được quyết định mang tính đột phá này, không chỉ có nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Angela Merkel, mà còn do làn sóng áp lực từ dư luận người dân Đức. Điển hình về mối lo ngại của Đức là tại ngôi làng Biblis bên bờ sông Rhine, nơi có lò phản ứng lâu đời nhất nước này.

Đa phần người địa phương làm việc trong nhà máy, nhưng năm ngoái nhiều người vẫn nổi giận khi bà Merkel cam kết kéo dài thời gian hoạt động cho các nhà máy điện hạt nhân trên cả nước thêm 12 năm, sau thời hạn ngừng vận hành vào năm 2021 theo thiết kế ban đầu.

Đức có 17 lò phản ứng hạt nhân trên toàn lãnh thổ, 8 trong số này hiện không phát điện. 7 trong số 8 lò phản ứng không hoạt động này là những cơ sở phát điện hạt nhân lâu năm nhất của Đức.

Cùng với những hiểm họa từ cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản từ hồi tháng Ba vừa qua, người dân Đức đã gia tăng áp lực lên Chính phủ, yêu cầu phải xem xét kỹ lưỡng mọi kế hoạch về phát triển hạt nhân, cũng như đóng cửa vĩnh viễn những nhà máy hạt nhân đã lỗi thời.

Thủ tướng Merkel đã thành lập ủy ban đánh giá kiểm tra các nhà máy hạt nhân tại nước này sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima số I của Nhật Bản, trước khi đi đến quyết định “lịch sử” này.

Tuy nhiên, Đức cũng đồng thời phải đối mặt với việc tìm nguồn năng lượng thay thế, để bù vào 22% sản lượng điện năng được tạo ra từ các nhà máy điện hạt nhân hiện nay. Bộ trưởng Môi trường Roettgen ngay lập tức trấn an dư luận với lời khẳng định Đức không đứng trước nguy cơ thiếu điện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem