|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng |
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng chỉ rõ: “Hơn 10 năm qua năm nào cũng thiếu điện. Cử tri nói các vị đừng tranh luận về nguyên nhân nữa mà hãy làm đi cho dân nhờ”. Theo ông Đáng, kỳ họp này nên yêu cầu lãnh đạo EVN phải đến báo cáo và giải trình trước Quốc hội để tìm giải pháp.
Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) cũng khá gay gắt khi đề cập tới tình hình EVN: “Là doanh nghiệp độc quyền sản xuất, nhận được nhiều ưu ái vì là “con cưng” của nền kinh tế, khi có thành tích thì vơ vào, thử hỏi vai trò đầu tàu ở đâu khi mà thiếu điện triền miên nhưng cứ hứa tới, hứa lui”.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cũng nêu, EVN có tiền để đầu tư chứng khoán, tài chính, có hàng nghìn tỷ đồng thưởng Tết nhân viên thì “hà cớ gì không có tiền đầu tư các dự án điện và liên tục đòi tăng giá”.
Giải trình tại hội trường, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Theo dự báo, trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2015, bình quân mỗi năm nhu cầu điện tăng khoảng 16 - 17%. Trên thực tế trong các năm qua từ năm 2007 đến năm 2010, nhu cầu điện cũng tăng ở mức 15 - 16%. Như vậy, việc dự báo là sát thực tế.
Tuy nhiên lý do chính mà người đứng đầu Bộ Công Thương đưa ra lại không khớp với ý kiến của các ĐB. “Nguyên nhân chính dẫn đến thiếu điện là thiếu vốn đầu tư cho các công trình điện. Nhất là trong giai đoạn năm 2008 và năm 2009, đứng trước ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, Chính phủ thực hiện thắt chặt chi tiêu, trong đó có giải pháp hạn chế đầu tư cho điện” - Bộ trưởng Hoàng nói.
Bộ trưởng Công Thương cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ dù khó khăn đến mấy trong năm 2011 phải đảm bảo nhu cầu điện cho các nhu cầu sản xuất thiết yếu và phục vụ cho đời sống của nhân dân. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc tăng cường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình điện, Bộ Công Thương đang rà soát lại các dự án sử dụng điện không hiệu quả hoặc lãng phí, đặc biệt là các dự án sản xuất thép.
Sỹ Lực - Linh An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.