Tại hội thảo “Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học” vừa mới diễn ra, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, để loại bỏ vấn nạn này, cần kíp phải thành lập trung tâm giám định, lưu trữ bản thảo gốc tác phẩm của các tác giả trong tiến trình lịch sử văn học VN.
Đừng biến các trang in thành… nghĩa địa chữ
Có lẽ không quá muộn cho sự lên tiếng, từ nhiều góc độ để khắc phục vấn nạn trong cách ứng xử với các tác phẩm văn chương, học thuật - trước đây là nạn cửa quyền và bây giờ là sự tham tiền của những “ông chủ” xuất bản lớn nhỏ, để dần dần có được một môi trường lành mạnh, góp vào việc chấn hưng giáo dục và trong sạch hóa đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội.
TS Cao Đắc Điểm cho rằng, những sai sót trong hoạt động xuất bản gần đây chủ yếu nằm ở sách tái bản. Hầu hết các lần tái bản chỉ dựa theo nội dung của bản in thành sách đầu tiên vốn đã bị kiểm duyệt (thời Pháp thuộc) hoặc các tái bản trước đây có sẵn lỗi sai lệch nhưng không được chỉnh sửa. Dẫn chứng về điều này, ông Điểm chỉ rõ: Cuốn“Lều chõng” (Ngô Tất Tố) được NXB Hội Nhà văn tái bản năm 2014 đã bị cắt bỏ gần 20 chỗ (câu hoặc đoạn văn).
Điển hình nhất là ba đoạn văn viết về “Bói Kiều”, về “Đầu đề bài thi với chú giải của chính Ngô Tất Tố”, và cả một đoạn dài gần 450 chữ thuật lại việc “Làm bài thuê” ngay tại trường thi cũng đã bị cắt bỏ khỏi sách; hay cuốn“Việc làng”, NXB Hội Nhà văn tái bản năm 2014 đã cắt bỏ hai đoạn văn quan trọng so với nguyên tác: một đoạn ở phần 6 - “Góc chiếu giữa đình” và một đoạn ở phần 12 - “Một tiệc ăn vạ”.
GS Phong Lê cho rằng, không kể một cuốn từ điển của tác giả Vũ Chất soạn ở miền Nam trước 1975 được nhiều NXB cho in lại và lưu hành để phổ cập kiến thức cho học sinh nhằm mục đích kiếm tiền, với nhiều sai lệch, rất có hại cho đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi, thì một trường hợp tiêu biểu mà ông biết đó là Nam Cao. Tác giả đã qua đời cách đây hơn 60 năm, sách của ông được tái bản không biết bao nhiêu lần, và khi sục vào để tìm kiếm, so sánh với bản in trước năm 1990 (mới chỉ là trước 1990 chứ chưa phải bản gốc hoặc bản in lần đầu), gia đình nhà văn đã thấy vô vàn sự “tam sao thất bản”.
“Có thể xem những hành động này hiện nay là một cuộc thảm sát, một trận B52 trong văn chương nhằm biến các trang in thành… nghĩa địa chữ! Thật quá là buồn cho Nam Cao, càng buồn cho cách làm ăn của các ông chủ xuất bản và người biên tập thời nay. Ẩu với bất kỳ ai cũng đã là hỏng. Ẩu với Nam Cao thì đó là đã xúc phạm đến hương hồn nhà văn, bởi Nam Cao là một tấm gương cực kỳ cẩn trọng về nghề, và bởi văn Nam Cao là một thứ văn để đời”, GS Phong Lê bức xúc.
Cuốn “Búp Sen Xanh” bị cắt xén nội dung và vi phạm bản quyền nghiêm trọng
Lao động sáng tạo đang bị coi nhẹ
Trong khi nội dung tác phẩm đã bị làm sai lệch quá nhiều, vậy mà vấn đề bản quyền lại càng bị xem nhẹ hơn. Theo TS Cao Đắc Điểm, để thế hệ trẻ, trước hết là học sinh, tiếp cận, khai thác và sử dụng những tác phẩm văn học của tiền nhân là quan trọng. Nên nhuận bút không chỉ là sự bảo đảm về quyền tác giả, mà lớn hơn là sự trân trọng của hậu thế đối với tài sản của tiền nhân.
Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC), vấn đề trả tiền tác quyền hiện nay đang rơi vào…bế tắc. Bởi, đơn cử trường hợp ứng xử văn minh với quyền tác giả sách giáo khoa hiện nay là không có. Theo báo cáo của Trung tâm, từ đầu tháng 4.2014, sau khi tiến hành rà soát, khảo sát sách giáo khoa tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 và sách Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12 của NXB Giáo dục, Trung tâm ghi nhận có nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ như Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng, Trần Đăng Khoa, Tố Hữu, Nguyễn Quang Thiều, Phan Thị Thanh Nhàn, Ngô Văn Phú… được sử dụng, nhưng đến nay, nhiều tác giả vẫn chưa được chi trả tiền nhuận bút. Thời gian qua, Trung tâm đã có nhiều buổi làm việc với đại diện NXB Giáo dục nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất về cách tính số tiền bản quyền.
Trong khi đó, đơn cử như bài thơ được nhiều thế hệ học sinh nhớ là Mẹ vắng nhà ngày bão của nhà giáo Đặng Hiển (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), được in lần đầu trong sách giáo khoa lớp 4 năm 1981, rồi chuyển xuống sách giáo khoa lớp 3 và sau nhiều lần sửa đổi, đã 30 năm có lẻ, vậy mà khi được hỏi NXB Giáo dục có trả tiền bản quyền hay nhuận bút cho ông không?
Nhà giáo Đặng Hiển cho biết: “Hồi đó, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi chọn bài thơ của tôi, in vào sách giáo khoa xong thì nhà xuất bản cũng biếu tôi 1 cuốn cùng 50 đồng gọi là tiền nhuận bút. Cách đây khoảng chục năm, sau khi soạn lại sách giáo khoa tôi cũng được tặng thêm 1 cuốn nữa và 100.000 đồng, bằng nhuận bút một bài thơ đăng báo”.
Trước hành động coi nhẹ này, về phía Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, nhà thơ Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, trong tháng 12 này, Trung tâm sẽ tiếp tục làm việc với NXB Giáo dục nhằm thống nhất phương thức chi trả phù hợp, đúng luật và bảo đảm quyền lợi hai bên.
Đây sẽ là tiền lệ thiết lập cách ứng xử văn minh, đồng thời đưa trục liên kết làm sách giữa nhà xuất bản với cộng đồng văn học, bao gồm các tác phẩm văn học cũng như các nhà thơ, nhà văn, về đúng quỹ đạo. Cùng với đó, để tránh tình trạng làm sai lệch nguyên tác của các tác phẩm trong quá trình in ấn sử dụng, VLCC sẽ sớm thành lập một bộ phận lưu trữ tác phẩm gốc.
(Theo Báo Văn Hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.