Nguy hiểm như... sách nhảm

Thứ bảy, ngày 17/01/2015 16:27 PM (GMT+7)
Năm mới 2015, sau khi xốc lại đội hình, chấn chỉnh lại trật tự, mong rằng ngành xuất bản sẽ lấy lại niềm tin ở bạn đọc đã nhiều năm dành tình cảm cho một nghề âm thầm nhưng hữu ích này....
Bình luận 0

Sách nhảm lấm lưng

Nhìn lại năm 2014, nhiều cuốn sách nhảm nhí lần lượt phơi mặt trên báo. Đa số các cuốn sách nhảm nhí bị báo chí điểm đến đều lấm lưng. Sách phải bị thu hồi, NXB phải chịu xử phạt. Đầu tiên phải kể đến những cuốn sách dành cho cho thiếu nhi, những mầm non tương lai của đất nước. Trong sách “Hỏi đáp nhanh trí” của nhiều NXB (trong đó có NXB Văn hóa Thông tin) đã cung cấp những câu hỏi đáp hết sức nhảm nhí, như: “Loại người nào không cần kiểm tra X-quang vẫn biết được bên trong? Đáp án: Người lòng lang dạ thú”. “Ai là người không chịu nghe lời? Đáp án: Người điếc”. Hoặc: “Làm thế nào để học sinh không ngủ gật trên lớp?”, Đáp án là: “Cho nghỉ học”...

Đến cuốn Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh, thì có tới 5 NXB (Thanh niên, Trẻ, Văn hóa Thông tin, Từ điển Bách khoa và Hồng Đức) liên đới, tham gia in ấn và phát hành ấn phẩm có những định nghĩa hồ đồ, với 7 phiên bản khác nhau của tác giả Vũ Chất. Rồi sách pháp luật “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” của NXB Lao động - Xã hội ra đời thì chềnh ềnh trên bìa là hình ảnh diễn viên hài Công Lý cởi trần, quần siêu nhân... khoe cơ thể.

img

Một trong nhiều cuốn sách nhảm bị phát hiện năm 2014...

 

Vì thế, ngay lập tức nó đã bị thu hồi và NXB phải nộp phạt 128 triệu đồng. Cùng nội dung cuốn sách này, một bìa sách khác lại in hình chiếc cân một bên tiền đô la Mỹ và một bên đồng hồ.

Gộp chung lại, NXB Lao động - Xã hội chịu nộp phạt 252 triệu đồng. Những tưởng đến đây là chấm dứt sách sách nhảm. Đầu tháng 12/2014 lại xuất hiện sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” do NXB Văn hóa Thông tin phát hành, mang nhiều hình ảnh phản cảm và nội dung có nhiều nhận định không được kiểm chứng. Hình ảnh các danh tướng của Việt Nam thời cổ đại, trung đại và cận đại được vẽ như nhân vật kiếm hiệp trong phim chưởng Hồng Kông... Năm vị nữ tướng của phong trào Tây Sơn được vẽ theo phong cách tranh manga, chibi của Nhật Bản. Còn binh khí mà các danh tướng sử dụng toàn là binh khí trong game online nhái từ mạng mà ra. Bên cạnh đó, những kiến thức lịch sử về các danh tướng hiện đại sai sót khá nhiều đến nỗi ngay thân nhân của các vị tướng lĩnh cũng lên tiếng phê phán.

Bán danh ba... xu

Thực tế hiện nay, người am hiểu ngành đều biết rằng xuất bản đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn về kinh tế là tình hình chung của cả nước, ngành nào cũng đều gặp phải, chỉ là ở những mức độ khác nhau. Vì thế, không thể viện cớ “túng” mà làm bậy. Đặc biệt, xuất bản sách không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần.

Sách là tài sản trí tuệ lưu truyền cho đời sau. Nói như nhà văn Vũ Đức Sao Biển, tác giả và những người làm công tác xuất bản thì có quốc tịch nhưng quyển sách ra đời lại không có biên giới. Người xưa thường dạy bảo: “Nói có sách”. Nay in nhiều sách nhảm nhí bán ra thị trường thì, một là người làm xuất bản tự khinh nghề của mình, họ tự hạ thấp giá trị con người của mình; hai là họ coi thường bạn đọc, cũng chính là những khách hàng đang nuôi sống họ. Người đọc bỏ tiền thật ra để mua hàng dởm, chắc chắn lần sau sẽ không bao giờ quay lại.

Việc gây dựng thương hiệu các NXB của những thế hệ đi trước đã bỏ nhiều tâm huyết, nay để thương hiệu xuống cấp đã là một nỗi buồn, để thương hiệu bị bạn đọc quay lưng càng ê chề hơn. Nhiều bạn đọc có trình độ thẳng thắn chia sẻ rằng, cầm sách lên mà thấy tên NXB A, NXB C... là không bao giờ mua! Thật đúng là các NXB “mua danh ba vạn” nhưng bán danh chỉ... ba xu - tên thể loại sách giải trí rẻ tiền trước 1945.

Vì sao NXB mất danh, mất giá như vậy?

Lý do đầu tiên là người làm công tác xuất bản không hiểu giá trị văn hóa của sách.

Nhiều lãnh đạo các NXB đã phải than vãn rằng họ đang phải dọn đống phế thải do lãnh đạo tiền nhiệm để lại từ vi phạm bản quyền, sai sót nội dung cho đến cả vi phạm quy định quản lý Nhà nước. Tương tự như thế, cũng có lãnh đạo các NXB đương nhiệm than thở, mai sau sếp tôi về hưu thì ai lên kế nhiệm đều phải dọn rác đến khổ! Hiện nay, Luật Xuất bản chưa có chế tài xử phạt và truy cứu trách nhiệm những người viết sách cẩu thả, xuyên tạc lịch sử, đầu độc tâm hồn trẻ thơ. Trăm sự đều đổ lên đầu NXB.

Vì thế, cần bổ sung thêm Thông tư hoặc điều chỉnh Luật Xuất bản để xử lý nghiêm những đối tượng biên soạn sách ẩu, sách có nội dung nhảm nhí. Đồng thời phải nói thêm rằng, Bộ Tư pháp cần đời sống hóa nội dung điều 271 của Bộ Luật Hình sự: “Người nào vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”. Đây là hành động góp phần bảo vệ sự trong sáng của ngành xuất bản, bảo vệ các NXB đứng đắn và các người viết sách có tâm huyết với cuộc sống và có trách nhiệm với người đọc.

Năm mới 2015, sau khi xốc lại đội hình, chấn chỉnh lại trật tự, mong rằng ngành xuất bản sẽ lấy lại niềm tin ở bạn đọc đã nhiều năm dành tình cảm cho một nghề âm thầm nhưng hữu ích này...

(Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem