Phạm Hoài
Thứ năm, ngày 31/10/2024 16:55 PM (GMT+7)
Xứ Mường (Hòa Bình) là cái nôi của người Việt cổ, đến nay bao dấu tích văn hóa phong phú và đặc sắc được người Mường nơi đây vẫn được lưu giữ và bảo tồn.
Chiêng Mường – nét đẹp văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống cũng như lễ hội của bà con người Mường, là trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, tạo những điểm nhấn cho du lịch Hòa Bình.
Cồng chiêng - di sản vô giá của đất Mường
Đất Mường non xanh nước biếc từng làm bao du khách đắm say. Trải qua bao thăng trầm, xứ Mường vẫn còn lưu giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp. Ngoài trường ca sử thi "Đẻ đất, đẻ nước", người Mường ở Hòa Bình còn lưu giữ được nhạc cụ vô cùng quen thuộc, đó là chiêng.
Nói như nghệ nhân dân gian thầy Mo Bùi Văn Lựng ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc: "Chiêng là nhạc cụ gắn bó mật thiết với người Mường như cơm ăn nước uống vậy. Nó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa".
Còn ông Nguyễn Văn Thực (ở phường Thái Bình, TP.Hòa Bình) là người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về văn Mường và sưu tập cồng chiêng. Trong ngôi nhà nhỏ của ông có đủ các loại nhạc cụ, từ chiêng nhỏ đến chiêng to. Mỗi loại nhạc cụ tương đương với thanh âm cuộc sống.
Theo ông Thực, cuộc đời người Mường từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường ma luôn gắn bó với cồng chiêng. Người Mường coi mỗi tiếng chiêng đều có hồn riêng. Âm thanh của cồng chiêng như tiếng đồng vọng của núi rừng, sông suối hòa nhịp tiếng nói, hòa quyện với nhịp thở của mỗi người dân bản Mường. Khi dàn chiêng được tấu lên làm nên hồn vía trong không gian của đất Mường và hồn vía ấy là sự cộng hưởng của những tâm hồn riêng đã hoà làm chung của mỗi người tham gia tấu chiêng.
Chiêng Mường được sử dụng khá linh hoạt, tuỳ theo từng công việc, từng nghi lễ có thể sử dụng đơn chiếc, thành dàn nhỏ từ 2 - 3 chiếc, song chủ yếu được họ sử dụng theo dàn. Một dàn chiêng đầy đủ có 12 chiếc chiêng to nhỏ khác nhau, do 12 người cầm, tấu theo những bản nhạc, điệu thức nhất định. Tên gọi của chiêng cũng được gọi theo thứ tự từ 1 đến 12. Chiêng 1 nhỏ nhất, có âm cao nhất. Tiếp đến là chiêng 2, 3, 4… đến chiêng 12. Chiêng 12 lớn nhất có âm trầm nhất.
Được biết, năm 2016, chiêng Mường Hòa Bình đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chiêng Mường được bảo tồn, phát huy rộng khắp vào các dịp lễ hội, trong các sự kiện của tỉnh, huyện, địa phương; được quảng bá, giới thiệu trong các sự kiện chính trị, văn hoá ở khu vực và toàn quốc, trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Mường Hoà Bình; là sản phẩm du lịch hấp dẫn, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời làm nên bản sắc văn hoá truyền thống xứ Mường Hòa Bình.
Theo thông tin từ Sở VHTT&DL tỉnh Hòa Bình, trong những năm vừa qua, ngành văn hoá tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực như: Xây dựng 1 làng văn hóa truyền thống; hàng chục làng văn hóa du lịch cộng đồng cấp tỉnh; thực hiện được gần 30 đề tài khoa học về văn hóa, dân tộc; đầu tư thực hiện được gần 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, hàng trăm lớp dạy chữ dân tộc; phục dựng, duy trì 59 lễ hội.
Đất Mường có lợi thế là gần Thủ đô lại có phong cảnh thiên nhiên hữu tình làm say lòng người. Tỉnh Hòa Bình cũng xác định, phát triển ngành công nghiệp không khói này là xu hướng tất yếu. Việc đánh giá và nâng tầm các điểm du lịch cộng đồng là rất cần thiết. Để du lịch cộng đồng phát triển mạnh hơn, các hộ dân đã cùng nhau xây dựng thành vùng, thành lập HTX, công ty để cùng nhau làm du lịch.
Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có 5 bản du lịch cộng đồng được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng 3 - 4 sao, gồm: Du lịch cộng đồng Hang Kia (chủ thể là HTX Dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia); du lịch homestay bản Lác - chủ thể HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp và dịch vụ xóm Lác, xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu); Du lịch cộng đồng Đá Bia - Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Đà Bắc, xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc); Du lịch cộng đồng xóm Ngòi - Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Ngòi Hoa, xã Suối Hoa; Du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (huyện Tân Lạc).
Bên cạnh danh lam thắng cảnh đẹp mê lòng người, tỉnh Hòa Bình có 41 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích cấp tỉnh, nhiều công trình văn hóa, danh thắng, làng nghề truyền thống trải rộng trên khắp địa bàn tỉnh đã cho thấy Hòa Bình là điểm đến lý tưởng, có thể phát triển du lịch bền vững, nhất là trong lĩnh vực du lịch cộng đồng.
Để đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh phát triển bền vững, xứng tầm. Tỉnh đã quy hoạch nhiều vùng du lịch nhằm kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào. Những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình cũng thực hiện chính sách hỗ trợ cho khu vực nông thôn có ưu thế để phát triển du lịch, trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo dựng cảnh quan sạch đẹp, môi trường trong lành; giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn.
Trong năm vừa qua, tỉnh Hòa Bình cũng chú trọng đến phát triển du lịch theo hướng hiệu quả, an toàn. Các địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, gắn với tiềm năng văn hóa, tự nhiên vốn có. Đặc biệt, nắm bắt xu hướng du khách hiện nay thích tìm về môi trường tự nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa, Sở VHTT&DL đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng (homestay).
Việc gắn kết với các điểm tham quan, du lịch sinh thái, trải nghiệm nghỉ dưỡng, tạo thành các tour khép kín cũng được tỉnh chú trọng. Nổi bật trong phát triển du lịch cộng đồng có thể kể đến một số mô hình ở các huyện như: Mai Châu, Kim Bôi, Đà Bắc, Tân Lạc…
Theo Sở VHTTDL Hòa Bình, toàn tỉnh hiện có trên 500 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 10 khách sạn 3 sao. Năm 2024, tỉnh dự kiến đón 4,2 triệu lượt khách tham quan, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 4.600 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.