Đừng chần chừ đi khám khi ho, sốt, sút cân, coi chừng bị mắc bệnh lao

PV Thứ tư, ngày 03/11/2021 20:33 PM (GMT+7)
Không ít người dân khi mắc các triệu chứng ho khan, sốt về chiều nhưng chỉ tự mua kháng sinh về uống. Đến khi bệnh nặng đi khám mới biết bị mắc bệnh lao.
Bình luận 0

Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, mới đây bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân D (28 tuổi) có địa chỉ tại huyện Hà Quảng, đến khám trong tình trạng đau tức ngực, ho khan, khó thở, người mệt. 

Theo lời kể của bệnh nhân, bệnh khởi phát đã mấy tháng nay, mới đầu xuất hiện ho khan, có lúc có đờm, sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân, người bệnh tự uống kháng sinh nhưng không đỡ, sau đau tức ngực, khó thở ngày càng tăng nên đến viện khám và điều trị.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân các bác sỹ đã thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả siêu âm và chụp cắt lớp lồng ngực, phát hiện màng phổi trái có nhiều dịch tự do. Bệnh nhân được chẩn đoán tràn dịch màng phổi chưa rõ nguyên nhân. 

Đừng chần chừ đi khám khi ho, sốt, sút cân, coi chừng bị mắc bệnh lao - Ảnh 1.

Các bác sĩ tiến hành hội chẩn và thống nhất chỉ định chọc dò màng phổi trái. Kết quả dẫn lưu được 1000ml dịch màu vàng chanh, gửi xét nghiệm làm phản ứng Rivalta, định lượng protein và sinh thiết làm giải phẫu bệnh.

Khai thác tiền sử có triệu chứng của mắc lao như mệt mỏi, sút cân, sốt về chiều dai dẳng và các triệu chứng của tràn dịch màng phổi như đau ngực, khó thở, ho khan. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán xác định là lao màng phổi và được điều trị theo phác đồ điều trị tràn dịch màng phổi do lao.

Do lo ngại về dịch Covid-19, hiện nay nhiều người dân đã ngần ngại đi khám khi xuất hiện các triệu chứng bệnh, trong đó có triệu chứng mắc bệnh lao. Nếu người mắc lao càng chần chừ đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời thì nguy cơ bị bệnh nặng và lây bệnh lao sang người khác càng cao. 

Theo TS Nguyễn Kim Cương, Trưởng khoa Lao hô hấp (Bệnh viện Phổi Trung ương), nếu người dân xuất hiện các triệu chứng hô hấp bất thường, ho, sốt thì nên hạn chế tiếp xúc với người khác, tuân thủ biện pháp phòng chống dịch 5K. 

Sau đó, người dân có thể gọi điện đến cơ sở y tế gần nhất để thông báo tình hình sức khỏe, nghe tư vấn qua điện thoại để có cách xử lý kịp thời với triệu chứng bệnh của mình. Dù mắc bệnh gì cũng phải được phát hiện và điều trị ngay. 

"Đối với bệnh lao nếu để lâu, phát hiện muộn, bệnh sẽ nặng lên, dẫn đến nhiều biến chứng, vi khuẩn kháng thuốc, quá trình điều trị khó khăn hơn, nguy cơ lây lan trước đó cho cộng đồng lớn hơn", TS Cương cho biết. 

Các bác sĩ chuyên khoa lao Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cũng khuyến cáo, những người đang mắc bệnh lao thì cần điều trị thật tích cực, tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ, uống thuốc đúng giờ, đều đặn, đủ thời gian để tránh tái phát (6 - 8 tháng), không nên chủ quan, không được bỏ thuốc đang điều trị. 

Đồng thời người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng cũng như tập luyện một cách hợp lý để giữ gìn và nâng cao sức khỏe chống lại bệnh tật. Những người đã từng mắc bệnh lao đã điều trị khỏi cũng rất cần đi khám bệnh theo định kỳ để được theo dõi một cách nghiêm túc đề phòng bệnh tái phát.

Người bệnh cần chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi, dinh dưỡng cần được quan tâm chú ý nâng cao thể trạng. Chế độ ăn giàu protein, giàu vitamin, ăn nhiều hoa quả tươi, đảm bảo đủ năng lượng. Kiêng rượu, bia và các chất kích thích, không hút thuốc lá để phòng các bệnh về đường hô hấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem