Đừng cố nhồi nhét khiến học sinh sợ không muốn học trực tuyến

Chủ nhật, ngày 12/09/2021 19:39 PM (GMT+7)
Nếu cố nhồi nhét, ép học sinh ngồi lâu sẽ phản tác dụng, không những không hiệu quả trong thu nhận kiến thức mà còn khiến các em sợ hãi không muốn học trực tuyến.
Bình luận 0

Trong hoàn cảnh nhiều phụ huynh, học sinh (HS) còn mơ màng với học online, nhiều em thiếu thốn về phương tiện học tập, người thầy hơn ai hết vừa là người đồng hành vừa là người bạn với các em. Dạy học online không chỉ là máy móc và phần mềm mà cốt lõi là ý tưởng dạy học của giáo viên (GV).

Sáng tạo để "giữ" học trò

Trước khi được phân công làm GV chủ nhiệm lớp 1 năm nay, tôi đã ghi chép các ý tưởng để làm sao có thể làm quen với các em một cách nhanh nhất.

Biến hóa để dạy trực tuyến bậc tiểu học - Ảnh 1.

Một giờ học trực tuyến của học sinh tiểu học tại TP HCM (Ảnh: LÂM TÀI)

Theo quy định của bậc tiểu học tại TP HCM, các em bắt đầu tuần thực học đầu tiên từ ngày 20-9. Trong gần 2 tuần đầu chủ yếu để các em làm quen thầy cô, lớp học. Qua vài ngày làm quen với lớp, thực tế là HS rất hào hứng khi có cô, có bạn, khác hẳn với lo lắng ban đầu các em sẽ rụt rè, khó bắt nhịp.

Tôi bắt đầu lớp học bằng một đoạn phim tự giới thiệu về ngôi trường, về GV chủ nhiệm, các tiêu chí đánh giá HS để động viên các em. Sau đó, lần lượt đến từng HS trong lớp sẽ giới thiệu về mình. Buổi đầu làm quen diễn ra suôn sẻ, HS còn hẹn cô khi nào hết dịch sẽ cùng đi chụp hình ở khu công viên sát bên trường, đòi cô dẫn đi ăn kem ở quán bên cạnh. Nhiều em còn rất hồn nhiên tranh luận với bạn là ăn gà rán ngon hơn. Buổi tập trung thứ 2 của lớp có sự tham gia của cả phụ huynh. Sau khi nhờ phụ huynh hướng dẫn con trong giờ giấc, sử dụng phương tiện, để họ không cảm thấy ngại, GV cũng nhắn nếu có chuyện tế nhị, phụ huynh bất kể thời gian nào cũng đều có thể nhắn riêng với cô để cùng nhau giải quyết.

Dù đã lường trước một số trở ngại nhưng các tin nhắn của phụ huynh sau đó mới khiến tôi thấm thía những khó khăn mà các HS năm nay đang gặp phải. Lớp học có 45 em thì đã có gần nửa số này có ba, mẹ hoặc cả ba và mẹ đều đang ở tuyến đầu chống dịch, có em HS trong hè đã về quê tận Quảng Ngãi mà không thể vào nhập học… Hầu hết những em này đều phải nhờ ông, bà, kể cả người giúp việc để hướng dẫn. Tuy nhiên, các GV rất cần nắm rõ hoàn cảnh từng em, từ đó mới có thể có cách giảng dạy phù hợp.

Không quá lệ thuộc vào thiết bị

Hầu hết GV và kể cả phụ huynh đều nghĩ dạy học trực tuyến thì thiết bị là tối quan trọng. Thật ra thiết bị chỉ là điều kiện cần, quan trọng nhất là ý tưởng dạy học của GV, trên cơ sở ý tưởng bám sát các mục tiêu dạy học và yêu cầu cần đạt.

Ngay từ đầu tháng 8, các GV trong trường đã cấp tập tổ chức những buổi sinh hoạt trực tuyến để thảo luận về bài giảng, cách thức tiếp cận học trò. Năm nay, GV có một thuận lợi là SGK được biên tập theo chủ đề, nên khi soạn giảng, các cô cũng làm clip bài giảng theo chủ đề. Các cô theo từng khối lớp cùng làm và mang ra tổ thảo luận, góp ý từng bài giảng, khi ưng ý nhất mới chuyển đến HS. Rồi trong từng lớp, tùy điều kiện từng HS thế nào để giảng dạy. May mắn của GV là được ban giám hiệu hỗ trợ để các thầy trong tiết dạy của mình không gò bó hay ép mình, ép trò theo một khuôn mẫu nào.

GV có thể dạy 20 phút, 1 giờ hay 2 giờ miễn là HS thích thú và hào hứng với tiết dạy và hôm sau có thể bớt thời gian lại nếu thấy các em đã ngồi quá lâu bên màn hình. Chẳng hạn như thay vì bắt đầu vào bài học mới, chúng tôi cho các em chơi một trò chơi, qua chơi mà học. HS nào không thể tham dự tiết học hôm đó, GV sẽ gửi clip hoặc một yêu cầu nhỏ thông qua đoạn clip đó để các em có thể tự nắm bắt được một bài học nho nhỏ. Dạy học trực tuyến không phải là bê nguyên xi phương pháp dạy học trực tiếp lên mạng mà cần có phương pháp riêng. Khi đã có phương pháp thì GV sẽ tự do trong các ý tưởng, cách soạn bài và cách truyền đạt đến các em. Dạy học online không thể trông chờ hay lệ thuộc vào phương tiện hiện đại nhất mà cần xác định phương tiện nào phù hợp nhất.

Khi dạy học trực tuyến, nắm vững tâm lý lứa tuổi, đặc biệt các em nhỏ là điều quan trọng. Các em khó tập trung hơn người lớn, nếu giờ học không thú vị thì khó "lôi kéo" các em ngồi lại, vì vậy cốt lõi của một tiết học trực tuyến là phải ngắn gọn. GV chỉ nên chọn lọc và xác định nội dung trọng tâm, loại bỏ những thông tin rườm rà không cần thiết.

Trong quá trình soạn bài, GV cũng cần tổ chức nội dung giảng dạy thành các nhóm khác nhau, như nhóm bài nào cần tương tác trực tiếp, nhóm nào ở phần bài tập, nhóm bài nào để HS tự học và gửi lại kết quả… Trong quá trình dạy học online, việc tạo ra một kênh tương tác, phản hồi với HS cũng là điều cần thiết. Chẳng hạn, sau một tuần học, có thể tạo nhóm để các em nói lên suy nghĩ, cảm nhận của mình và GV điều chỉnh cho phù hợp.

Lan tỏa tới phụ huynh

Trong vài ngày đầu, GV có thể nhờ phụ huynh hướng dẫn HS cách sử dụng thiết bị học tập. Trong đó, bao gồm cả những cảnh báo để giữ an toàn tuyệt đối cho các em. Nếu phụ huynh nào quá khó khăn, GV có thể phân loại để có giúp đỡ như gửi bài qua Zalo, Viber, thậm chí gọi video để hướng dẫn. Bản thân GV cần thấy việc dạy online là dễ dàng thì mới lan tỏa đến phụ huynh và HS được.

Tít bài do báo Dân Việt đặt

Hoàng Thị Mai Hương (giáo viên tại TP HCM) (nld.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem