Giữ hình ảnh đẹp về Điện BiênCách đây không lâu, nạn “chặt chém” giá cả trở thành đề tài nóng với bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khi đặt chân đến Điện Biên. Khách sạn, nhà nghỉ, phòng trọ đều quá tải, các dịch vụ ăn uống đều “kịch trần” giá khiến không ít người “chóng mặt”. Theo ghi nhận của NTNN khoảng 2 tuần trước, mọi dịch vụ đều có giá rất chênh lệch so với ngày thường.
Anh Mạnh Tuấn, một đồng nghiệp có nhiều chuyến tác nghiệp Điện Biên thời gian gần đây cho biết: “Cách đây 2-3 tháng, chi phí sinh hoạt khi tác nghiệp tại Điện Biên không đắt đỏ. Nhưng từ giữa tháng 4, điều này thực sự là một vấn đề khi nhóm công tác của chúng tôi gồm 3 người nghỉ chân uống 3 cốc nước dừa bị tính giá 200.000 đồng”. “Cơn bão giá” được truyền thông phản ánh rất kỹ, khiến lễ kỷ niệm ít nhiều bị ảnh hưởng.
Sơ duyệt diễu binh trong Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Vnexpress
Nhưng thực tế, khi thời gian đến đại lễ được đếm ngược, các cơ quan chức năng và chính người Điện Biên đã làm mọi việc có thể để ngày vui được trọn vẹn. Trao đổi với chúng tôi, bà Ngọc Anh, chủ khách sạn Ngọc Anh trên đường Võ Nguyên Giáp khẳng định:
“Giá cả có sự chênh lệch so với ngày thường là không thể tránh khỏi. Nhưng chúng tôi cũng như các chủ khách sạn khác cũng rất nỗ lực tạo điều kiện để mọi người hạn chế chi phí khi đến Điện Biên, đặc biệt với những đoàn khách là cựu chiến binh”. Ở Điện Biên, vẫn còn những phòng nghỉ có giá cả hợp lý, khoảng 300.000-400.000 đồng cho 2-3 người ở”.
Thậm chí, bà Ngọc Anh còn cho biết, nếu có cả một đoàn các cựu chiến binh muốn ôn cố, tri tân, khách sạn sẽ không hạn chế số lượng người ở trong một phòng.”Nếu nâng giá thì vừa có lỗi với bản thân, vừa làm xấu hình ảnh Điện Biên”, bà chủ chia sẻ.
Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại, Điện Biên vào lúc này luôn trong tình trạng cháy phòng nghỉ tính đến hết ngày 7.5 nên các chủ khách sạn, phòng trọ đành khuyến cáo những du khách lên kế hoạch muộn có sự chia sẻ với địa phương trong những tình huống khó khăn bất khả kháng.
Khi “bộ đội ta tiến quân trở về”
Từ ngày 5 - 7.5, Công an tỉnh Điện Biên đã có kế hoạch về việc phân luồng giao thông. Cụ thể từ 5h đến 10h30 ngày 5.5, cấm đường Quốc lộ 6 từ thị trấn Tuần Giáo đến đèo Pha Đin, đường 297 giáp địa phận Tuần Giáo để phục vụ đoàn đua xe đạp. Từ 21 đến 22 giờ ngày 7.5, cấm đường Trần Đăng Ninh, Nguyễn Hữu Thọ để phục vụ chương trình bắn pháo hoa mừng lễ kỷ niệm.
|
Điện Biên khi “giờ G” của lễ kỷ niệm sắp điểm còn nhiều bộn bề. Một số công trình chào mừng chiến thắng lịch sử chưa hoàn thành, công tác tổ chức chưa hoàn hảo, nhưng tấm lòng người dân Tây Bắc thì vô cùng rộng mở. Thời tiết ở Điện Biên những ngày qua dao động từ 32-35 độ C, khá oi bức, nóng nực, nhưng không khí chào mừng ngày hội lớn không vì thế mà bị ảnh hưởng.
Câu chuyện về ngày giải phóng dường như trở thành chủ đề chính của mỗi người dân, khi ai cũng ý thức mỗi việc làm nhỏ là sự đóng góp thiết thực. Ông Nguyễn Văn Đô - Tổ trưởng tổ 27, phường Him Lam cho biết:
“Hơn một tuần qua, những hội viên người cao tuổi phường tôi sáng nào cũng tổ chức quét dọn đường phố. Đấy là việc bình thường khi ai cũng nỗ lực vì thành phố xanh, sạch, đẹp chào mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Trên sân vận động tỉnh Điện Biên ở phường Mường Phăng, bất chấp khó khăn về thời tiết, hơn 1.500 người thuộc các khối diễu binh, diễu hành vẫn tích cực tập luyện. Theo dự kiến, sáng nay (5.5), lễ tổng duyệt sẽ được thực hiện. Trao đổi nhanh với NTNN, thiếu uý Lê Toàn Thắng, một thành viên trong các khối diễu duyệt bộc bạch: “Được tham gia lễ duyệt binh là một vinh dự lớn, là kỷ niệm sâu sắc với quân nhân trẻ như tôi. Mọi khó khăn đều được khắc phục bởi đây là sự tự hào lớn lao, là sự tri ân với thế hệ cha ông 60 năm trước”.
Nhưng xúc động nhất là những đoàn cựu chiến binh khắp mọi miền tìm về Điện Biên. Đoàn cựu chiến binh tỉnh Bình Định đã có mặt rất sớm. Họ đến thăm hầm Đại tướng tại Mường Phăng trong sự buồn vui lẫn lộn. Ông Trần Lê Tú, cựu chiến binh nghẹn ngào: “Hồi xưa, tụi tui “nhảy” núi ra khu theo kháng chiến chống Mỹ bởi mình có một Điện Biên Phủ làm điểm tựa…
Điện Biên đã thắng, đuổi được thực dân Pháp. Nhưng ra Bắc, đến Điện Biên đúng hồi anh Văn đã hoà mình vào đất mẹ Quảng Bình, chúng tôi buồn lắm. Giữa niềm vui của ngày đại lễ, tôi mong tất cả đều hướng đến điều tốt đẹp nhất, đừng để Đại tướng buồn!”.
Lê Đức- Đức Hiếu (Lê Đức- Đức Hiếu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.