Đừng để dân “sống treo” theo dự án

Thứ hai, ngày 04/03/2013 06:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều nông dân kiến nghị: Cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quy hoạch cũng như tiến độ thực hiện quy hoạch, đồng thời phải tham vấn ý kiến người dân sở tại khi xây dựng quy hoạch...
Bình luận 0

Quy định trách nhiệm nhà quy hoạch

Tại xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có dự án công viên bể bơi của huyện được quy hoạch từ năm 1997. Đã 15 năm trôi qua nhưng quy hoạch chưa thực hiện, người dân sống trong vùng quy hoạch chưa nhận được đền bù để di dời nhưng lại bị “treo” quyền lợi chính đáng đối với mảnh đất họ được pháp luật thừa nhận quyền sử dụng. Trong suốt thời gian quy hoạch “treo” này, người dân không được cải tạo, sửa chữa nhà ở dù nhà ở của họ có thể xuống cấp trầm trọng. Bà Vũ Thị Nga dự định xây lại căn nhà cũ dột nát vào năm 2005, khi làm xong phần mộc buộc phải dỡ bỏ vì đất nằm trong quy hoạch (trong khi bà đã đầu tư hơn 100 triệu đồng). Giờ đây gia đình bà Nga và nhiều nhà khác vẫn phải sống trong tình trạng tạm bợ.

img
Tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Như vậy, một dự án với mục đích làm tăng chất lượng cuộc sống cho người dân, thực tế lại gây phiền hà, thiệt hại cho cuộc sống của người dân, và nó đã kéo dài 15 năm mà vẫn chưa biết khi nào mới giải quyết được.

Chuyện quy hoạch “treo” làm ảnh hưởng cuộc sống bình thường của người dân và cả các cơ hội tự cải thiện cuộc sống của họ đã được phản ánh rất nhiều, có ở tất cả các tỉnh diễn ra tham vấn (Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Bình, Long An). Trong khi người dân thường phải chịu ảnh hưởng xấu nhiều nhất, dễ thấy hậu quả nhất, thì vấn đề “chịu trách nhiệm cụ thể” lại rất khó thấy đối với hầu hết các cơ quan làm quy hoạch, thực hiện quy hoạch.

Từ những câu chuyện trên, người dân kiến nghị: Bên cạnh quy định về chức năng của đơn vị, cấp chính quyền làm quy hoạch, Luật Đất đai (sửa đổi) và các nghị định liên quan cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan làm quy hoạch, cơ quan sử dụng quy hoạch, để quy hoạch không vi phạm quyền của người dân.

Nhu cầu minh bạch thông tin

Đi cùng với quy hoạch “treo”, việc mù mờ, thậm chí mù tịt thông tin về quy hoạch đất đai là hiện tượng được hầu hết người dân tham vấn phản ánh. Câu chuyện của ông Lê Văn Lâm ở thôn Ba Phúc Đồng, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình là một ví dụ. Ông Lâm được nhận toàn bộ đất nhà của bố mẹ để lại trước năm 1990. Năm 2000, đường Hồ Chí Minh đi qua xã Phúc Trạch và cắt qua đất gia đình ông. Khi con đường hoàn thành, toàn bộ đất và nhà của gia đình ông nằm trong phạm vi quy hoạch 31,5m (tính từ tim đường ra 2 phía) trong hành lang an toàn giao thông và sẽ thực hiện giải tỏa ở giai đoạn 2 đường Hồ Chí Minh (vào năm 2020).

Cũng như tình cảnh bà Vũ Thị Nga nói trên, ông Lâm và những người sống trong khu vực quy hoạch không biết phải ổn định cuộc sống như thế nào. Ở lại thì không được phép xây nhà đàng hoàng, đi thì không được, vì chưa ai nói cho họ biết có hay không tiền bồi thường, hỗ trợ di dời. Gần đây, nhà ông Lâm bị sụp một phần, ông mua vật liệu về xây lại thì bị cơ quan quản lý đường Hồ Chí Minh đến lập biên bản, đình chỉ xây dựng với lý do vi phạm hành lang giao thông. Tiếc số vật liệu đã chở về, gia đình ông tiếp tục dựng nhà nên lại bị lập biên bản và đưa ra UBND xã xử lý. UBND xã cũng không biết phải xử lý và phạt thế nào đối với trường hợp dân xây dựng trên đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ.

“Từ hồi Nhà nước làm quy hoạch đường đến giờ, chẳng thấy thông báo gì cho dân biết là được ở đến đâu, làm đến đâu, cũng chẳng có kế hoạch di dời đền bù để dân đảm bảo cuộc sống, ổn định sản xuất, yên tâm công việc...” - ông Nguyễn Thanh Mừng, đại diện cho nhóm nông dân xã Phúc Trạch tham gia hội thảo tham vấn cấp tỉnh ở Quảng Bình phát biểu.

Tạo cơ chế cho dân tham gia quy hoạch

Tại Long An, hoạt động tham vấn người dân do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An thực hiện. Sau 2 tháng triển khai hoạt động tham vấn tại 4 xã, thị trấn của 2 huyện Đức Hòa và Mộc Hóa, Hội đã tổng hợp thành 6 nhóm kiến nghị về sửa đổi nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:

Nhiều người dân mong muốn các nhà làm luật nên nhấn mạnh tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc có ích cho dân, dù nhỏ cũng hết sức làm, việc có hại cho dân dù nhỏ cũng hết sức tránh” trong sửa đổi nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Cần có cơ chế để người dân tham gia ngay từ khâu xúc tiến quy hoạch (lấy ý kiến trực tiếp của những hộ dân trong khu vực dự kiến quy hoạch và thông báo tại các cuộc họp dân đối với các hộ không có liên quan trực tiếp); thông báo trên loa đài, pano, áp phích, niêm yết tại xã...

- Quy hoạch cần tính đến đặc điểm của địa phương, tránh tình trạng quy hoạch “treo”. Khi có thay đổi về quy hoạch liên quan đến đất đai thì người dân phải được thông tin và giải thích một cách cụ thể, chi tiết để hiểu và có kế hoạch phù hợp trong cuộc sống và sản xuất.

- Cần quy định thời gian thực hiện quy hoạch: Cấp T.Ư tối đa 10 năm, cấp tỉnh tối đa 3 năm, huyện tối đa 2 năm nhằm hạn chế quy hoạch “treo”. Trung ương quy hoạch tổng thể, tỉnh, huyện quy hoạch cụ thể.

- Quy hoạch nên nghiên cứu về môi trường, kết cấu hạ tầng để hạn chế ảnh hưởng đến người dân. Nên sử dụng đất phi nông nghiệp để quy hoạch các khu công nghiệp.

- Quy hoạch đến đâu, giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến đó.

- Cần có cơ chế để hạn chế tối đa việc chủ đầu tư được cấp phép xong thì thay đổi, điều chỉnh quy hoạch.

Ý kiến người dân phải được coi trọng

Trong tháng 11 và 12.2012, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Tổ chức Oxfam đã thực hiện tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành hoạt động tham vấn tại 9 xã, phường thuộc 4 huyện và thành phố.

Cán bộ xã, phường và người dân góp ý nhiều vấn đề, trong đó về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, họ đều có chung ý kiến: Người dân không được hỏi hay tham gia ý kiến vào việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Điều này đã dẫn đến việc nhiều dự án quy hoạch không phù hợp với thực tế và không đảm bảo quyền lợi của người dân, khiến người dân không đồng thuận với việc thực hiện quy hoạch ở xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn. Do thông tin về quy hoạch mà người dân ở đây nắm được hầu hết là những lời đồn thổi và không có thông tin chính thức từ doanh nghiệp hoặc chính quyền địa phương nên người dân hoang mang, lo lắng. Người dân thường có xung đột với các công ty doanh nghiệp, dẫn đến việc chính quyền địa phương phải đứng ra giải quyết nhiều lần.

Công tác quy hoạch, lập kế hoạch quản lý sử dụng đất của xã tuân thủ theo quy trình của Nhà nước. Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể của xã Phúc Tiến được lập lại năm 2011 theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập: UBND huyện thuê tư vấn lập quy hoạch cho xã. Tư vấn hoạt động mang tính độc lập. Họ tự đi làm nhưng họ chưa hiểu nhiều về địa hình, thổ nhưỡng và văn hóa của xã. Trong quá trình thực hiện, không thấy cán bộ tư vấn lấy ý kiến của các ban ngành và tiếp xúc với người dân mà chỉ gặp và trao đổi với chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã nên dẫn đến người dân không biết đóng góp ý kiến, giám sát trong quá trình xây dựng quy hoạch và lập kế hoạch quản lý, sử dụng đất như thế nào?

Vấn đề cần góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là khâu xúc tiến quy hoạch cần phải được tham vấn người dân sở tại. Chế độ thông tin cần công khai minh bạch, hình thức thông tin phù hợp để người dân nắm được để chủ động tiếp nhận, góp ý khi chưa hợp lý và ủng hộ khi quy hoạch phù hợp với thực tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem