Dùng di sản như... “ghế ngồi”

Thứ tư, ngày 05/09/2012 06:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi công trình “làm mới” nhà Tổ và gác Khánh tại chùa Trăm Gian (Hà Nội) bị đình chỉ, nhiều giải pháp đã được tính đến trong việc làm thế nào để khôi phục công trình này.
Bình luận 0

Phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền.

Được biết ông vừa có chuyến khảo sát tại chùa Trăm Gian sau khi có sự cố. Với con mắt của một chuyên gia về di sản, ông nhận định thế nào về tình trạng bị xâm phạm của di tích này?

- Có thể thấy sự việc này được báo chí dồn dập phản ánh, tạo nên một dư luận bức xúc trong xã hội khiến nhiều bên lúng túng. Việc tháo dỡ gác Khánh và nhà Tổ chùa Trăm Gian khi không được phép thì là phạm pháp, nhưng cũng phải đánh giá công bằng, hai kiến trúc nhà Tổ và Gác khánh đó có giá trị như thế nào với toàn bộ ngôi chùa?

img
Một phần Chùa Trăm Gian được “làm mới”.

Thực tế nó chỉ là kiến trúc phụ, nếu có kiến thức về văn hóa nghệ thuật thì người ta sẽ nhận thấy rằng nó không phải là cái đại diện cho ngôi chùa, tòa thượng điện mới là đại diện, gác chuông phía trước mới là đại diện. Đứng về niên đại, kiến trúc ấy với kết cấu của nó và những hình thức sử dụng hoành (đòn đỡ mái), xà là sản phẩm của đầu thế kỷ XX và cùng lắm là cuối thế kỷ XIX, chẳng có cái gì là nghìn năm ở đây cả.

Vậy theo ông, chúng ta phải làm thế nào để sửa chữa những sự cố đã xảy ra tại hai kiến trúc phụ của chùa?

- Cái mà nhà chùa dỡ là thực sự hư hỏng, khi nó hư hỏng thì nó không thể tồn tại được, tuy nhiên chúng ta có thể sửa lại, chấn chỉnh lại cái sai lầm ấy – sai lầm không phép của nhà chùa. Ở đây, kể cả nhà Tổ cơ bản được làm theo lối “bào trơn, đóng bén” và mọi dấu tích nghệ thuật không vượt quá cuối thế kỷ XIX. Thực ra là hướng giải quyết là nhân chuyện này, chúng ta sẽ sửa cái kiến trúc cho đồng bộ với chùa.

Qua vấn đề chùa được tháo dỡ mà không có phép để xảy đến một tình trạng như hiện nay, có thể thấy sự phân cấp quản lý của ngành văn hóa đang rất có vấn đề, thưa ông?

- Ở dưới chế độ chúng ta, sự phân cấp không có nghĩa là trao cho một trách nhiệm tuyệt đối từ A đến Z, sự phân cấp có mức độ khác nhau, không có nghĩa là rũ bỏ trách nhiệm với cấp dưới. Văn hóa thì có ngành dọc, từ cơ quan văn hóa trung ương rồi đến sở, đến phòng văn hóa huyện và có văn hóa xã. Bao giờ cũng vậy, dù cho di tích đó có giá trị đến đâu đi nữa, quản lý trực tiếp vẫn là xã, làm sao Bộ VHTTDL có người quan tâm đến từng di tích một. Theo thống kê, ở nước ta có đến 40.000 di tích, trong đó khoảng trên 3.000 di tích đã được xếp hạng, không ai có thể quản lý hết được.

Vậy phải chăng chỉ có cơ quan văn hóa xã là có lỗi trong toàn bộ chuyện này?

- Tôi cho rằng vì trong nhận thức với di sản văn hóa chưa có bệ đỡ của trí tuệ nên đã có sự lúng túng trong giải quyết. Sở VHTTDL Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ và xã không có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm chính. Thực sự xã chỉ là người quản lý trực tiếp nhưng không phải người quản lý về chuyên môn, họ chỉ là người bảo vệ. Xã chỉ nghĩ đến chuyện làm sao cho di tích khang trang, họ tưởng đó là thành tích chứ không phải tội lỗi. Và hiểu biết pháp luật chưa ăn sâu vào các cơ sở, các tổ chức bảo vệ như vậy thì làm sao tránh khỏi tình trạng các di tích bị xâm hại như chùa Trăm Gian.

Tôi thấy chỉ có ở Hà Nội mới có Ban Quản lý di sản và Phòng Di sản cùng song song tồn tại, hai cơ quan đó chính ra phải nhập với nhau làm một, để riêng sẽ còn tình trạng “cha chung không ai khóc”. Người ta nghĩ đến bản thân nhiều hơn di sản, dùng di sản như ghế để ngồi chứ không phải để tôn vinh di sản.

“Xóa bỏ một ngôi chùa là một hành động vi phạm pháp luật, có tội với quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng ta phải nâng niu từng mảng chạm của cha ông vì những mảng chạm chính là lịch sử”.

Theo ông, qua vụ việc ở chùa Trăm Gian, chúng ta nên xử lý thế nào với các cá nhân vi phạm Luật Di sản?

- Vi phạm vào di tích là vi phạm pháp luật. Tôi muốn đặt câu hỏi, tại sao những người vi phạm pháp luật ở những lĩnh vực khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà vi phạm di tích thế này lại chưa ai bị truy cứu? Tuy nhiên theo tôi vụ chùa Trăm Gian không đáng truy cứu, vì có nhiều di tích khác bị xâm hại đáng truy cứu hơn, họ còn xóa trắng luôn.

Với tôi, việc phát hiện ra gác Khánh và nhà Tổ của chùa Trăm Gian bị tháo dỡ, các nhà báo lên tiếng để báo động là tốt, nhưng bảo từ đó phải xử lý thì là một cú đánh chưa trúng đích, vì nó nhiều công trình đã bị xóa trắng từ lâu rồi mà có ai bị sao đâu?

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem