Binh sĩ Ấn Độ. Ảnh: Getty
Tờ Guardian hôm 1/9 đưa tin, lính đặc nhiệm Ấn Độ thiệt mạng là trường hợp đầu tiên được xác nhận liên quan tới 2 vụ xung đột biên giới Trung - Ấn diễn ra trong vòng 48 tiếng, làm gia tăng căng thẳng giữa 2 cường quốc ở châu Á. Các vụ xung đột mới nhất diễn ra chỉ 2 tháng sau vụ đụng độ khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng.
Ấn Độ và Trung Quốc cáo buộc quân đội của nhau tìm cách vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở khu vực Ladakh đêm 29/8 và ngày 31/8.
Không bên nào công bố thương vong nhưng Namgyal Dolkar Lhagyari, một thành viên của chính quyền Tây Tạng đang sống lưu vong, nói với báo chí rằng một binh sĩ Ấn Độ gốc Tây Tạng đã "hy sinh trong cuộc đụng độ" đêm 29/8.
Theo Namgyal, một thành viên khác của Lực lượng Biên giới Đặc nhiệm (SFF) - lực lượng bao gồm nhiều người gốc Tây Tạng - đã bị thương trong vụ đụng độ.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cáo buộc binh lính Trung Quốc đã "thực hiện các hoạt động quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng" tại khu vực biên giới đêm 29/8.
Quân đội Trung Quốc tố ngược lại rằng binh sĩ Ấn Độ "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc" khi vượt qua LAC hôm 31/8 và yêu cầu quân đội Ấn Độ rút lui.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 1/9 cho rằng Trung Quốc đã châm ngòi cho vụ đụng độ mới nhất "ngay cả khi các chỉ huy lục quân của 2 bên đang thảo luận để xuống thang căng thẳng".
Báo chí Ấn Độ dẫn nguồn tin quân sự cho biết, quân đội Trung Quốc đã cố chiếm các đỉnh đồi gần hồ Pangong Tso (ở độ cao 4.200 mét) mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng cho biết quân đội nước này "đã tăng cường củng cố các vị trí và ngăn chặn các ý định đơn phương thay đổi thực địa của Trung Quốc".
Tờ Business Standard cho biết, chính phủ Ấn Độ không bình luận về hoạt động của lực lượng SFF.
Thời báo Hoàn cầu hôm 1/9 đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Bắc Kinh luôn cam kết duy trì ổn định dọc biên giới Trung Quốc - Ấn Độ và sẽ không là nước đầu tiên làm phức tạp tình hình hoặc leo thang căng thẳng.
Ranh giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ chưa được phân định nên nảy sinh nhiều tranh chấp, theo ông Vương. "Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của mình và chúng tôi sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại với Ấn Độ", Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm.
Hai quốc gia với số dân đông nhất nhì thế giới đã tăng cường hàng chục nghìn quân đến khu vực biên giới tranh chấp kể từ cuộc xung đột đầy bạo lực hôm 15/6 với những nắm đấm và gậy gỗ gắn đinh.
Ấn Độ cho biết 20 quân nhân nước này đã thiệt mạng và hàng chục quân nhân khác bị thương. Trung Quốc thừa nhận có thương vong nhưng không tiết lộ con số cụ thể. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đổ lỗi cho nhau về vụ xung đột "chết chóc nhất" trong nhiều thập kỷ của 2 nước.
Kể từ vụ xung đột hồi tháng 6, ngoài việc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, Ấn Độ đã tăng cường sức ép kinh tế lên Trung Quốc và liên tục cảnh báo Bắc Kinh rằng mối quan hệ giữa 2 bên sẽ rạn nứt hơn nếu quân đội Trung Quốc không rút khỏi khu vực biên giới tranh chấp.
Ấn Độ đã cấm ít nhất 49 ứng dụng điện thoại thuộc sở hữu của Trung Quốc, bao gồm cả TikTok. Ngoài ra, New Delhi còn ngăn các công ty Trung Quốc tiếp cận các hợp đồng kinh doanh và giữ hàng hóa Trung Quốc tại các đồn hải quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.