UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định về thiết kế mẫu vỉa hè đô thị trên địa bàn thành phố. Theo đó, hơn 100 tuyến phố tại thủ đô sẽ được lát đá tự nhiên hoặc gạch bê tông vân đá, gạch block.
Hơn 1 tháng nay, gạch ốp vỉa hè trên phố Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu được thay thế bằng gạch bê tông bọt CLC hay còn gọi là gạch vân đá.
Theo công nhân làm việc tại đây, những viên gạch bê tông vân đá này có kích thước 40 x 40 x 05 cm, nặng khoảng 14 kg, có màu xám giống đá nên thường được gọi là gạch bê tông giả đá, được sản xuất tại một nhà máy ở Văn Giang (Hưng Yên).
Gạch bê tông vân đá có nguyên liệu chính gồm xi măng, tro từ nhiệt điện, cát mịn, phụ gia tạo bọt hoặc khí, vôi. Để gạch đạt độ chín tiêu chuẩn phải phơi khô khoảng 30 ngày và quá trình này phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.
Vỉa hè ven hồ Tây được lật lớp gạch cũ để thay mới khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Trong khi đó, đá tự nhiên chỉ được sử dụng để ốp vỉa, gốc cây.
Rễ của một số cây xanh bị cắt gọt cho vừa kích thước của những viên đá ốp.
Trong thời gian tới, vỉa hè của hơn 100 tuyến phố trên nhiều quận, huyện ở Hà Nội được thay thế bằng lớp gạch mới với điều kiện đã hạ ngầm hệ thống dây nổi, đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi, các công trình kiến trúc hai bên đường đã được xây dựng ổn định, đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang mặt tiền các tuyến phố.
Hiện nay, một số tuyến đường như Thanh Niên có tới 5 loại gạch, đá khác nhau được sử dụng để lát vỉa hè.
Đường Võ Chí Công mới được đưa vào sử dụng cách đây 4 năm cũng nằm trong danh sách thay đá lát vỉa hè khiến người dân không khỏi băn khoăn về tầm nhìn trong việc quy hoạch và cải tạo, chỉnh trang hè phố ở thủ đô.
Một số tuyến phố cổ như Hoàng Diệu, Cửa Đông, Hàng Bài, Phố Huế, Nam Ngư... có gạch lát vỉa hè vẫn trong tình trạng sử dụng tốt, liệu có cần thiết phải thay thế hàng loạt hay không là thắc mắc của nhiều người dân.
Việt Linh (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.