Đó là khẳng định của ông Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên là lãnh đạo trong ngành thương mại (nay là Bộ Công Thương) khi trả lời phỏng vấn phóng viên xung quanh kết quả kiểm tra doanh nghiệp xăng dầu mà Bộ Tài chính vừa công bố.
|
Theo ông Thắng, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có lãi nhưng luôn kêu lỗ. |
Thưa ông, kết quả thanh tra DN xăng dầu mà Bộ Tài chính vừa công bố đã cho thấy một thực tế là các DN xăng dầu lãi, nhưng luôn kêu lỗ để không giảm giá bán lẻ xăng dầu. Vậy đạo đức trong kinh doanh xăng dầu ở đây được nhìn nhận như thế nào?
- DN xăng dầu lãi nhưng luôn kêu lỗ là sự thật, sự thật từ lâu rồi, nên chúng ta đừng nói tới đạo đức trong kinh doanh xăng dầu. Sự thật là cái gì có lợi thì họ làm bởi kinh doanh xăng dầu độc quyền quá lâu rồi. DN quen với việc họ được hô thanh thế, được ưu ái, chăm bẵm từ lâu, nên khó bỏ.
Không cứ xăng dầu mà ngành kinh tế độc quyền nào trong trường hợp đó cũng vậy, các DN cũng luôn tìm cái lợi cho họ mà thôi. Chính vì thế mà DN thì lỗ nhưng lương của lãnh đạo, nhân viên thì cao, thưởng thì to... Đạo đức kinh doanh có lẽ không đem lại lợi lộc gì nên người ta không cần nghĩ đến.
Nhưng bản thân các DN xăng dầu cũng "kêu" rằng, họ bị soát xét quá nhiều, trong khi định mức kinh doanh thì được quy định sẵn, có những thời điểm những quy định này không phù hợp với thực tế kinh doanh nên DN phải "lách", dẫn tới việc buôn bán thiếu minh bạch, thưa ông?
- Hiện nay, các DN xăng dầu đang dành một "sân sau" để đề phòng "thời thế" thay đổi; nghĩa là phòng trường hợp việc kinh doanh của họ sẽ bị kiểm soát, theo dõi chặt thì DN vẫn có dư địa để mà tránh. Bản thân các DN cũng ý thức được rằng, chắc chắn thời "hoàng kim" trước kia sẽ phải thay đổi, không còn được như trước nữa nên nếu không "phòng bị gậy" sẵn thì khó mà qua được.
Tất nhiên, trong lúc giao thời sự lỗ lãi của DN đôi khi là có thật, nhưng họ vẫn luồn lách và xin cơ chế để có phần bù đắp vào những lúc như thế. DN cũng đã xác định, chỉ còn được "ưu ái", "độc quyền" như thế này một thời gian ngắn nữa thôi.
Chúng ta vẫn chủ trương xăng dầu phải là DN nhà nước nắm để tạo nên "quả đấm"... thì minh bạch với kinh doanh xăng dầu sẽ còn xa mới đạt được.
Ông Phạm Tất ThắngKết luận thanh tra của Bộ Tài chính cũng cho thấy, các DN xăng dầu bán hàng cho đại lý dưới giá vốn với số tiền lên tới 847 tỷ đồng để nhận lỗ về mình, kiểu như "mẹ lỗ, con lãi", như vậy có phải đã rõ việc "lãi kêu lỗ" và cho thấy sự sai phạm của DN xăng dầu không, thưa ông?
- Đây là sai phạm đã rõ của DN mà ai cũng biết. Kiểu kinh doanh này ví như "mẹ" chỉ cho "con" lãi từng này nên mẹ bán xăng dầu cho con giá này, còn từng này "con" phải lại quả cho "mẹ", nhưng cần hiểu việc "lại quả" ở đây thì cá nhân được hưởng chứ không phải DN nhà nước được hưởng.
Chuyện này rõ như ban ngày song từ trước tới nay có cơ quan nào kiểm tra, kiểm soát các DN xăng dầu đâu (mà chỉ dựa vào báo cáo của DN) để xử lý vì kinh doanh xăng dầu vốn được ưu ái; nay mới tìm ra được và bắt đầu "mổ xẻ" sai phạm này. Rõ ràng, quản lý nhà nước của chúng ta rất sơ hở, kể cả với DN nước ngoài cũng vậy, nên mới có tình trạng DN lỗ giả lãi thật.
Ngay Bộ Tài chính cũng cho biết, việc thanh tra DN xăng dầu lần này là để dần minh bạch hoạt động kinh doanh xăng dầu, chứ không phải để xử lý sai phạm. Tại sao chúng ta vẫn chưa thể mạnh tay để minh bạch hóa thị trường xăng dầu, thưa ông?
- Cái khó là chúng ta vẫn chưa cổ phần hóa các DN xăng dầu. Nhà nước vẫn giao vốn cho DN và quản lý trên vốn. Chúng ta vẫn chủ trương xăng dầu phải là DN nhà nước nắm để tạo nên "quả đấm"... thì minh bạch với kinh doanh xăng dầu sẽ còn xa mới đạt được.
Nhưng các cơ quan nhà nước "chưa mạnh tay" chứ không thể không mạnh tay vì người tiêu dùng cũng đã phần nào thấy rõ những bất cập, thiệt thòi trong tiêu dùng xăng dầu. Vậy theo ông chúng ta phải có những bước đi như thế nào?
- Bước đi đầu tiên là ngành xăng dầu không độc quyền nữa. Quy định về DN xăng dầu đầu mối phải được mở ra cho nhiều thành phần tham gia. Tách bơm, trữ xăng dầu ra khỏi kinh doanh xăng dầu; tránh tạo hệ thống bơm-trữ-kinh doanh kiểu từ A đến Z cho DN như hiện nay thì "chết". Các trạm xăng được mua xăng ở bất kỳ đầu mối nào.
Tất cả đòi hỏi chúng ta phải mạnh dạn thay đổi, dựa trên tư duy kinh tế và hiệu quả của nền kinh tế, không vì mục đích nào khác thì mới làm nổi. Tôi cho còn những bước đi dài, nhưng không phải chúng ta không làm được mà chúng ta có muốn làm hay không, có quyết tâm làm hay không mà thôi.
Xin cảm ơn ông!
Mai Hương (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.