Dừng toàn bộ chuyến bay chở khách, chở hàng hoá "cứu" các hãng hàng không
Dừng toàn bộ chuyến bay chở khách, chở hàng hoá "cứu" các hãng hàng không
Thế Anh
Chủ nhật, ngày 08/08/2021 10:04 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh các sân bay vắng khách đi máy bay, Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo dừng hoạt động chuyến bay thương mại giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho phép dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nói chung và đường bay TP.Hồ Chí Minh - Hà Nội.
Tuy nhiên, các sân bay vẫn ưu tiên chuyến bay phục vụ công vụ và nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Trường hợp cần thiết phải di chuyển, địa phương có người di chuyển phải thống nhất với địa phương nơi đến của chuyến bay và địa phương tiếp nhận (nếu khác với địa phương đến của chuyến bay) để kịp thời đón và tiếp nhận ngay tại sân bay, thực hiện xét nghiệm và cách ly theo quy định.
Riêng với đường bay trục TP.Hồ Chí Minh - Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải nhận được văn bản của UBND TP.Hà Nội về việc kiểm soát hoạt động chuyến bay thương mại từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành phố khác trong tình hình dịch bệnh phức tạp.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không triển khai áp dụng khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày "nhằm quyết tâm bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu, bảo vệ sự an toàn an ninh cho nhân dân" theo đề nghị của TP.Hà Nội.
Việc tạm dừng toàn bộ các chuyến bay hành khách thương mại đã khiến cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề gần như "đóng băng". Hiện, các chuyên bay chở khách chỉ là chuyến bay chở công dân từ vùng dịch Covid-19 đang thực hiện giãn cách xã hội trở về quê.
Trước những khó khăn khi phải tạm dừng chuyến bay thương mại, các hãng hàng không cũng đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh bằng việc vận chuyển hàng hoá hàng không. Các hãng bay tận dụng máy bay nhàn rỗi hoán cải từ chở khách sang chở hàng bằng cách tháo ghế để chở hàng.
Đến nay, hãng hàng không Vietjet đã thực hiện tái cấu trúc danh mục đầu tư, mở ra mảng kinh doanh tài chính, đầu tư dự án nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh, hỗ trợ hàng không, tối ưu sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trong giai đoạn hàng không giảm khai thác.
Đại diện Vietjet cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Vietjet đã vận chuyển hơn 4,8 triệu lượt hành khách trên toàn mạng bay và thực hiện 34.000 chuyến bay. Các quy trình khai thác và tăng cường hoạt động khai thác hàng hóa tập trung hoàn thiện. Kết quả, hãng vận chuyển hơn 37.000 tấn hàng hóa, tăng hơn 40 - 45% so với cùng kỳ.
Trong giai đoạn tạm dừng các chuyến bay hành khách thương mại, Vietjet tiếp tục thực hiện chiến lược vận tải hàng hoá là trọng tâm và nỗ lực đổi mới, sáng tạo; tối ưu hóa chi phí giờ bay; ứng dụng công nghệ vào tất cả dịch vụ và công tác vận hành, mở rộng hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.
Tương tự, Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đã chuyển đổi một số máy từ chở khách sang chở hàng hoá để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá trong giai đoạn khó khăn của ngành hàng không.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng đã tháo ghế vận chuyển hàng 5 máy bay A350, tăng công suất cõng hàng lên gấp đôi, 3 máy bay A321 cũng tháo ghế để vận chuyển hàng. Vietnam Airlines là hãng đầu tiên vận chuyển hàng hóa trên cabin và tháo ghế.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines sẽ thành lập hãng hàng không vận tải hàng hoá, trong dự án này, Vietnam Airlines đã nghiên cứu từ 4 năm nay khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt, nhưng việc tổ chức đảm bảo quy mô đủ lớn (đội tàu bay, mạng bay đủ lớn) để khai thác các nguồn hàng, chân hàng cho các luồng hàng đi giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Thực tế, với các hãng bay vận tải hàng hóa như Korean Air và China Air có mạng đường bay và đội bay đủ lớn nên mang lại hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.