Quen thân hơn, chị bảo số chị lận đận tình duyên, yêu ai cũng hết mình, yêu như mối tình đầu nhưng toàn gặp “thằng trời hỡi đất ơi”. Chị qua “hai lần đò”, lần nào cũng suýt chết chìm giữa dòng. Biết tôi chưa lấy chồng, chị khuyên: “Cứ yêu thôi, đừng cưới làm gì cho khổ”.
Ảnh minh họa
Ngày 20 tuổi, chị lên xe hoa. Anh là mối tình đầu của chị. Người ta bảo khi quen nhau mà yêu mãnh liệt thì khi lấy về như xe “cạn xăng”, chẳng còn quấn quýt yêu thương như ngày đầu. Nhưng, chỉ có tình cảm của anh là “nhạt” còn chị vẫn yêu anh nồng nàn. Biết anh thích món cháo lòng bò, chị tranh thủ đi chợ sớm mua cho được đồ ngon. Chị chăm sóc anh tận tụy hết lòng.
Anh phải tật hay rượu chè. Mỗi lần say rượu, anh thường khát nước, lần nào chị cũng để sẵn bình nước một bên. Anh kêu ca thèm mía, mới 4g sáng, trời tối mờ mịt, mình chị cầm đèn pin đi vào trong xóm, gõ cửa nhà vườn mua mía về cho anh ăn. Sau giờ làm đồng, anh thường tụ tập cùng đám thanh niên trong làng nhậu nhẹt. Hầu như đêm nào chị cũng ăn cơm một mình.
Thấy chồng đi sớm về khuya, chị nghi ngờ anh có người khác, căn vặn thì anh quát nạt, chửi bới. Có hôm chị ốm liệt giường, anh cũng không nấu cho bát cháo hay mua cho liều thuốc. Chị phải nhờ anh ruột đưa đi bệnh viện. Ai cũng bảo anh đối xử tệ bạc, khuyên chị bỏ chồng đi nhưng vì còn yêu anh nên chị không đành lòng. Một lần anh đi nhậu với bạn cả đêm không về, chị lo anh té ngã ngoài bờ bụi nguy hiểm nên lật đật đi tìm.
Một người quen rỉ tai cho chị biết anh đang ở chỗ một người phụ nữ góa chồng ở xóm trên. Khi chị xông cửa vào, trước mắt chị là cảnh anh và người đàn bà kia cùng nằm trên giường hút thuốc, quần áo cả hai đều xộc xệch. Cơn ghen bốc lên tận đầu, chị la hét ầm ĩ. Anh lao vào túm tóc, tát tai, thụi vào bụng vợ, lại lôi chị về nhà, tiếp tục đóng cửa đánh chị. Những ngày sau, mặc cho chị năn nỉ, van xin, anh vẫn dọn quần áo sang nhà người đàn bà kia.
Không muốn đối diện với nỗi đau bị ruồng rẫy, chị một mình khăn gói lên thành phố mưu sinh sau hai năm lấy chồng. Sau này thi thoảng về quê, chị nghe hàng xóm kể, anh ta lấy người vợ sau như “chó chui gầm giường”. Ngày anh ta đi phụ hồ, tối về phụ vợ nấu rượu, làm luôn tay luôn chân vẫn bị vợ chửi. Có hôm chị vợ còn úp cả nồi cơm lên đầu mà anh vẫn không dám ho he. Chị cười buồn, bảo chắc tại cái số chị không có phúc được nhờ chồng.
Sau những tháng ngày bôn ba ở thành phố, chị trải qua đủ việc từ công nhân giày da, tạp vụ, giúp việc nhà đến nhân viên quán cà phê. Chị cũng có vài mối tình thoáng qua nhưng đều kết thúc không có hậu. Chỉ khi dành được ít vốn ra mở quán nước nhỏ ở ngoại thành, chị mới gặp anh, cũng là người chồng thứ hai của chị. Anh có một đời vợ, sống cảnh gà trống nuôi con. Chị cảm thương khi thấy anh đi làm về lại tất tả đi đón con gái học lớp 1 rồi lao vào bếp cơm nước, tắm rửa cho con. Thời điểm đó, quán nước chị ế ẩm, việc làm ăn khó khăn, có anh kề vai san sẻ, chị như trút được phần nào gánh nặng.
Không cưới xin rình rang, không ra mắt họ hàng, chị dọn về sống chung với anh, trước sự chứng kiến của vài người thân thiết trong gia đình anh chị. Năm ấy, chị 30 tuổi. Chị nôn nóng có con nhưng anh lại bảo chị “kế hoạch” chờ kinh tế vững hãy sinh con. Chị nghe lời chồng, xem con riêng của chồng như con mình nên dồn hết tình thương cho con bé. Chị sợ chồng cực nhọc nên bao giờ cũng gắng gượng làm thêm giờ, thêm việc. Miếng ngon vật lạ, quần áo mới, tất cả những điều tốt đẹp, chị đều dành phần cho chồng và con riêng của anh.
Dần dà mọi việc lớn nhỏ trong nhà, anh đều ỷ lại vào vợ. Quán nước đắt khách hơn, có đồng ra đồng vào rủng rỉnh, anh bắt đầu sinh “tật” đề đóm, cá độ đá banh. Tiền bạc trong nhà cứ “đội nón ra đi”. Chị hết khuyên nhủ đến răn đe, anh đều bỏ ngoài tai. Những khi vợ chồng to tiếng, anh thường đập phá đồ đạc trong nhà. Không những hay đập phá đồ đạc, mỗi lần thua cờ bạc, anh còn về nhà lấy cắp tiền vợ. Chị hết sắm ổ khóa nhỏ đến khóa to, ngay cả két sắt, anh cũng tìm cách mở được.
Hơn ba năm sống với người chồng thứ hai, hạnh phúc chưa đầy gang tay, chị luôn trong cảnh nước mắt nhiều hơn nụ cười. Việc làm ăn khó khăn, vợ chồng càng cắn đắng nhau nhiều hơn. Anh vẫn quen thói “vung tay quá trán”, xài tiền vô tội vạ nên ngập trong nợ nần. Chị phải sang lại quán nước, lấy tiền trả nợ cờ bạc cho anh. Trở về trắng tay, chị cứ nghĩ anh sẽ tu chí làm ăn, nào ngờ anh lại cặp bồ với một cô gái trẻ.
Chị đau khổ ra đi khi vợ chồng chưa kịp có con chung với nhau. Sau hai cuộc hôn nhân gãy gánh, chị đúc kết: “Sống hết mình với chồng là hạ thấp bản thân mình. Đàn ông họ chẳng bao giờ biết ơn mình đâu. Càng tử tế với họ, họ càng chà đạp mình”. Giờ chị bảo chẳng dại gì vướng vào hôn nhân. Chị đang cặp bồ với một ông đại gia bất động sản. Ông đầu tư cho chị tiền mở quán cà phê hoành tráng. Ông còn hứa sang năm sẽ mua cho chị một căn nhà riêng để hai người thoải mái gặp nhau “vui vẻ”.
Chị kể trước khi cặp ông “đại gia” này, chị có cặp hai ông khác cũng thuộc hàng có máu mặt, nhà cửa rải rác khắp thành phố. Họ cưng chị như trứng mỏng. Chỉ cần chị than mệt là họ đi mua hết tổ yến đến nhân sâm. Chị không phải khổ công lấy lòng hay hầu hạ cơm bưng nước rót gì cho mấy ông.
Nhưng yêu đương với các đại gia cũng mệt mỏi. Chị “cắt đuôi” hai ông này chỉ vì mấy bà vợ làm ầm ĩ. Còn ông “đại gia” bất động sản này thì “lành” hơn. Ông mới ly hôn vợ nên chị không lo có người ghen tuông. Tôi hỏi sao chị không kết hôn với đại gia này? Chị cười, lắc đầu: “Là ổng không có vợ chính thức chứ vợ nhỏ thì cả đàn, chưa kể bồ bịch như chị ổng cũng có cả rổ”.
Khác với vẻ quê mùa, nhếch nhác ngày xưa, chị thường xuyên “nâng cấp”, “tút tát” lại bản thân. Nay chị uốn xù tóc, mai duỗi thẳng, mốt nhuộm màu. Chị còn khoe vừa đi “treo ngực” về, chi phí đắt đỏ nhưng không lo vì đã có “người yêu” chi trả. Chị nói: “Đàn ông lạ lắm, cứ yêu chiều, hy sinh hết mình cho họ thì họ lại lơ là, lạnh nhạt. Nhưng mình cứ yêu bản thân mình và bỏ bê họ thì họ lại mê mình như điếu đổ”.
Cầm cái cà mên cháo dinh dưỡng mua sẵn, chị bảo đi thăm ông “bồ” đang bị bệnh. Chị còn hát nghêu ngao: “Ðừng là vợ là chồng. Rồi nhìn nhau chán ngán. Hãy cứ là tình nhân. Để tình ta mênh mông…”. Chẳng lẽ đàn ông không thích được đối xử tử tế hay sao?
(Theo PNO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.