Được, mất gì sau những thương vụ mua bán ngân hàng đình đám

Quốc Hải Thứ năm, ngày 23/03/2017 06:30 AM (GMT+7)
Làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) Ngân hàng từng bùng nổ với các thương vụ đình đám gây chấn động trong giới đầu tư tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thương vụ đã và đang hoàn tất, cũng có không ít những thương vụ bất thành và cả những thương vụ... “ngô không ra ngô, khoai không ra khoai”.
Bình luận 0

img

Ngân hàng Xây dựng bị mua lại với giá 0 đồng.

“Mẫn cảm” với... sáp nhập

Thực tế, làn sóng M&A ngân hàng sôi động nhất phải kể đến giai đoạn 2013 - 2015, khi đó quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng là chủ trương lớn nhằm giúp các tổ chức tín dụng nhanh chóng lớn mạnh, loại bỏ dần những tổ chức tín dụng yếu kém. Khi đó, không ít thương vụ M&A sớm hoàn tất như: Thương vụ DaiABank - HDBank; MDB - MaritimeBank, MHB - BIDV, Southern Bank - Sacombank; Habubank - SHB; Westernbank - PVFC.

Khi đó, việc sáp nhập của Habubank vào SHB đã làm cho tổng tài sản của SHB tăng 28%, từ 80.985 tỷ lên 103.785 tỷ đồng và vốn điều lệ của SHB tăng gần gấp đôi lên 8.865 tỷ đồng, rút ngắn chênh lệch với các ngân hàng TMCP hàng đầu. Mặt khác do tiếp quản 90 điểm giao dịch, chi nhánh, quỹ tiết kiệm của Habubank đã nâng số lượng chi nhánh và phòng giao dịch của SHB tăng gấp rưỡi, từ 141 lên 211 chi nhánh và phòng giao dịch.

Tương tự, sau sáp nhập với MHB, vốn điều lệ từ 28.112 tỷ đồng lên 31.481 tỷ đồng, tổng tài sản của BIDV từ 655.000 tỷ đồng đã lên đến 695.000 tỷ đồng. Mạng lưới kênh phân phối từ 760 điểm giao dịch lên gần 1.000 điểm trên cả nước, với gần 24.000 cán bộ nhân viên...

Dù vậy, cũng không ít thương vụ M&A nhanh chóng “đổ vỡ” dù tiền đề vô cùng thuận lợi. Chẳng hạn, thương vụ M&A giữa Saigonbank và Vietcombank hồi cuối năm 2015 được kỳ vọng sẽ thuận lợi nhưng cuối cùng vẫn không thành. Nguyên nhân được giới đầu tư “rỉ tai” nhau là do cổ đông lớn của Saigonbank không đồng ý sáp nhập, dù lãnh đạo Saigonbank hiện nay đều đến từ Vietcombank. Chưa kể, thời điểm đó Vietcombank hiện cũng là cổ đông lớn của Saigonbank với tỷ lệ nắm giữ là 8,2%.

Hiện tại, Saigonbank có 2 ngân hàng lớn nắm giữ cổ phần là Vietcombank với tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 4,37% và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietin Bank) với tỷ lệ 4,91%.

Một loạt thương vụ khác như Nam Á Bank và Eximbank sẽ về chung 1 nhà; Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)... cũng được giới đầu tư tài chính quan tâm nhưng chẳng đi đến hồi kết. Phần lớn các thương vụ M&A ngân hàng không thành công được cho rằng do lo lắng gánh nợ xấu từ các ngân hàng “dưới cơ” sẽ dẫn đến nguy cơ thua lỗ, thậm chí phải bán lại với mức giá 0 đồng như VNCB, OceanBank...

Được gì và mất gì sau sáp nhập?

Hiệu quả  của ngân hàng sau tái cơ cấu như thế nào đến nay vẫn là bài toán khó. Dĩ nhiên, với những thương vụ như MHB và BIDV, do cả hai ngân hàng đều do nhà nước nắm giữ tới trên 90% vốn cổ phần nên quá trình sáp nhập diễn ra khá suôn sẻ. Song với những tổ chức tín dụng khác thì lại không dễ dàng.

Chẳng hạn, với thương vụ giữa Southern Bank và Sacombank, thời điểm chưa sáp nhập thì Sacombank có tỷ lệ nợ xấu khá thấp (khoảng 1,18%, tương đương 1.488 tỷ đồng). Trong khi đó, nợ xấu của Southernbank có thời điểm lên tới 55,31% dư nợ và hiện còn hơn 4.316 tỷ đồng nợ xấu cần xử lý (năm 2014). Nếu sát nhập, Sacombank sẽ phải chia sẻ khối nợ xấu này của Southerbank bằng việc tăng trích dự phòng rủi ro, xử lý thu hồi… từ đó, đe dọa lợi nhuận. Chính vì vậy, sau khi sáp nhập thì Sacombank đặt mục tiêu “thụt lùi” so với trước khi sát nhập với con số khiêm tốn: tín dụng tăng trưởng 14%, tỷ lệ nợ xấu không quá 2,5%, lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 5,2% đạt 3.000 tỷ đồng... Đồng thời, Sacombank dự kiến trích lập 1.800 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro năm 2015, 3.109 tỷ đồng năm 2016 và 5.200 tỷ đồng cho năm 2017.

Dù vậy, tính tới thời điểm hiện tại thì nhà băng này vẫn còn đang chật vật trong giải quyết các khoản nợ xấu từ Southern Bank.

Dù vậy, không thể phủ nhận việc M&A ngân hàng không chỉ mang lại lợi thế cho các nhà băng về mạng lưới giao dịch không ngừng mở rộng; kèm theo đó là cơ hội tăng trưởng thần tốc về quy mô, tổng tài sản, vốn điều lệ, số lượng khách hàng, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực mạnh hơn đồng thời tiết kiệm về thời gian và chi phí... Chẳng hạn, thông qua giao dịch sáp nhập với PG Bank, đã tạo nên hệ thống mạng lưới của VietinBank gồm hơn 7.000 điểm giao dịch, cung cấp dịch vụ ngân hàng trải khắp cả nước, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh của VietinBank so với Agribank và đưa ngân hàng này vươn lên sở hữu mạng lưới giao dịch lớn thứ 2 toàn quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem