Tuy nhiên, cách thức Việt hóa này đưa lại khá nhiều bất lợi cho người xem là “đuổi hình thì mất chữ, còn đuổi chữ thì mất hình”.
Có thể nói, 70% các phim và chương trình chiếu trên hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền hiện nay là của nước ngoài. Nhiều phim và chương trình khi phát tại Việt Nam vẫn giữ nguyên bản gốc, nghĩa là chưa hề được Việt hóa.
Với những chương trình này, những người không biết ngoại ngữ (phần lớn) đều không nắm bắt được nội dung của phim hay chương trình đó thế nào. Nếu được Việt hóa thì cũng chỉ mới dừng lại ở dạng phụ đề (chạy chữ Việt dưới màn hình).
Việc này gây không ít khó khăn cho người xem, nhất là với người già và trẻ nhỏ. Ngay cả với người trẻ tuổi, khả năng nắm bắt nhanh nhưng với những đoạn đối thoại nhanh, gay cấn hoặc đoạn có nhiều nhân vật cùng nói thì những lời thoại bằng chữ nhiều khi cũng không dễ nắm bắt.
Đây thực sự là điều bất tiện với người xem khi vừa tập trung xem phim vừa tập trung vào việc đọc phụ đề. Trong khi đó, phim truyền hình của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình hiện nay, rất ít chương trình nước ngoài được Việt hóa ở dạng thuyết minh hay lồng tiếng.
Bác Nguyễn Thanh Huyền (60 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) ho biết: “Nhà tôi đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, cũng có nhiều kênh, tôi xem không hết. Có kênh không có thuyết minh, lồng tiếng hay phụ đề gì cả nên không xem được. Còn với những phim phụ đề thì cũng khó xem vì phải đuổi theo chữ nên nhiều khi xem được hình thì không nắm được lời thoại, còn đọc lời thoại thì mất hình. Khổ nỗi là các kênh nước ngoài thì có nhiều phim hay nhưng lại không xem được lồng tiếng”.
Ý kiến của bác Huyền cũng là ý kiến của phần đông khán giả đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền khi xem phim nước ngoài của các nhà cung cấp dịch vụ trả tiền. Hiện tại, khoảng gần 60% các phim, chương trình nước ngoài được Việt hóa, còn lại là vẫn được giữ nguyên bản gốc.
Ưu điểm của hình thức Việt hóa ở dạng phụ đề là cùng một lúc người xem có thể nghe được tiếng gốc của phim vừa hiểu được lời thoại dịch sang tiếng Việt. Phim có phụ đề có lẽ phù hợp với những người biết ngoại ngữ và những người theo học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh. Tuy nhiên, lời dịch của phụ đề thường ngắn gọn, đôi khi cứng nhắc, thiếu sự mềm mại như khi được thuyết minh.
Vì vậy, phim được thuyết minh, lồng tiếng luôn mang lại cảm giác gần gũi và dễ theo dõi cho người xem. Thuyết minh giúp người xem không phải tập trung đọc phụ đề mà để mất hình ảnh. Tuy nhiên, chọn được giọng đọc thuyết minh như thế nào để hấp dẫn, phù hợp thì không phải dễ dàng. Có những lỗi hay mắc phải của việc thực hiện thuyết minh là giọng đọc chưa hay, không truyền cảm, không truyền tải được ý nghĩa của lời thoại, hoặc giọng đọc thuyết minh với lời nói của nhân vật trong phim không khớp nhau.
Bạn Trí Bảo (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Em thích xem phim có thuyết minh vì vừa nghe được biểu cảm của giọng đọc thuyết minh vừa nghe được biểu cảm của nhân vật trong phim, nhất là phim Hàn Quốc. Xem phụ đề thì phải tập trung đọc chữ chạy dưới màn hình nên không được thoải mái lắm”.
Có thể thấy, Việt hóa các chương trình nước ngoài bằng hình thức thuyết minh được nhiều người xem truyền hình lựa chọn. Các nhà đài hoặc các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nên lưu ý điều này và đầu tư hơn nữa để đem đến cho người xem truyền hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu số đông của người xem.
Kiên Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.