Tổng thống Trump đã khẳng định trong diễn văn nhậm chức hôm 20.1 rằng, Mỹ đã tài trợ cho quân đội của những nước khác trong hàng chục năm qua trong khi lại cho phép quân đội quốc gia ngày càng suy kiệt”.
Ông Trump không nói rõ đang chỉ trích nước nào nhưng đây nhiều khả năng là đồng minh của Mỹ. Ngoài ra, điều này cũng rất chuẩn xác với Trung Quốc, quốc gia mà ông Trump cáo buộc là đã sử dụng tấn công mạng để chuộc lợi trong lĩnh vực quân sự, trong khi lại nhận được rất ít sự đáp trả từ Washington.
Sự cứng rắn của ông Trump có thể hạn chế hợp tác quân sự với Trung Quốc
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chủ yếu dựa vào các chính sách hòa giải và nhượng bộ lẫn nhau để giảm thiểu tối đa xung đột và duy trì lợi ích kinh doanh, tuy nhiên, điều này nhiều khả năng sẽ thay đổi mạnh mẽ dưới thời Tổng thống Trump.
Phát ngôn viên Nhà Trắng, Sean Spicer cũng xác nhận điều này khi tuyên bố vào hôm 23.1 rằng, mối quan hệ với Trung Quốc đang không phải là một “tuyến đường 2 chiều” nên nó cần phải được thay đổi ngay lập tức.
Mỹ - Trung Quốc khó hợp tác quân sự
Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ đã tham gia vào các chương trình trao đổi binh lính và hợp tác với Trung Quốc ở cấp cao với sự góp mặt của cả những sĩ quan cấp tướng hay đô đốc hải quân. Ngay cả khi ông Trump làm Bắc Kinh tức giận vì điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào hồi tháng 1, 3 tàu chiến của Trung Quốc vẫn cập cảng San Diego, cùng với đó là lời tuyên bố về kế hoạch phát triển tin tưởng và hợp tác giữa 2 quân đội.
Trung Quốc bị cáo buộc lợi dụng hợp tác quân sự để do thám quân đội Mỹ
Tuy nhiên, điều này nhiều khả năng sẽ thay đổi khi các cố vấn chủ chốt của ông Trump được biết đến là những chính trị gia có quan điểm hiếu chiến với chính quyền Bắc Kinh.
Sự thẳng thắn của ông Trump sẽ dần làm lộ rõ ra sự thật rằng, Mỹ và Trung Quốc không phải là bạn bè trong lĩnh vực quân sự.
Từ trước tới nay, những người chỉ trích các chương trình trao đổi quân đội giữa Mỹ và Trung Quốc thường tố Bắc Kinh lợi dụng những sự kiện này để do thám và kiếm các thông tin giá trị từ phía Mỹ. Trong khi, ngược lại, Trung Quốc lại thường áp dụng chiến thuật làm sai lệch thông tin mỗi khi hợp tác quân sự với Mỹ, ví dụ như chỉ mang ra sử dụng các loại vũ khí lỗi thời khi tập trận.
Hạn chế sự trao đổi
Quốc hội Mỹ đã ra lệnh giới hạn trao đổi quân sự với Trung Quốc vào năm 2000 do lo ngại nước này có thể kiếm được những thông tin giá trị từ quân đội Mỹ, từ đó sử dụng trong các cuộc xung đột tương lai. Tuy nhiên, điều này lại thay đổi dưới thời Tổng thống Obama nhằm đổi lại sự phát triển trong hợp tác.
Các nỗ lực của ông Obama dường như không thể tiến tới sự cải thiện trong quan hệ do Trung Quốc vẫn liên tiếp tiến hành các hành động khiêu khích trên không lẫn trên biển nhằm buộc quân đội Mỹ phải từ bỏ các hoạt động do thám bằng máy bay và tàu chiến.
Trong năm 2015, quốc hội Mỹ từng đề nghị Lầu Năm Góc phải ngừng ngay các chương trình trao đổi quân sự với Trung Quốc cho đến khi 2 nước tìm ra được cơ chế ngăn chặn hợp lí máy bay của nhau.
Dưới thời ông Trump, Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng, Matt Pottinger, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã được giao nhiệm vụ phát triển chính sách dựa theo học thuyết “Hòa bình qua sức mạnh” của cựu Tổng thống Ronald Reagan, trong đó xây dựng quân đội như nền tảng để gìn giữ hòa bình.
Một nhân vật khác hứa hẹn cũng sẽ thúc đẩy Mỹ mạnh tay hơn với Trung Quốc đó là Ngoại trưởng được đề cử Rex Tillerson, người từng khẳng định rằng, Washington phải quyết liệt trong việc chấm dứt sự quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.