Đường Thanh Niên nằm giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch và chính cung đường thiên thần ấy lại được biết đến với những tai nạn giao thông mà mỗi khi nhắc tới nhiều người không khỏi giật mình...
Đoạn đường “ma ám”
Để biết thực hư về câu chuyện “ma ám”, chúng tôi đã có chuyến thâm nhập thực tế nơi đây. Ngồi xuống một quán “cóc” ven bờ Hồ Tây, bà chủ quán nước tên Phượng nhanh nhảu bắt chuyện với chúng tôi. Qua câu chuyện, chúng tôi biết bà đã có “thâm niên” bám cung đường này nhiều năm nay. Nhấp ngụm trà nóng, vừa đề cập đến những vụ tai nạn giao thông trên đoạn đường này bà chủ đã giật mình xua tay như vừa phạm húy điều gì. Bà kéo chúng tôi nói nhỏ: “Con đường này có ma, bị “ma ám” thì mới nhiều vụ tai nạn như thế!”.
Rồi như không để chúng tôi hỏi, bà đã liệt kê một loạt vụ tai nạn khiến bà bao ngày sợ hãi, không ăn, không ngủ nổi. Bà Phượng kể hôm ấy, khoảng 5h sáng, khi ra gần chỗ bán hàng mọi ngày của mình, bà giật mình thấy có đông người tụ tập phía trước. Bà Phượng lại gần thì thấy một “ông Tây” nằm chết bên vũng máu, bên cạnh là hai người bạn trong đó một người bị thương khá nặng. Theo những người dân lúc đó kể lại, họ bị tai nạn do tự đâm vào cột đèn giữa hai làn đường từ đêm qua.
Lau chiếc cốc thủy tinh sáng bóng, bà tiếp lời: mấy hôm sau thì có vài người cả người nước ngoài và người Việt Nam tới mang theo một cái bàn thờ, đặt ngay vị trí người tử nạn và thắp nhang đèn. Nhưng ngay sau đó, một người đàn ông giao thực phẩm cho nhà hàng đi qua cũng tự ngã và bị thương khá nặng. Bà Phượng còn cho biết, chưa hết năm 2010, nhưng cung đường này đã xảy ra khoảng gần chục vụ tai nạn nghiêm trọng.
Theo quan sát của PV, vị trí này là điểm đầu tiên của khúc cua tay áo từ dốc Yên Phụ kéo dài đến cổng chùa Trấn Quốc. Mặc dù là khúc cua và thường xảy ra tai nạn, nhưng hai bên đường tại vị trí này không thấy có biển báo đường cua cũng như nơi thường hay xảy ra tai nạn.
|
Bà Phượng đang kể lại những vụ tai nạn kinh hoàng và khúc cua “tử thần” |
…Và lời giải!
Thiếu tá Chu Tiến Hùng, Tổ Cảnh sát Trật tự CA phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) làm nhiệm vụ tại khu vực này xác nhận, những thông tin về tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên trên tuyến đường này và đặc biệt là đoạn cua tay áo là có thật.
“Điểm chung của các vụ tai nạn là thường xảy ra vào ban đêm, ngay sau khi trời mưa. Nhiều nạn nhân sử dụng rượu khi điều khiển phương tiện với tốc độ cao, gặp khúc cua này đã tự gây tai nạn. Khúc cua gấp lại không có biển báo, nhiều trường hợp người đi không quen đường, lại chủ quan dẫn tới tai nạn chứ không có chuyện ma quỷ ở đây”. Thiếu tá Hùng phân tích.
Những vụ tai nạn nghiêm trọng trên là lời khuyến cáo người dân khi đi qua đoạn đường này, cần giảm tốc độ. Mặt khác, các cơ quan chức năng liên quan cần lắp hệ thống biển báo cho người tham gia giao thông biết, tránh những rủi ro không đáng có cho người dân.
Theo Pháp Luật Xã Hội
Vui lòng nhập nội dung bình luận.