Giải pháp “cò con”Tuyến đường được UBND TP. Hà Nội đề xuất đặt trạm thu phí là Đại lộ Thăng Long với lý do phương án được phê duyệt trước khi đầu tư cũng có nội dung cho thu phí để hoàn vốn. Đồng thời, do thiếu khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm cho hạ tầng, cũng như khó khăn về kinh phí duy tu quản lý tuyến đường sau khi nhận bàn giao, TP. Hà Nội vẫn tiếp tục đề nghị được thu phí tuyến đường này.
Một đoạn Đại lộ Thăng Long.
Trong văn bản kiến nghị lên Chính phủ, UBND TP. Hà Nội cũng đưa ra giải pháp chỉ đặt trạm thu phí khép kín hoặc theo từng loại xe với quãng đường cụ thể trên 4 làn đường cao tốc, phương tiện lưu thông trên 2 đường gom không phải nộp phí. UBND TP. Hà Nội cho rằng người tham gia giao thông không muốn đóng phí có thể lựa chọn đi trên đường gom hai bên. Kiến nghị này ngay lập tức đã vấp phải phản ứng từ phía các đơn vị vận tải.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam khẳng định: “Về lý không thể thu phí tuyến đường này được vì Nghị định 18 của Chính phủ về thu phí bảo trì đường bộ đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2013, không có lý gì lái xe phải nộp phí trên đường do NSNN đầu tư. Về giải pháp chỉ thu 4 làn đường bên trong theo tôi thấy rất cò con. Nếu người ta không đi vào đường trong, đổ dồn ra đường ngoài, gây ùn tắc thì sao?”.
Bộ GTVT cũng chưa được thu phí Chiều 10.2, ông Nguyễn Văn Lưu – Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết chưa kiểm tra lại Bộ đã nhận được công văn của UBND TP. Hà Nội về vấn đề đặt trạm thu phí trên Đại lộ Thăng Long chưa. Nhưng trên thực tế, việc “xin” thu phí đường đầu tư bằng vốn NSNN sau khi Quỹ Bảo trì đường bộ chính thức đi vào hoạt động từng được chính Bộ GTVT đề nghị với Chính phủ áp dụng đối với Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên.
Thậm chí, trước đó Bộ GTVT cũng đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính về việc có tiếp tục hay không xây dựng trạm thu phí tại dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 mới. Tuyến đường này được đầu tư bằng vốn NSNN và vốn vay của Nhật Bản. Khi lập dự án, tuyến đường cũng được phép đặt trạm thu phí tại km38 + 600 để hoàn vốn vay. Lý do này cũng tương tự như đề nghị của Hà Nội hiện nay, khi cho biết dự án Đại lộ Thăng Long đã được đồng ý đặt trạm thu phí hoàn vốn từ trước năm 2011.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng: “Chỉ trừ khi Thủ tướng xóa bỏ hay sửa đổi Nghị định 18 về Quỹ Bảo trì đường bộ thì có thể được thu. Còn khi nghị định vẫn còn hiệu lực thì phải thực hiện nghiêm túc”.
|
Tiếp đó, tháng 7.2013 Bộ GTVT có công văn đề nghị Chính phủ cho phép đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên. Trả lời đề nghị này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến: Bộ GTVT tính toán, cân nhắc kỹ việc lập trạm thu phí trên Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Sở dĩ, Phó Thủ tướng phải nhắc Bộ GTVT “tính toán, cân nhắc kỹ và báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền” vì việc thu Quỹ Bảo trì đường bộ đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2013. Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính cũng không cho phép thu phí đường bộ đối với tuyến đường được đầu tư từ ngân sách. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT xóa bỏ, dừng thu từ ngày 1.1.2013 đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp NSNN, các trạm thu phí sử dụng đường bộ trả nợ vay. Đến nay, các phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên vẫn được miễn phí.
Vinh Hải (Vinh Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.