Sau vài cuộc gọi điện thoại hẹn hò của H, người có mối quan hệ gần gũi với bà V.T.K – một “cò” làm bằng giả trong đường dây này, chúng tôi đã hẹn được bà K để nhờ làm một bằng thạc sĩ của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Muốn bằng nào cũng có
Theo con hẻm vòng vèo dẫn vào khu dân cư P…, TP.Biên Hòa (hẻm vào Trường THPT Lê Hồng Phong), chúng tôi đến nhà bà K. Sau một hồi trò chuyện, thăm dò, bà K mới chậm rãi rào đón: “Lúc này công an làm dữ lắm, nếu mấy cháu không phải do người quen giới thiệu thì cô cũng chẳng dám giúp đâu”.
Để tránh nghi ngờ từ phía bà K, chúng tôi chìa cái thẻ SV từ mấy năm trước của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho bà K và nêu lý do: “Hiện cơ quan chúng cháu đang sàng lọc nhân viên dữ quá nên phải làm gấp cái bằng thạc sĩ để củng cố công việc. Thời buổi này chỉ có bằng ĐH không thì cũng không chắc chắn lắm”.
Sau khi ngập ngừng săm soi kỹ cái thẻ SV, bà K mới chịu thỏa thuận về vấn đề giá cả làm các loại bằng cấp mà chúng tôi đề cập đến. Bà K chào mời: “Do là chỗ người quen nên cô lấy giá rẻ cho mấy cháu. Như vậy đi, bằng ĐH giá 4,5 triệu đồng, thạc sĩ giá 5 triệu đồng, tiến sĩ giá 8 triệu đồng. Nếu các cháu đồng ý làm cô bao luôn bảng điểm và công chứng đi kèm. Nếu đồng ý làm thì đặt cọc trước 1 triệu, sau một tuần sẽ có bằng”.
Để chúng tôi yên tâm “lò” này làm bằng “giả mà như thật”, bà K đi vào nhà trong và bước ra với tấm phôi bằng đỏ tươi trên tay. Chìa tấm phôi bằng trước mặt chúng tôi, bà K khẳng định: “Tấm phôi bằng này được nhân viên làm rất kỳ công, tỉ mỉ đến từng chi tiết, không thể phát hiện được đâu. Này, có cả tem chống giả nữa đấy”- bà K cười nói. Quả thật, trên tấm phôi bằng chưa có tên chủ nhân có dán một miếng tem tròn nhỏ chống giả của Bộ GDĐT (7 màu, 6 cánh). Theo bà K, con tem này được mua từ… Trung Quốc!
Cũng theo bà K, chúng tôi chỉ cần cung cấp các thông tin sau: Tên trường, ngành (chuyên ngành), hệ đào tạo, năm tốt nghiệp, họ và tên, ngày sinh, nơi sinh, số điện thoại liên lạc... và cứ ung dung ngồi chờ nhận bằng… tốt nghiệp!
Ngoài các loại bằng trên, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết bà K cũng nhận làm các loại nhiều giấy tờ khác như: Chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, bằng tốt nghiệp THPT, sổ hộ khẩu, chứng chỉ Anh văn, tin học, giấy phép lái xe... Các loại giấy này có giá khoảng 1 - 2 triệu đồng/cái.
Mỗi năm hàng trăm bằng giả!
Theo bà K, “lò” sản xuất bằng giả của bà tồn tại khoảng 20 năm nay. Trước đây mỗi năm trung bình bà K làm hàng trăm bằng cấp các loại. “Vài năm gần đây cô làm cả năm cũng chỉ vài chục cái bằng cấp. Bây giờ làm ăn hẻo lắm!” - bà K than thở.
Để xác minh xem bằng cấp giả được sản xuất ở đâu, có hay không sự “bảo kê”, chúng tôi vờ hỏi: “Khi làm bằng xong, chúng cháu nhận bằng ở đâu? Ai giao? Nhỡ bị công an bắt thì sao?...”.
Nghe chúng tôi hỏi, bà K cười mỉm rồi khẳng định chắc nịch: “Cứ yên tâm, cô làm nhiều năm rồi. Khi nào có bằng cô sẽ gọi cứ đến nhà cô nhận”. Bà K cũng cho biết đường dây làm bằng cấp này ở quận 9 (TP.HCM). Khi ai cần làm bằng bà sẽ gọi điện thoại cho đường dây này để đặt hàng cho họ làm.
Bà K bật mí: “Có hai cách để tiếp cận đối tượng làm bằng: Đối tượng sẽ chạy xe đến cổng một công ty nào đó ở TP.Biên Hòa, nói rõ địa điểm để bà ra nhận bằng và giao tiền hoặc đối tượng chạy xe đến nhà bà dưới hình thứ là nhân viên giao hàng. Khách đến chơi nhà rồi giao hàng”.
Tuy nhiên, theo tiết lộ từ H, bà K không đặt hàng ở TP.HCM mà làm ngay tại “lò” gần khu vực bà đang sống. Bằng chứng là, ngay sau khi thỏa thuận xong với chúng tôi và nhận tiền đặt cọc, bà K đã nhanh chóng dắt xe đến “lò” đặt hàng. Không lâu sau, bà lại đã có mặt ở nhà.
Vì sao một đường đây cung cấp bằng giả nằm ngay sau lưng UBND và trụ sở Công an phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) vẫn tồn tại suốt 20 năm qua? Phải chăng có ai đó đã “chống lưng” cho đường dây này hoạt động?
Làm bằng giả cũng phải có… tâm(!?)
Chia sẻ về quá trình gần 20 năm làm bằng giả các loại, bà V.T.K cho biết: “Sở dĩ tôi làm như vậy là nhằm tạo điều kiện cho mọi người tìm được công việc ổn định, thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, tôi không nhận làm bất cứ các loại giấy tờ liên quan tới tính mạng con người như bằng bác sĩ, kỹ sư xây dựng… vì làm những bằng cấp này mất đạo đức lắm”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.