Đường dây nóng tố cáo tham nhũng: Nặng tính tuyên truyền

Thắng Quang - Ngọc Lương Thứ tư, ngày 16/12/2015 06:24 AM (GMT+7)
Lãnh đạo Cục Phòng chống tham nhũng cho rằng: Việc lập ra đường dây nóng là một trong những biện pháp tuyên truyền, giáo dục chung của Thanh tra Chính phủ...Tuy nhiên, “việc xác định các cá nhân tặng quà, biếu quà tết theo kiểu tình cảm là rất khó khăn trong khâu xử lý”.
Bình luận 0

Ngày 15.12, trao đổi với NTNN, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng cho biết, ngoài công bố số điện thoại đường dây nóng, Thanh tra Chính phủ sẽ có văn bản gửi các địa phương, ngành để quán triệt việc tặng quà, nhận quà và trả lại quà tết.

Như báo NTNN đã thông tin, Thanh tra Chính phủ vừa công bố 3 số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận tố cáo của người dân về quà tặng, quà biếu tết. Ngoài ra, theo ông Đạt, đường dây nóng cũng sẽ tiếp nhận những tố cáo tham nhũng khác. “Người dân có thể cung cấp thêm bằng chứng, ghi âm, hình ảnh, video, chúng tôi sẽ xác minh rõ ràng. Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng, trả lời người dân khi có kết quả xác minh các phản ảnh, tố cáo” – ông Đạt nói.

“Cũng là biện pháp tuyên truyền, giáo dục...”

Để việc thực hiện đường dây nóng tránh nặng về hình thức, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định sẽ có văn bản gửi các bộ ngành, cơ quan ngang bộ, địa phương trên cả nước để nhắc nhở thực hiện đúng các quy định hiện hành về tặng quà tết. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng sẽ phải theo dõi, nắm bắt tình hình và có báo cáo về Cục Phòng chống tham nhũng. Cán bộ của cục  này khi nhận được thông tin sẽ phân loại để xử lý theo quy định, trường hợp cần thiết thì hướng dẫn người dân thực hiện những công việc liên quan.

img

Việc hối lộ, biếu quà ngày càng tinh vi, kín kẽ nên việc phát hiện và tố cáo không dễ (ảnh minh họa). ­ Ảnh:  I.T

Ngoài ra, cũng theo Cục trưởng Phạm Trọng Đạt, với những phản ảnh tiêu cực về cán bộ của ngành cụ thể thì Thanh tra Chính phủ phải trao đổi, ví dụ như phản ảnh về tình trạng cảnh sát giao thông nhận hối lộ thì phải trao đổi với lãnh đạo Bộ Công an mới giải quyết được, chứ Thanh tra Chính phủ không thể tổ chức bắt quả tang, xử lý.

Cũng theo ông Đạt, để thể hiện hiệu quả tin báo của người dân qua đường dây nóng, năm nay có thể Cục Phòng chống tham nhũng sẽ công bố một trường hợp mà cục đã vào cuộc xác minh dựa vào nguồn tin của nhân dân phát giác.

Đánh giá về những ý kiến cho rằng rất khó xác định người đi biếu quà tết sử dụng nguồn tiền từ đâu, có phải tiền ngân sách hay không để xác định độ vi phạm, lãnh đạo Cục Phòng chống tham nhũng cho rằng: Việc lập ra đường dây nóng cũng là một trong những biện pháp tuyên truyền, giáo dục chung của Thanh tra Chính phủ để nhân dân và cán bộ có ý thức trong việc phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, ông Phạm Trọng Đạt cũng thừa nhận “việc xác định các cá nhân tặng quà, biếu quà tết theo kiểu tình cảm là rất khó khăn trong khâu xử lý”.

Dễ tiếp nhận, dễ kiểm tra

 Ba số đường dây nóng được công bố là 080.48228, 0902.386.999 và 0125.698.6688. Số điện thoại của ông Phạm Trọng Đạt là 0902.386.999, người dân có thể gọi 24/24 giờ.  

Cục trưởng Phạm Trọng Đạt cho biết thêm, đến nay, việc mở đường dây nóng đã có kết quả bước đầu, riêng dịp Tết Nguyên đán năm 2015 thu được trên 60 nguồn tin và đã phân loại xử lý đúng quy định. Được biết, mới chỉ có 19 trường hợp bị xử lý nhưng kết quả chưa được công khai, chỉ ở mức độ nội bộ. Ông Đạt cũng khẳng định, cán bộ Thanh tra Chính phủ sẽ gương mẫu trong việc từ chối nhận, tặng quà tết.

Trong khi đó, đánh giá về việc Thanh tra Chính phủ duy trì đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh về tham nhũng và biếu quà Tết sai quy định, TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng: Tôi cho rằng việc công bố các số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các phản ảnh hành vi tham nhũng, hành vi tặng quà tết trái quy định là việc rất tốt. Thứ nhất về phía những người dân, trong cuộc sống khi họ thấy điều gì bất thường liên quan đến hành vi tham  nhũng  mà họ biết được, họ có địa chỉ để phản ảnh.

“Về phía cơ quan chức năng, khi nhận những cuộc điện thoại báo vụ việc nào đó, trên số máy có lưu số gọi đến, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra xem công dân báo hiện tượng đó có không hay chỉ là nặc danh, lợi dụng việc gọi điện để vu khống, nói xấu người khác. Ở đây cần phải phân biệt việc người dân báo là việc nêu ra hiện tượng. Còn việc đó đúng sai thế nào khi cơ quan chức năng vào cuộc mới kết luận được, chứ không phải cứ có điện thoại báo đến là có hành vi sai trái xảy ra” - TS Thảo nhấn mạnh. 

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra T.Ư: Cứ làm, còn hơn ngồi im 

Tôi thấy rằng vấn đề quan trọng hiện nay là cần ủng hộ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đúng là có những biện pháp đưa ra nhằm phòng chống tham nhũng chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế. Cũng có ý kiến nói việc lập ra các đường dây nóng tiếp nhận các phản ảnh tố cáo hành vi tham nhũng, tặng quà tết trái quy định có vẻ là việc làm khá hình thức, bởi việc xác định thế nào là quà trái quy định là rất khó. Như người ta tố cáo anh bê một bao tải tiền vào nhà lãnh đạo, nhưng thật ra là bao gạo ngon vì tình thân. Rồi là món quà được tặng, có phải lấy tiền ngân sách đi tặng nhau hay không?

Hay như việc treo thưởng tiền cho người tố cáo tham nhũng. Thật ra người dân không cần có tiền mới tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trên đều nhằm mục đích phát hiện, ngăn chặn và xử lý tham nhũng nên cần thực hiện. Thà như vậy còn hơn chúng ta ngồi im, không làm gì. 

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội): Đâu có ai dại nói là “quà biếu”

Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng đã có từ năm 2007 (Ban hành kèm theo Quyết định 64/2007 của Thủ tướng Chính phủ). Sau đó ngày 16.11.2011, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 2051 trong đó nêu rõ: Không sử dụng tiền ngân sách, công quỹ để làm quà biếu trong dịp Tết Nguyên đán... Quy định thì rõ rồi, nhưng thử hỏi chủ tịch huyện biếu quà cấp trên không lấy tiền nhà nước dễ họ bỏ tiền túi ra chắc? Họ đâu có dại mà ghi trong quyết toán là “quà biếu”? Cấp dưới phải biết lo để hợp lý hóa khoản chi này... Quy định mà không kèm cơ chế kiểm soát thì sẽ khó đi vào cuộc sống lắm

Ông Trần Đức Ninh (quận 7, TP.HCM): Có dám vào nhà lập biên bản?

Hai năm nay, Thanh tra Chính phủ công bố đường dây nóng để người dân phản ảnh việc biếu và nhận quà biếu trái quy định trong dịp tết. Đó cũng là nỗ lực của ngành thanh tra. Nghe ra có vẻ có lý, rất công khai, minh bạch. Trước kia quà biếu cấp trên nào gà, rượu, gạo... thì phát hiện không khó. Nhưng bây giờ quà biếu là phong bì, ai phát hiện được? Vả lại có ai dám xông vào nhà lập biên bản, tố cáo không? Cả một cái Tết 2015, Thanh tra Chính phủ chỉ nhận được 65 cuộc điện thoại phản ảnh, trong khi có hàng triệu người đi “chúc tết” cấp trên. Việc xử lý vấn đề này sẽ vô cùng khó khăn và cũng rất tế nhị vì đôi khi việc đi tặng quà nó thành nét văn hóa của người Á Đông.

Ông Nguyễn Hồng Hải (xã Thanh Bình, Thanh Liêm, Hà Nam): Thiếu tính thực tiễn

Sau khi Nhà nước đã có quy định việc biếu xén trong dịp tết và Cục Phòng chống tham nhũng cũng công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân tố cáo việc tặng nhận quà tết sai quy định, người ta cũng “cải tiến” việc biếu quà tết rồi. Sếp cũng rất thoáng, nhận phong bì, quà cáp ngay tại phòng làm việc ở cơ quan thì dân nào biết mà tố cáo, phản ảnh? Mà đã ở cơ quan thì nhân viên mấy ai biết và dám tố cáo.

Thành ra, quy định về quà biếu trái quy định nghe thì rất hợp tình hợp lý, nhưng để triển khai biện pháp phòng chống thì không đơn giản chỉ là lập ra đường dây nóng. Hơn nữa trong quy định còn nói đến việc báo cáo và nộp lại quà tặng. Kể từ khi quy định này ra đời đến nay đã 8 năm, nhưng  trong 90 triệu dân Việt Nam thì số người báo cáo, trả lại quà... chỉ  đếm trên đầu ngón tay. Vậy là quy định thiếu tính thực tiễn.

Minh Phong- Lê Chiên ghi 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem